Động thái này diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng khí đốt khiến giá năng lượng ở châu Âu tăng vọt và châu lục này đối mặt tình trạng thiếu khí đốt vào mùa đông tới do Nga cắt giảm nguồn cung.
Theo AFP, cuộc chiến tranh Nga-Ukraine đã gây tác động tức thì tới nền kinh tế Ai Cập - nước nhập khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới và phụ thuộc vào các quốc gia thuộc Liên Xô cũ để đáp ứng hơn 80% nhu cầu ngũ cốc của mình.
Sau khi chiến tranh nổ ra ở Ukraine, Ai Cập hiện đang đẩy mạnh xuất khẩu khí đốt nhằm tăng dự trữ ngoại tệ. Đầu tháng này, Chính phủ Ai Cập thông báo áp dụng cơ chế phân bổ điện năng theo định mức.
Việc này nhằm “giải phóng” thêm 15% lượng khí đốt tự nhiên lẽ ra được bơm cho các nhà máy điện để dành cho xuất khẩu và mang về ngoại tệ.
Một trong các biện pháp để tiết kiệm năng lượng là giảm sử dụng đèn trên đường phố và các không gian công cộng.
Từ năm 2018, Ai Cập đã tăng công suất khí đốt tự nhiên và giờ đây nước này đang nhắm tới tăng xuất khẩu sang châu Âu – nơi đang “khát” khí đốt và muốn giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga.
Hồi tháng 6, Ai Cập đã ký một thỏa thuận mang tính bước ngoặt với Israel và Liên minh châu Âu (EU). Theo đó, nước này sẽ hóa lỏng khí đốt tự nhiên của Israel và vận chuyển sang châu Âu.
Những nỗ lực này nhằm cố gắng cứu nền kinh tế đang chật vật tìm lối thoát của Ai Cập. Tăng trưởng kinh tế của quốc gia này đã giảm xuống còn 3,3% trong năm 2021, từ mức 3,6% năm trước đó.
Ngày du lịch có vai trò quan trọng với nền kinh tế Ai Cập cũng đang chịu ảnh hưởng lớn bởi cuộc xung đột ở Ukraine. Điều này diễn ra ngay lúc ngành du lịch Ai Cập vẫn chưa phục hồi sau cuộc các mạng năm 2011 và đại dịch Covid-19.
Lạm phát tại Ai Cập tháng 7 là 14,6% - mức cao nhất trong vòng 3 năm sau khi quốc gia này hạ giá đồng nội tệ, đẩy giá cả các mặt hàng nhập khẩu tăng cao và dự trữ ngoại hối sụt giảm mạnh. Tính từ tháng 2 đến tháng 7, dự trữ ngoại hối của Ai Cập đã giảm 7,8 tỷ USD xuống còn 33,1 tỷ USD.
Ai Cập đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về một khoản vay nhằm giảm thiểu những tác động của cuộc chiến tranh Ukraine đến nước này – nơi 30% trong tổng số 103 triệu dân đang sống trong cảnh nghèo. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã kéo dài 6 tháng mà chưa có kết quả.
“Các cuộc đàm phán với IMF kéo dài có lẽ là một dấu hiệu cho thấy một số quan chức Ai Cập đã do dự trong việc tuân theo các yêu cầu của IMF và muốn dự vào sự hỗ trợ của các quốc gia vùng Vịnh giàu dầu mỏ,” công ty nghiên cứu Capital Economics có trụ sở tại London (Anh) nhận định.
“Chúng ta cần đẩy nhanh các cuộc đàm phán với IMF”, ông Hany Genena, nhà kinh tế kiêm giảng viên Đại học Mỹ ở Cairo, nói. “Từ tuần trước, đã xuất hiện tình trạng thiếu USD nghiêm trọng tại các ngân hàng để cung cấp cho các nhà nhập khẩu ở nhiều lĩnh vực”.
Trước đó, vào năm 2016, Cairo đã thỏa thuận được một khoản vay trị giá 12 tỷ USD, đổi lại, nước này phải cắt giảm chi tiêu và hạ giá đồng Bảng Ai Cập.
Năm 2020, nước này nhận thêm 2 khoản vay khác, gồm 5,4 tỷ USD để cải cách nền kinh tế và 2,8 tỷ USD để ứng phó với đại dịch.
Theo ông Genena, Chính phủ cần thực hiện các cải cách "mạnh mẽ" hơn nhằm khôi phục dữ trự ngoại hối, bao gồm cả việc thả nổi tỷ giá đồng nội tệ.
Tuần trước, khi giá đồng Bảng Ai Cập giảm xuống mức gần thấp nhất mọi thời đại – 19,1 Bảng Ai Cập đổi 1 USD, Thống đốc Ngân hàng Trung ương nước này, ông Tarek Amer đã từ chức. Hiện chưa rõ lý do, nhưng truyền thông Ai Cập nhận định nguyên nhân là do sự do dự của ông này trong việc thực hiện thả nổi tỷ giá.