Luật thuế TTĐB có hiệu lực từ năm 1999 đã được thay thế bởi Luật thuế TTĐB số số 27/2008/QH12 năm 2009. Sau đó trải qua thêm 4 lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2014, 2016 và 2022. Theo Bộ Tài Chính, Luật thuế TTĐB đã dần bộc lộ một số lỗ hổng, hạn chế nhất định sau thời gian dài được sửa đổi và bổ sung.
Cụ thể, Luật TTĐB hiện nay cần mở rộng phạm vi đối tượng chịu thuế TTĐB, bao quát các mặt hàng phải hạn chế tiêu dùng hay định hướng sản xuất. Ngoài ra, một số quy định hiện hành về đối tượng chịu thuế và mặt hàng tại biểu thuế vẫn chưa rõ ràng gây ảnh hưởng đến quá trình áp dụng.
Theo thống kê từ Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, ngành game ở nước ta đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là các game nội địa. Hơn 50% tựa game trên điện thoại được chơi nhiều nhất đến từ Việt Nam, 50% xưởng game lớn tại Châu Á - Thái Bình Dương và Australia thuộc quyền sở hữu của các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử - chia sẻ tại Hội nghị Kết nối Mở rộng thị trường ngành game Việt Nam về nghịch lý thị trường game khi doanh thu đạt mức cao nhưng đa số lại đóng thuế cho nước ngoài.
“Doanh thu game của Việt Nam năm 2018 đạt 365 triệu USD, năm 2021 đạt 665 triệu USD và dự báo khả quan trong năm 2022. Tuy nhiên, số tiền đóng thuế cho Nhà nước chỉ chiếm 50%, còn lại là các cá nhân, tổ chức đóng thuế cho nước ngoài, chủ yếu ở Singapore. Nghịch lý này rất cần được các cơ quan có liên quan nghiên cứu, giải quyết dứt điểm sớm để không tiếp tục thất thoát thuế”, ông Tự Do nhận định.
Theo báo cáo tổng kết và tình hình thực hiện Luật thuế TTĐB, Bộ Tài chính nhận định rõ loại hình kinh doanh game hiện nay có doanh thu lớn, lợi nhuận cao so với các loại hình kinh doanh khác. Do vậy, chính phủ cần nghiên cứu, bổ sung loại hình kinh doanh này vào đối tượng chịu thuế TTĐB nhằm định hướng tiêu dùng.