Vĩ mô

Tranh luận quanh đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online

Bộ Tài chính đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online để định hướng tiêu dùng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng thuế chưa chắc đã là công cụ hữu hiệu để đạt mục tiêu.

Trong tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi do Bộ Tài chính gửi lên Chính phủ, một trong những đề xuất đáng chú ý là bổ sung dịch vụ trò chơi điện tử trên Internet (game online) vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Theo Bộ Tài chính, đây là loại hình giải trí gắn liền với sự phát triển của Internet, có tính tương tác giữa người chơi với máy chủ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, thông qua thiết bị điện tử như máy tính cá nhân, máy chơi game và thiết bị di động.

Đề xuất cho rằng trò chơi điện tử tạo ra doanh thu, lợi nhuận lớn so với các loại hình kinh doanh khác, thu hút sự tham gia của mọi độ tuổi tầng lớp dân cư, đặc biệt là giới trẻ. Do đó, cần nghiên cứu bổ sung vào đối tượng chịu thuế TTĐB để định hướng tiêu dùng.

Tại hội thảo đóng góp ý kiến về đề án trên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thuế, kinh tế lẫn các doanh nghiệp đều đưa ra ý kiến đối với dự thảo này.

Nhiều quốc gia chưa đánh thuế TTĐB

Game online được đưa vào dự thảo ở mục mở rộng cơ sở thuế, với giải pháp cụ thể là nghiên cứu bổ sung áp thuế TTĐB.

Cùng với game online, các đối tượng được nghiên cứu trong dự thảo này còn có đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn, thuốc lá mới và thiết bị, bộ phận, dung dịch của thuốc lá mới.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI cho rằng ngành game hiện tại vẫn chịu nhiều định kiến. Ảnh: Minh Quyết.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tại buổi hội thảo cho rằng việc đưa trò chơi điện tử vào nhóm không có lợi cho sức khỏe cần có thêm những nghiên cứu, bằng chứng khoa học. Bên cạnh đó, phần lớn các quốc gia trên thế giới không đánh thuế ngành game trực tuyến, mà sử dụng nhiều phương pháp để điều tiết thời gian, độ tuổi chơi game.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI cho rằng trong xã hội hiện có nhiều quan điểm khác nhau về game online, bao gồm nhiều định kiến như mất thời gian, ảnh hưởng đến trẻ em, ít vận động.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng nhận định nhiều trò chơi hiện nay đang được xây dựng theo hướng vừa chơi vừa học. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chơi game giúp trẻ em phát triển trí tưởng tượng tư duy, khả năng phản xạ.

"Do vậy cần có đánh giá nhiều chiều, tác động nhiều mặt khi quyết định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online", ông Đậu Anh Tuấn nêu quan điểm

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng Trung Quốc hiện đã có hướng dẫn rõ ràng về độ tuổi được chơi game, cũng như thời gian mỗi tuần trẻ em có thể chơi. Singapore không đánh thuế toàn bộ, nhưng với các game có yếu tố đánh bạc thì áp mức thuế cao. Đối với Thái Lan, thuế lại được áp với các nền tảng kỹ thuật số thu phí.

"Như vậy, đa số quốc gia hiện nay chưa đánh thuế, nhưng vẫn có hướng dẫn, cơ chế chính sách để điều tiết hành vi người tiêu dùng", ông Cấn Văn Lực cho biết.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế Quốc hội cho rằng cần có nghiên cứu và bằng chứng khoa học để thấy game online có thể ảnh hưởng sức khỏe tới mức cần can thiệp, như vậy mới có thể có căn cứ để áp thuế TTĐB. Nếu chưa đến mức đó, hoàn toàn có thể dùng các công cụ khác để hạn chế.

"Ngay cả khi chứng minh được sự cần thiết để nhà nước can thiệp bằng công cụ thuế TTĐB, cũng phải trả lời câu hỏi là tác động chúng ta mong muốn, mục tiêu đặt ra có đạt hay không? Chi phí, tác động xã hội như thế nào? Nếu lợi ích đạt được quá nhỏ, còn tác động không tích cực lại quá lớn thì theo tôi không nên áp dụng", ông Phan Đức Hiếu chia sẻ.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội cho rằng cần cân nhắc hiệu quả, tác động nếu áp thuế TTĐB với game online. Ảnh: Minh Quyết.

Ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc Phát hành Trò chơi trực tuyến của VNGGames cho rằng ngành game tại Việt Nam phải đối mặt nhiều định kiến. Hiện tại, tất cả game muốn phát hành chính thống cần được thẩm định nội dung và phân loại tuổi rõ ràng.

"Tôi có thể khẳng định những nội dung không lành mạnh, lệch chuẩn đều đến từ các game được phát hành trái phép trên lãnh thổ Việt Nam", ông Thắng bày tỏ.

Ông Đào Quang Tuấn, Phó Tổng giám đốc Funtap Games cho rằng khái niệm game hiện tại đã được mở rộng. Những ứng dụng học ngoại ngữ như Duolingo cũng có thể coi là một game học tập, áp dụng lý thuyết trò chơi để người dùng tập trung hơn.

"Khi áp dụng với giáo dục thì chúng ta gọi nó là tạo hứng thú, nhưng với game lại bị gọi là gây nghiện", đại diện Funtap Games chia sẻ.

Không phải ngành "doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao"

Đại diện các doanh nghiệp, chuyên gia có nhận định chung là các doanh nghiệp game Việt Nam hiện không ở tình trạng "doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao" như trong đề án của Bộ Tài chính.

Về hoạt động của thị trường, ông Lã Xuân Thắng trích dẫn số liệu của Newzoo, cho thấy doanh thu ngành game tại Việt Nam trong năm 2022 là 782 triệu USD, đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á. Dù vậy, tỷ suất lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp game tại Việt Nam chỉ đạt 3-5% trên doanh thu, là mức thấp trong nền kinh tế.

Đại diện VNGGames cho rằng nếu áp thuế TTĐB, những game do doanh nghiệp Việt Nam phát hành sẽ bị đội giá lên cao. Người chơi có thể chuyển sang game do công ty nước ngoài cung cấp.

“Việc này có 2 hệ lụy, thứ nhất là không đạt được mục đích khi áp thuế là hạn chế người chơi game, thứ hai là doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp trong nước, hoạt động phù hợp với luật pháp Việt Nam sẽ giảm mạnh, không thể đóng góp cho nền kinh tế số và ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam như kỳ vọng của Chính phủ", ông Lã Xuân Thắng nhận định.

Bà Nguyễn Thùy Dung, Giám đốc SohaGame cho rằng các doanh nghiệp phát hành game trong nước có nhiều chi phí như bản quyền game của nhà phát triển, phí duy trì dịch vụ, thanh toán, vận hành, chăm sóc khách hàng...

"Phần lớn dự án trò chơi được phát hành cần tối thiểu một năm (hoặc vài năm nếu là dự án đầu tư lớn) để hòa vốn trước khi có lãi. Trên thực tế, lợi nhuận sau khi trừ chi phí thu được không hề lớn trong điều kiện kinh doanh thuận lợi”, bà Nguyễn Thùy Dung cho biết.

Tuyển thủ eSports của Việt Nam thi đấu tại SEA Games 31. Ảnh: Nguyên Khang.

Ông Dương Trường Minh, Giám đốc trung tâm GBC của GosuGamer cho rằng các công ty game tại Việt Nam đang phải đóng các khoản như thuế giá trị gia tăng (10%), thuế thu nhập doanh nghiệp (20%) và thuế nhà thầu (10%) khi hợp tác với công ty nước ngoài.

Nếu áp dụng thuế TTĐB cho game online, ông Dương Trường Minh nêu lên một số hệ quả như tăng giá game, người dùng giảm, thúc đẩy việc sử dụng phần mềm trái phép.

Có thể thiếu công bằng, tạo điều kiện cho game xuyên biên giới

Một vấn đề khác được nhiều chuyên gia đưa ra là vấn đề game phát hành xuyên biên giới tại Việt Nam. Thực trạng này từng được Cục Phát thanh truyền hình & Thông tin điện tử nêu ra cách đây một tuần, với số liệu game không phép chiếm tới 30% doanh thu toàn thị trường phát hành game tại Việt Nam.

Để hạn chế tình trạng này, Bộ TTTT cho biết sẽ phối hợp triển khai các giải pháp nhằm chặn dòng tiền thanh toán cho các game không phép.

Gian hàng của một nhà phát hành game tại triển lãm China Digital Entertainment Expo (Trung Quốc) năm 2016. Ảnh: AP.

Ông Phan Đức Hiếu cho rằng nếu đánh thuế TTĐB với game online để hạn chế người dùng chơi game sẽ không hiệu quả, bởi người chơi hoàn toàn có thể ngồi ở Việt Nam nhưng chơi game của các nhà cung cấp không phải trong nước. Đây là điểm khác biệt giữa ngành kinh doanh dịch vụ game và nhiều sản phẩm khác cũng đang chịu thuế TTĐB.

Nhiều đại diện ở hội thảo cho rằng nếu áp thuế TTĐB với game online, người chơi hoàn toàn có thể chuyển sang các game do doanh nghiệp nước ngoài phát hành xuyên biên giới tại Việt Nam. Như vậy, mục tiêu hạn chế chơi game vừa không đạt được, vừa gây tác động ngược, tiêu cực đối với doanh nghiệp Việt.

“Game không phép, game xấu đang tạo ra các ảnh hưởng xấu vẫn hoạt động tại Việt Nam và làm ảnh hưởng đến các game tốt được cấp phép. Nếu tiếp tục chịu thêm thuế tiêu thụ đặc biệt thì thị trường game tốt sẽ bị thu hẹp, giống như chúng ta bảo hộ ngược, tạo điều kiện cho game xấu, game lậu có mảnh đất màu mỡ phát triển.

Như vậy, vô hình trung tiếp tục đẩy nhà phát hành game Việt chuyển hướng ra nước ngoài để hưởng ưu đãi", ông Lê Xuân Hòa, Phó chủ tịch VINASA nhận định.

“Cũng là dịch vụ game khi triển khai ở Việt Nam có nhiều thủ tục hành chính, hệ thống giấy phép buộc doanh nghiệp phải tuân thủ. Trong khi đó, chúng ta chưa có biện pháp hữu hiệu để quản lý dịch vụ xuyên biên giới... Chúng tôi khuyến nghị không đưa game online vào danh mục áp thuế tiêu thụ đặc biệt”, ông Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA) nói.

Trong buổi hội thảo, phần lớn chuyên gia đều cho rằng cần có đánh giá chi tiết, khoa học hơn trước khi tiếp tục đề xuất đưa game online vào dịch vụ cần đánh thuế TTĐB.

Link bài gốcLấy link
https://zingnews.vn/tranh-cai-khi-ap-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-game-online-post1416836.html