Tại hội thảo góp ý về dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) ngày 15/3 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức, các đơn vị, chuyên gia đã nêu ý kiến, đề xuất trong việc điều chỉnh Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trước đó, tại dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, Bộ Tài chính dự kiến bổ sung đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường, thức uống đại mạch, nước giải khát không cồn. Nguyên nhân vì đồ uống có đường là nguyên nhân chính gây nên tình trạng thừa cân và béo phì; các nước đã dần bổ sung loại đồ uống này vào đối tượng chịu sắc thuế tiêu thụ đặc biệt.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Đỗ Thái Vương, Trưởng tiểu ban Nước giải khát VBA cho rằng chưa có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để chứng minh việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường sẽ giúp giảm tình trạng thừa cân béo phì. Đặc biệt, trong bối cảnh có rất nhiều loại thực phẩm có chứa đường và hàm lượng calo cao tồn tại trên thị trường.
"Nếu chỉ áp thuế đối với đồ uống có đường thì không chỉ không giúp cho việc giải quyết vấn đề thừa cân béo phì, mà còn tạo ra một chính sách thuế mang tính phân biệt", vị đại diện này nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, Trưởng tiểu ban Nước giải khát VBA cho rằng chính sách này sẽ ảnh hưởng nặng nề đối với ngành nước giải khát và gây ra những hệ lụy không mong muốn đối với các ngành kinh tế khác có liên quan như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì...
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký kiêm trưởng Ban pháp chế VCCI, đặt vấn đề việc đưa ra chính sách thuế này có phù hợp với chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp, người dân do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 không.
"Liệu đã đủ cơ sở và luận chứng thuyết phục cho việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với những đối tượng mới chưa? Liệu đồ uống có đường có phải là nguyên nhân chính gây ra bệnh thừa cân béo phì, tiểu đường, tim mạch, để lấy đó làm căn cứ đưa vào diện chịu thuế này?", ông nói.
Theo ông Tuấn, trong báo cáo đánh giá tác động của Bộ Tài chính chưa phân tích rõ thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn liệu có nằm trong phạm vi những sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, môi trường và dịch vụ hạn chế sử dụng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA cho rằng ngành đồ uống là một trong những đối tượng chịu tác động trực tiếp, sâu rộng đối với Luật thuế tiêu thụ đặc biệt. Ông kiến nghị chưa sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt ít nhất trong thời gian 2023-2024 để giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh và phục hồi sau đại dịch.
"Cần có đánh giá cụ thể, toàn diện về tác động của thay đổi, bao gồm các tác động với nền kinh tế; Không bổ sung mặt hàng đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt", ông nói.
Ở góc độ chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng nên duy trì ổn định các thể chế/chính sách nhằm tiếp sức doanh nghiệp và kích cầu tiêu dùng trong nước. Thay đổi chính sách cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
"Cần tránh việc thay đổi các sắc thuế, nhất là thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp và nhân dân, ít nhất trong giai đoạn cần phục hồi tăng trưởng 2023-2024 (Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đã năm lần sửa đổi: 2003, 2005, 2008, 2014 và 2016). Sự điều chỉnh liên tục gây bất ổn cho môi trường pháp lý, thể chế và kinh doanh, tác động tiêu cực doanh nghiệp", ông đánh giá.