Tại cuộc họp đầu tuần này, sau khi các ngân hàng thương mại được NHNN được phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng mới cho năm 2023, các ngân hàng cũng đã đạt được sự đồng thuận sẽ giảm lãi suất huy động 0,5%/năm, muộn nhất áp dụng từ 6/3.
Sau lần đồng thuận hồi cuối năm 2022 không đẩy lãi suất huy động quá 9,5%/năm, động thái mới nhất là tín hiệu rõ ràng về xu hướng giảm lãi suất sâu rộng đã bắt đầu lan tỏa. Điều này sẽ tạo điều kiện cho lãi suất cho vay hạ nhiệt, từ đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng – vốn đang tăng với tốc độ rất chậm trong 2 tháng đầu năm.
Theo khảo sát của chúng tôi, hàng loạt ngân hàng cũng đã công bố giảm lãi suất huy động trong những ngày gần đây, chẳng hạn như OCB, VietABank, MSB, ….với mức giảm phổ biến là 0,3-0,5%/năm.
Một số ngân hàng khác như BacABank, Sacombank đã công bố biểu lãi suất mới, tuy nhiên từ đầu tuần sau (6/3) mới chính thức áp dụng, còn hiện tại vẫn theo lãi suất cũ. Tại BacABank, lãi suất được điều chỉnh xuống cao nhất còn 9,1%/năm; Sacombank thì giảm sâu xuống 8,4%/năm (đối với gửi tại quầy) và 8,6%/năm (gửi trực tuyến).
Trong bối cảnh lãi suất hạ nhiệt nhanh, không ít người dùng ngân hàng đã tranh thủ dồn tiền gửi tiền tiết kiệm trong tuần này, trước khi lãi suất điều chỉnh mạnh để có lợi hơn. Chị Hoài Linh (Hà Nội) cho biết, ngày 2/3, chị đã làm một sổ tiết kiệm online cho bố mẹ và một cái của riêng mình tại ngân hàng V, kỳ hạn 24 tháng với lãi suất 9,3%/năm.
“Các ngân hàng đang đồng loạt giảm lãi suất huy động, hầu hết đã xuống dưới 9%/năm, có nơi chỉ còn quanh 8%/năm. Do đó, mình đã dồn tiền để gửi luôn lúc này khi lãi suất còn cao. Mức 9,3%/năm vẫn là mức lãi suất rất cao so với mặt bằng chung hiện nay. Nếu để đợi qua vài ngày nữa, lãi suất xuống thấp thì sẽ bị thiệt hơn rất nhiều” - chị Linh chia sẻ.
Chị Thuỷ Tiên (Hà Nội) cũng nhanh chóng gửi tiết kiệm trước khi ngân hàng hạ lãi suất. “Vừa thấy ngân hàng công bố biểu lãi suất mới áp dụng từ tuần sau, mình đã phải gửi tiền luôn để có lãi suất cao nhất. Với hơn 1 tỷ đồng nhàn rỗi, mình gửi kỳ hạn 6 tháng và có lãi suất 9,1%/năm. Nếu đợi thêm vài ngày nữa, lãi suất kỳ hạn này sẽ chỉ còn 8,8%/năm theo mức ngân hàng công bố, thấp hơn khá nhiều” - chị nói với chúng tôi.
Lãi suất có tác động rất mạnh tới tốc độ tăng trưởng tiền gửi của các ngân hàng trong thời gian qua. Trong năm 2022, những tháng đầu năm lãi suất thấp, tăng trưởng huy động vốn diễn ra rất chậm, nhưng khi lãi suất bắt đầu nóng từ quý 4, tiền gửi đã ồ ạt chảy về các ngân hàng.
Giới phân tích đang dự báo lãi suất sẽ giảm mạnh trong năm nay. “Chúng tôi kỳ vọng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng sẽ giảm dần về mức 6,7% và 7,5% vào cuối năm 2023”, VnDirect cho biết. Nhóm phân tích dự báo xu hướng giảm của lãi suất huy động này có thể tiếp tục trong vài tháng tới do những yếu tố chính sau đây: 1) một lượng lớn tiền gửi đã quay lại hệ thống ngân hàng trong quý IV/2022, 2) chỉ đạo của chính phủ/NHNN trong việc giảm lãi suất huy động/cho vay, 3) chính phủ đẩy mạnh đầu tư công qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế, 4) thay đổi về cách tính tỷ lệ LDR có lợi cho các ngân hàng quốc doanh.
Tuy lãi suất giảm, nhưng nếu so với tỷ suất thu nhập trên giá (E/P) của VN-INDEX hiện là 8,4% (chưa bao gồm tỷ suất cổ tức là 1,7%) thì lãi suất tiền gửi của một số ngân hàng nhỏ ở khoảng 9,5% là tương đối hấp dẫn cùng với rủi ro rất thấp. “Trong bối cảnh thị trường cổ phiếu, trái phiếu, và bất động sản vẫn tồn tại những rủi ro nhất định thì tiền gửi ngân hàng vẫn sẽ là lựa chọn ưa tiên cho những nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thấp và có nhu cầu thường xuyên/ngắn hạn về dòng tiền”, VnDirect đánh giá.