Steve Adcock đã nghỉ công việc toàn thời gian vào năm 2016 ở tuổi 35, với khoản tiền tiết kiệm khoảng 900.000 USD. Ngay sau đó, nhờ đà tăng của thị trường chứng khoán, tài sản của anh và vợ đã tăng lên 1 triệu USD.
Gần đây, Adcock đã chia sẻ nội dung “Những thói quen của triệu phú” nhằm nỗ lực hướng dẫn mọi người cách đạt được độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm như anh. Bí quyết thành công của Adcock là: đầu tư khôn ngoan và sống tiết kiệm.
Dù đã là triệu phú, nhưng Adcock vẫn duy trì lối sống tiết kiệm. Đối với anh, điều này không nhất thiết là tiêu càng ít tiền càng tốt. Thay vào đó, Adcock cho rằng mọi người nên chi tiêu một cách hợp lý vào những gì mình biết, để tăng giá trị cho cuộc sống.
Anh cho biết đó chính là sự khác biệt giữa tằn tiện và tiết kiệm. Adcock đã chỉ ra 3 điều mà anh không bao giờ chi tiêu:
Xổ số và cờ bạc
Adcock không bao giờ mơ mộng về giải độc đắc Mega Millions, vì anh không bao giờ quan tâm đến loại hình “làm giàu” này.
Anh nói: “Tôi chưa bao giờ chơi xổ số và cũng không mua chúng. Có thể bạn thấy rằng mình sẽ không bao giờ thắng nếu không chơi. Tuy nhiên, hãy đối mặt với sự thật rằng ngay cả khi bạn chơi thì bạn cũng không thể thắng.”
Nhìn chung, cách suy nghĩ của Adcock là đúng. Tỷ lệ trúng giải độc đắc Powerball ở Mỹ là 1 trên 292,2 triệu.
Cơ hội thắng một khoản tiền cao hơn hơn khi nói đến cờ bạc, chẳng hạn như cá cược các môn thể thao hay chơi ở sòng bạc. Tuy nhiên, đó không phải cách kiếm tiền mà Adcock muốn.
Anh chia sẻ: “Tôi không đánh bạc và không bao giờ làm điều đó. Có những người có thể kiếm tiền từ bài bạc, nhưng tôi thì không bao giờ đặt cược dù chỉ là 1 xu.”
Thay vào đó, Adcock muốn tiết kiệm và đầu tư.
Gia hạn thời gian bảo hành
Adcock sẽ không gia hạn bảo hiểm - vốn là một ưu đãi phổ biến với các thiết bị gia dụng và đồ điện tử. Anh cho biết: “Bạn có thể không bao giờ dùng đến nó, việc gia hạn chỉ giúp cửa hàng bán đồ có thêm lợi nhuận.”
Nếu bạn có mua bảo hành và sản phẩm của bạn bị hỏng, không có gì đảm bảo rằng đồ dùng đó sẽ được sửa chữa một cách toàn diện. Cuối cùng, bạn có thể vẫn phải chi nhiều tiền hơn cho việc bảo hành và ít được “lợi lộc” từ đó.
Thay vì gia hạn thời gian bảo hành, Adcock sử dụng quỹ khẩn cấp để chi trả các khoản sửa chữa bất ngờ. Anh nói: “Bạn có thể dành một ít tiền mỗi tháng, tức là về cơ bản, bạn đang tự mở rộng chế độ bảo hành của riêng mình. Khi một món đồ bị hỏng, bạn sẽ tiết kiệm được tiền sửa chữa hay thay thế nó. Nếu không còn có thể sử dụng, bạn sẽ có tiền để chi trả cho những thứ khác.”
Những món đồ rẻ nhất hoặc những món đồ đắt tiền nhất
Khi mua sắm, Adcock thường tránh mua những món đồ rẻ nhất. Anh nghĩ rằng, nhiều khả năng một sản phẩm quá rẻ sẽ hỏng sớm.
Hơn nữa, anh cũng không muốn chi tiêu “quá tay” cho các sản phẩm đắt nhất. Adcock chia sẻ: “Tôi mua cái mà mình nghĩ là phù hợp với mình và có thể sử dụng trong thời gian dài nhất. Đồ dùng đó có thể không ‘xịn’ như món đắt nhất và tôi sẽ lựa chọn món đồ có giá ‘tầm trung’.”
Adcock thường lựa chọn những sản phẩm chất lượng tốt và có bảo hành trọn đời.