Chia sẻ tại Hội nghị Nhân sự Việt Nam (VNHR Summit 2022) tổ chức mới đây, ông Lê Hồng Phúc, Chủ tịch Câu lạc bộ Nhân sự Việt Nam (VNHR), cho rằng trong bối cảnh hỗn loạn, dễ “đứt gãy” do những tác động bất lợi từ suy giảm tăng trưởng, lạm phát… như hiện nay, doanh nghiệp cần tái tạo tổ chức từ gốc, thiết kế lại từ tư duy, chiến lược, hệ thống, quy trình và cả nguồn nhân lực.
“Tương lai phía trước đang thách thức, vì vậy chúng ta là phải chuẩn bị tâm thế để đi được xa và đi được nhanh hơn”, ông Phúc nhấn mạnh.
Thử thách vẫn còn phía trước
Theo ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán của HSBC Việt Nam, sau giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, GDP của Việt Nam đã tăng bật tăng trở lại từ tháng 4/2022 khi mở cửa nền kinh tế và tháo dỡ các biện pháp phòng chống dịch.
“Trong đó, tăng trưởng GDP quý 3/2022 sẽ đạt từ 10-11% nhờ các động lực thúc đẩy tăng trưởng đến thương mại xuất khẩu; đầu tư và tiêu dùng nội địa”, ông Khoa nhận định.
Hiện Việt Nam là một trong những điểm đến thu hút đầu tư hàng đầu khu vực và thế giới nếu so tỷ lệ % của FDI so với GDP một quốc gia thì Việt Nam đứng hàng đầu trong khu vực và thậm chí là thế giới. Nhờ có dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam, cơ cấu hàng hoá xuất khẩu cũng thay đổi theo hướng tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có hàm lượng công nghệ cao với sự xuất hiện của các nhà đầu tư Hàn quốc như Samsung, LG… trong lĩnh vực điện tử điện thoại.
Đặc biệt, trong tháng 8/2022, doanh số bán lẻ, dịch vụ tăng trưởng mạnh với mức tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái, du lịch từng bước phục hồi và phát triển, lạm phát vẫn đang trong mức kiểm soát…
“Tuy nhiên, thử thách nhất định vẫn ở phía trước khi nhu cầu tiêu dùng các nước Mỹ, châu Âu chững lại kể từ cuối năm 2021. Điều này sẽ tác động nhất định tới kinh tế Việt Nam”, ông Khoa nói.
Còn theo ông Lê Trí Thông, Tổng Giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), nền kinh tế đang phục hồi theo mô hình K, nghĩa là chỉ có một số ngành đi lên trong khi những ngành khác vẫn đối mặt với nguy cơ suy thoái. Chỉ có các doanh nghiệp có nền tảng vững chắc mới có thể tiếp tục đi lên mạnh mẽ.
“Do vậy, các doanh nghiệp phải có chiến lược phù hợp ở giai đoạn này để có thể đi tiếp giữa lúc nền kinh tế có nhiều biến động”, ông Thông khuyến nghị.
Mô hình làm việc thích ứng, linh hoạt
Trong đó, Tổng Giám đốc PNJ cho rằng, mô hình quản trị nhân sự lúc này có ý nghĩa đặc biệt đối với các bước tiến/lui, tăng/giảm để đạt được các mục tiêu kinh doanh.
“Khi các CEO nghĩ đến việc gia tăng thị phần thông qua nâng cao doanh số, gia tăng khách hàng thì các giám đốc nhân sự (CHRO) lại nghĩ tới nguồn lực công ty sẽ tác động ra sao tới doanh số và khách hàng… Do vậy, các CEO và CHRO sẽ phải đi cùng nhau để đưa ra chiến lược”, ông Thông chia sẻ.
Còn theo bà Tiêu Yến Trinh, Giám đốc của Talentnet, ở thời điểm này, các mô hình làm việc và phương thức kinh doanh linh hoạt, bền vững hơn là chìa khóa giúp các công ty giải quyết thực trạng hiện tại và những thách thức của tương lai.
“Điều thú vị là con đường sắp tới không có giới hạn, không có công thức, khuôn khổ mà sẽ là hành trình tái tạo và xây dựng đột phá sáng kiến, các phương thức mới, các mô hình kinh doanh mới và cách làm việc giúp vượt qua thách thức và phát triển doanh nghiệp tốt hơn”, bà Trinh nêu quan điểm.
Trong đó, mô hình làm việc trong tương lai phải “giải mã” được 4 yếu tố.
Thứ nhất, cách làm việc sẽ hướng tới sự đột phá với việc tái định hình các tương tác với khách hàng (online nhiều hơn, cá nhân , tháo bỏ điểm nghẽn…), phát triển các phương thức làm việc mới (mô hình làm việc kết hợp, cân bằng nhu cầu đội nhóm và cá nhân…); chú ý về hiệu suất và giá trị (gỡ bỏ các lãng phí và ưu tiên thứ quan trọng, tự động hoá và số hoá…)
Thứ hai, quản lý trao quyền và truyền cảm hứng, xây dựng văn hoá gắn kết, và quản lý có trách nhiệm xã hội.
Thứ ba, cách tổ chức đối ứng nhưng bền bỉ với việc triển khai đội nhóm linh hoạt, tập trung vào đồng thuận và trao quyền trong phạm vi, phối hợp “ảo”; tổ chức dn tương thích thông qua việc ưu tiên sức khoẻ, an nhiên của nhân viên, vận hành linh hoạt; quản lý nhân tài nhờ công nghệ, tiếp cận kỹ năng mới…
Thứ tư, là một môi trường thông minh với không gian thiết kế và địa điểm với tiêu chí “nhân viên là trọng tâm”, áp dụng công nghệ, tổ chức đào tạo…