Nhiều điểm đến ở châu Á thận trọng trong việc mở cửa sau đại dịch như Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc)... hiện đều gỡ bỏ nhiều quy định khắt khe để đón khách quốc tế, phục hồi ngành du lịch. Trong khi đó, Triều Tiên vẫn im hơi lặng tiếng và chưa có kế hoạch cụ thể cho ngày chào đón sự trở lại các vị khách nước ngoài.
Sức hút của du lịch Triều Tiên
Theo chia sẻ của một số công ty du lịch, mặc dù Triều Tiên lặn mất tăm trong làn sóng mở cửa du lịch đón khách quốc tế sau đại dịch, nhu cầu đến thăm đất nước này vẫn ở mức cao.
Trò chuyện với CNBC, Harris, một nhiếp ảnh gia ở Los Angeles (Mỹ) bày tỏ mong muốn sớm được quay lại đất nước được mệnh danh bí ẩn bậc nhất thế giới này.
Simon Cockerell, tổng giám đốc Koryo Tours, chuyên về du lịch Triều Tiên, chia sẻ với CNBC: “Lượng khách quan tâm đến Triều Tiên luôn ở mức ổn định, vững chắc và thậm chí có thể bị dồn nén vào thời điểm hiện tại".
Simon cho biết các tour đi Triều Tiên chiếm hơn 90% doanh thu của Koryo Tours.
Tương tự, Rowan Beard, quản lý tour tại Young Pioneer Tours, đồng ý rằng lượng khách hỏi thăm tour du lịch Triều Tiên luôn ở mức cao sau đại dịch.
“Tôi nhận được email hàng ngày từ những vị khách hỏi khi nào Triều Tiên đón khách trở lại. Công ty có một danh sách chờ các khách hàng đặt trước tour Triều Tiên, chỉ chờ ngày đất nước này mở cửa", đại diện Young Pioneer Tours nói với CNBC.
Beard cho biết các chuyến du lịch đến Triều Tiên chiếm khoảng 75% hoạt động kinh doanh của công ty ông trước đại dịch. Công ty này đã tổ chức các chuyến đi cho khoảng 1.200 khách du lịch vào năm 2019. Đối tượng khách chủ yếu là người Australia, Anh, Canada, Hà Lan và Đức.
"Thời điểm trước dịch, nhu cầu đi du lịch Triều Tiên của khách Trung Quốc cũng luôn ở mức cao. Điều này tạo nên sự khan hiếm và giới hạn về vé máy bay cũng như vé tàu hỏa. Lượng tour do đó cũng giới hạn theo", Beard nói.
Theo cơ sở dữ liệu phân tích về Triều Tiên 38 North, doanh thu du lịch của nước này tăng khoảng 400% từ năm 2014 đến năm 2019. Con số chứng tỏ sức hút của quốc gia Đông Á này không hề nhỏ.
Khi nào Triều Tiên mở cửa?
Theo CNBC, việc Triều Tiên mở cửa trở lại phụ thuộc nhiều vào hai quốc gia Trung Quốc và Nga. Du khách muốn ghé thăm Triều Tiên phải trung chuyển qua 2 quốc gia này.
Tổng giám đốc công ty du lịch Koryo Tours cho cho biết ngay cả khi Triều Tiên thông báo mở cửa vào ngày mai, việc du lịch đến đây vẫn bất khả thi. Tình hình biến động của Nga chưa giảm nhiệt. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn đóng cửa biên giới nghiêm ngặt, ông Simon nhận định.
Tương tự, đại diện Young Pioneer Tours cũng đồng tình việc mở lại biên giới của Triều Tiên hoàn toàn phụ thuộc vào thời điểm Trung Quốc chính thức mở cửa trở lại với du khách nước ngoài.
“Phần lớn khách du lịch đến Triều Tiên đều đi qua Trung Quốc", Rowan trả lời CNBC.
Trong khi đó, ông Rayco Vega, Tổng giám đốc công ty du lịch KTG Tours, cho rằng nếu Trung Quốc không cấp thị thực du lịch hoặc không cho phép khách du lịch quá cảnh qua nước này, du khách phương Tây sẽ không có cách nào để đến Bình Nhưỡng.
Hiện tại, Trung Quốc vẫn tuân thủ chính sách “Zero Covid”. Do đó, các công ty du lịch ước tính Triều Tiên có thể mở cửa trở lại cho khách du lịch nước ngoài vào năm 2024 hoặc muộn hơn.
Theo dự đoán của đại diện KTG Tours, Triều Tiên sẽ là một trong những quốc gia cuối cùng mở cửa đón khách du lịch quốc tế.
Trong khi đó, ông Cockerell đưa ra nhận định Triều Tiên rất khắt khe trong việc phòng dịch. Đất nước từng cửa đóng then cài cẩn thận trong đại dịch SARS năm 2003 và Ebola năm 2015. Vì vậy, họ không có lý do nào để buông lỏng các biện pháp phòng dịch Covid-19.
Ông nói thêm rằng ngay cả khi đất nước này mở cửa trở lại, các biện pháp kiểm soát dịch bệnh có thể vẫn được duy trì nghiêm ngặt.
"Câu chuyện Triều Tiên mở cửa lại sẽ là một quá trình dài, ngay cả khi hầu hết quốc gia trên thế giới trở lại cuộc sống bình thường và dần coi Covid-19 là bệnh đặc hữu", ông Rowan Beard nhấn mạnh.