Ngày 25/12, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp lấy ý kiến Dự thảo Chiến lược sản xuất Hydrogen, triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện 8.
Chưa có chính sách về tài chính, cơ chế bao tiêu sản lượng điện khí
Báo cáo tại cuộc họp, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết thực tế triển khai dự án điện khí (bao gồm các khâu: lựa chọn nhà đầu tư; lập, phê duyệt FS; đàm phán hợp đồng mua bán điện; thu xếp vốn vay và thực hiện hợp đồng EPC) cần khoảng thời gian từ 7-8 năm.
Đối với dự án điện gió ngoài khơi, thời gian thực hiện cần khoảng từ 6-8 năm kể từ lúc khảo sát. Do đó, việc triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi để đáp ứng tiến độ đưa vào vận hành trước năm 2030 là thách thức không hề nhỏ.
Theo Tổng giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) Phạm Văn Phong, hiện chúng ta chưa có chính sách về tài chính, cơ chế bao tiêu sản lượng điện khí, cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện... Điều này đã khiến các dự án đầu tư không xác định được khả năng thu hồi vốn, thu xếp vốn, không xác định được lượng LNG cần nhập khẩu bao nhiêu để bảo đảm mức giá khí cạnh tranh trong ký kết hợp đồng nhập khẩu LNG cho sản xuất điện. Tất cả các vướng mắc trên đã làm nguy cơ chậm tiến độ của các dự án điện khí.
“Cho đến nay, Việt Nam mới chỉ có duy nhất kho chứa và cảng nhập LNG tại khu vực Thị Vải tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu của PV GAS đã được hoàn thành và sẵn sàng cung cấp LNG tái hóa cho các hộ tiêu thụ tại khu vực Đông Nam Bộ. Các kho cảng khác, bao gồm một số cảng nhập được quy hoạch tích hợp trong các dự án nhiệt điện LNG, hiện đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc kể cả các vấn đề về điều kiện kỹ thuật và các quy định có liên quan”, ông Phong nhấn mạnh.
Như vậy, có thể thấy hạ tầng nhập khẩu LNG còn rất thiếu để bảo đảm mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch điện 8. Ngoài ra, việc chưa xem xét để kết nối hạ tầng nhập khẩu LNG và các nhà máy điện sẽ không tối ưu được nguồn lực, giảm hiệu quả đầu tư và lãng phí tài nguyên cảng biển của Việt Nam.
Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng cũng cho biết ngoại trừ Hydrogen, hiện các lĩnh vực liên quan đến thực hiện Quy hoạch điện 8 thuộc trách nhiệm của PVN đều đang được triển khai. Tuy nhiên do thiếu các cơ chế, chính sách cho điện khí, điện gió ngoài khơi nên rủi ro rất cao cho nhà đầu tư.
Nói về điện gió ngoài khơi, ông Hùng cho hay do tương đồng với các hoạt động dầu khí ngoài khơi nên được các nước trên thế giới gắn với hoạt động của dầu khí ngoài khơi, như: Khảo sát đáy biển, điều tra thực địa... và điều này PVN hoàn toàn làm được, vấn đề là thiếu cơ chế, chính sách, quy hoạch và chưa có địa điểm, chưa có cơ quan quản lý nào chịu trách nhiệm quyết định phê duyệt.
Giải quyết vấn đề giá điện theo cơ chế thị trường mềm dẻo hơn
Tại cuộc họp, các ý kiến chuyên gia đều cho rằng cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện. Tuy nhiên do các vướng mắc liên quan đến rất nhiều Luật (Luật Đất đai, Luật Giá, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực…), văn bản quy phạm pháp luật khác và liên quan đến nhiều Bộ, ngành, địa phương, vì vậy, Bộ Công Thương cần có báo cáo Chính phủ xem xét, trình cấp có thẩm quyền có cơ chế đặc thù để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc chưa được pháp luật quy định.
Đồng thời, các chuyên gia cũng đề nghị phải đẩy mạnh công tác truyền thông để cho xã hội và các cơ quan quản lý hiểu được tầm quan trọng, sự cần thiết trong triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi và sản xuất hydrogen, cũng như thực tế những vấn đề đang vướng mắc, nhằm tạo sự đồng thuận trong việc tìm ra giải pháp giải quyết phù hợp.
Theo TS Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cần lập nhóm chuyên gia của các Bộ, ngành rà soát chính sách liên ngành cùng với các chuyên gia độc lập để có đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm đồng bộ, khả thi. Quan điểm của Ủy ban Kinh tế là không xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đơn lẻ và cần có sự giải quyết tổng thể.
TS Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng nhiệm vụ phát triển năng lượng hiện nay rất cấp bách, cần phải có những cách làm mới, quyết liệt, thậm chí có việc phải như “thời chiến”.
Do đó, Bộ Công Thương cần có báo cáo chi tiết, liệt kê các vấn đề đang gặp khó khăn, vướng mắc và phân định rõ từng vấn đề của từng Bộ, ngành, địa phương quản lý, chịu trách nhiệm để báo cáo Chính phủ, từ đó báo cáo lên Quốc hội, Bộ Chính trị để có hướng chỉ đạo giải quyết sớm. Trước hết đề nghị giải quyết vấn đề giá điện theo cơ chế thị trường mềm dẻo hơn.
Đồng thời cần lập nhóm tổng hợp gồm các chuyên gia của Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chuyên gia kinh tế - năng lượng… để cùng phối hợp giải quyết. Mặt khác, cần báo cáo Bộ Chính trị giao cho Chính phủ xây dựng cơ chế khoán, cơ chế giá điện, cơ chế lập các nhóm công tác để tận dụng tiềm năng điện gió và các vấn đề cấp bách khác…
Đồng quan điểm với các chuyên gia, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam nhấn mạnh, nếu cứ để cơ chế mua điện giá cao, bán giá thấp như hiện nay thì không thể hoàn thành các mục tiêu và kế hoạch mà Quy hoạch điện 8 cũng như của ngành đề ra, nhất là trong mua bán với quốc tế.
“Chúng ta phải xác định rõ, nếu áp dụng như vậy thì 2 vấn đề sẽ xảy ra đó là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thua lỗ và phá sản, hoặc nhà nước phải cấp bù phần giá chênh, hoặc phải có chính sách giảm thuế, giảm phí… làm sao để đảm bảo EVN không bị lỗ do giá bán thấp hơn giá mua. Phải có chính sách giảm thuế, phí làm sao để hạ chi phí. Giá đầu vào do thị trường quyết định, còn giá đầu ra do Nhà nước ấn định thì muôn đời không làm được”, ông Thoả nói.
Do vậy, ông Thoả đề nghị sớm sửa Luật Điện lực để đảm bảo giá điện tính đúng, tính đủ. Nút thắt tài chính cụ thể về giá phải giải quyết và thể hiện rõ trong giải pháp, kiến nghị kể cả với điện khí và điện gió.