Năm 2022 vừa bước sang vài ngày cũng là lúc Bùi Huy Khôi (26 tuổi, Hà Nội) hoàn thành chuyến đi núi Lảo Thẩn (Lào Cai) 2 ngày 1 đêm. Sau khi du lịch mở cửa lại tại nhiều địa phương, Huy Khôi nhanh chóng trở lại sở thích leo núi.
Tính từ tháng 10/2021, Khôi đã đi khoảng 8 cung đường trekking. Mục tiêu của Khôi trong năm nay là chinh phục toàn bộ đỉnh núi cao tại Việt Nam, đi xuyên Việt và thêm một số cung đường như Tà Năng - Phan Dũng, cực Đông…
Trekking là hoạt động du lịch dã ngoại trong đó người tham gia có các chuyến đi bộ đường dài, leo núi, băng qua nhiều loại địa hình, phần lớn là đồi núi, tương tác nhiều với tự nhiên.
Khác với các hình thức du lịch thông thường, người tham gia di chuyển hoàn toàn bằng đôi chân và cần có sức khỏe nhất định.
Được ưa chuộng sau dịch
Theo Huy Khôi, hình thức du lịch này đang là xu hướng hot sau thời gian dịch bệnh.
"Do Covid-19, nhiều người quan tâm đến sức khỏe hơn. Họ ngại đến những điểm du lịch quá đông đúc. Vì thế, trekking là lựa chọn hợp lý nhất. Đa phần người mới sẽ chọn Lảo Thẩn đầu tiên vì nó dễ nhất trong top 15 đỉnh ở phía Bắc, còn trong Nam mọi người hay đi Tà Năng - Phan Dũng", Khôi chia sẻ.
Tương tự Khôi, Quốc Minh (sinh năm 1999, quê Bình Dương) cũng đam mê hình thức đi bộ đường dài. Kỳ nghỉ Tết Dương lịch vừa qua, chàng trai tham gia tour trekking Tà Năng - Phan Dũng để tạo kỷ niệm đáng nhớ cho năm mới.
Chuyến đi của Minh kéo dài 3 ngày 2 đêm với tổng chiều dài khoảng 35 km. Đây là cung đường khá thử thách cho anh với những đoạn băng rừng, leo đèo, vượt suối, di chuyển liên tục lên xuống các con dốc cao.
“Mình từng có cơ hội đi vườn quốc gia Bù Gia Mập nên mê luôn trekking từ đó. Điểm đặc biệt của hình thức này là được ngắm cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tha hồ check-in sống ảo và thử sức chịu đựng của bản thân. Nếu mới trekking lần đầu, bạn nên đi theo đoàn”, Minh nói với Zing.
Sau thời gian dài “chôn chân” ở nhà, Minh dự định chinh phục các cung đường trekking từ Nam ra Bắc trong năm 2022.
“Hiện nhiều địa điểm du lịch bị hạn chế hoặc đóng cửa dài hạn, hình thức trekking sẽ được nhiều người ưu ái. Khi đi mọi người nên chuẩn bị giày leo núi, thuốc chống côn trùng, balo có khung, đai trợ lực, quần áo ấm và một số thiết bị chuyên dụng”, Minh nói.
Thư giãn đầu óc, thử thách bản thân
Còn với Thanh Hương (25 tuổi, Hà Nội), trekking được coi như một hình thức xả stress, giúp đầu óc thư thái sau các căng thẳng công việc.
"Mình vốn thích núi hơn biển, cũng không muốn lui đến chốn quá đông người", Hương chia sẻ.
Do dịch bệnh, kế hoạch đi Tà Chì Nhù (Yên Bái) vào khoảng tháng 8, tháng 9 - thời điểm bắt đầu mùa leo núi tại vùng núi phía Bắc - của Hương và bạn bè phải gác lại đến cuối năm 2021 mới thực hiện được.
Giống mọi người, cô không tránh khỏi cảm giác cuồng chân sau nhiều tháng ở yên trong nhà.
"Lần này, bọn mình lựa sức, chọn địa điểm dễ leo và tham khảo thêm ý kiến từ người dẫn đoàn".
Trong lúc ở nhà vì dịch bệnh, cô vẫn tập luyện đều đặn nên không gặp nhiều vấn đề về thể lực khi leo núi trở lại.
"Tuy nhiên, trong quá trình đi, mình gặp một chút khó khăn do đầu gối chân phải đau bất thường, có thể do mình không sử dụng gậy như các lần trước".
Theo Hương, việc đau cơ, mỏi nhức chân tay là điều khó tránh khỏi khi đi bộ đường dài. Thông thường, chúng sẽ hết sau 2-3 ngày.
Hương cho biết đây là lần đầu cô được ngắm cảnh bình minh, biển mây đẹp nhất trong những chuyến leo núi. Cả nhóm xuất phát từ lúc trời nhá nhem, có dịp ngắm mặt trời ló rạng và dần lên cao.
“Đây còn là lần đầu tiên mình trekking cùng người yêu. Bọn mình dự định sau Tết Âm lịch tiếp tục đi các nơi mới như Tà Xùa (Sơn La), Nhìu Cồ San (Lào Cai)".
Qua các chuyến trekking, Hương gặp và giao lưu với khá nhiều người có chung sở thích. Một vài người trong số đó trở thành bạn bè giữ liên lạc, rủ nhau đi leo núi ở các lần tiếp theo.
"Ở trên núi cao, muốn sử dụng điện thoại cũng không được vì không có sóng, mình có cơ hội nói chuyện, tương tác trực tiếp với bạn bè nhiều hơn", cô bày tỏ.
"Mình được một người bạn trong nhóm rủ tham gia. Lâu ngày chưa du lịch lại trùng với thời gian mình ở ngoài Hà Nội nên đồng ý luôn", Hùng Tuấn (24 tuổi, làm việc tại TP.HCM), thành viên cùng đội leo Tà Chì Nhù với Thanh Hương, cho biết.
Anh gọi chuyến đi vào tháng 11 vừa qua là cách để xem giới hạn bản thân đến đâu vì chưa từng leo các đỉnh núi cao bao giờ.
So với lần đầu tham gia hình thức du lịch trekking ở Hang Tiên (Quảng Bình) vào năm 2020, lần trekking thứ hai này khó nhằn và tốn nhiều sức lực hơn.
Trước chuyến đi khoảng 1 tháng, Tuấn bắt đầu tập gym khoảng 3-4 lần/tuần, tập trung vào các bài tập chân để có sức leo núi. Tuy vậy, trong quá trình đi, anh vẫn bị căng cơ, chuột rút, phải dừng lại bôi dầu nóng mới có sức leo tiếp.
"Việc leo Tà Chì Nhù có hơi quá sức với mình một ít vì phải leo dốc liên tục", Tuấn cho hay.
Dù vậy, Tuấn lại có cảm giác thỏa mãn khi ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên, núi rừng dọc đường đi.
"Leo lên đến đỉnh núi cũng vui nhưng mình thích thú với việc ngắm cảnh xuyên suốt hành trình hơn vì có nhiều chỗ khung cảnh đẹp hơn so với trên đỉnh. Đó là lý do chưa cần đi lên đến điểm cao nhất, mình đã biết mình sẽ thực hiện thêm nhiều chuyến trekking nữa".
Có kinh nghiệm đi phượt bằng xe máy tại các vùng núi phía Bắc, anh đánh giá đi bộ đường dài có điểm thú vị hơn ở chỗ được đặt chân trực tiếp lên ngọn núi, gần với thiên nhiên hơn, ngắm khung cảnh và mây trời rõ hơn.
Sau khi chinh phục thành công Tà Chì Nhù, Tuấn hy vọng tình hình dịch bệnh ổn thỏa, du lịch mở cửa bình thường trong năm tới để anh thực hiện 3 chuyến đi trekking khác, gồm Lảo Thẩn, Bạch Mộc Lương Tử, Ngũ Chỉ Sơn (Lào Cai).
"Những chuyến tiếp theo sẽ mang tính thử thách bản thân nhiều hơn", anh nói.