Thông báo số 94/TB-VPCP kết luận của Thường trực Chính phủ khẳng định vai trò của tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) không chỉ phục vụ phát triển cho tỉnh Bình Phước và Đắk Nông mà còn có vai trò quan trọng cho phát triển cả vùng Tây Nguyên kết nối khu vực Đông Nam Bộ.
Đầu tư PPP tuyến cao tốc 4 làn xe trong giai đoạn 1
Thường trực Chính phủ hoan nghênh UBND tỉnh Bình Phước, các địa phương liên quan và các nhà đầu tư đã tích cực nghiên cứu, hoàn thiện phương án đầu tư. Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách có hạn, Thường trực Chính phủ lưu ý các bên cần nghiên cứu phương án khả thi, hiệu quả nhất, phù hợp với điều kiện cân đối vốn từ nay đến năm 2025. Trong đó, việc sớm triển khai đầu tư tuyến đường này theo phương thức đối tác công tư là rất cần thiết.
Về dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), Thủ tướng Chính phủ đã giao UND tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án tại văn bản số 658/TTg-CN ngày 22/7/2022 và chỉ đạo về phương án đầu tư tại Thông báo số 166/TB-VPCP ngày 06/6/2022 của Văn phòng Chính phủ.
“UBND tỉnh Bình Phước tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trong đó Nhà nước đầu tư góp vốn dưới 10.000 tỷ đồng; nghiên cứu đầu tư giai đoạn l với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh để bảo đảm đúng tiêu chuẩn kỹ thuật”, thông báo nêu rõ.
Tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây từng được đề xuất đầu tư tổng mức đầu tư của dự án gần 26.000 tỷ đồng.
Đầu tháng 5/2022, liên danh Vingroup - Techcombank đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Phước, UBND tỉnh Đắk Nông và Bộ Giao thông vận tải đề xuất thực hiện dự án đầu tư tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) theo hình thức PPP và đã được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận giao chủ trì lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Ráo riết tìm phương án đầu tư, đưa các tỉnh bứt phá
Thời gian qua, nhờ vào kết cấu hạ tầng hiện đại và đồng bộ, môi trường đầu tư thông thoáng, chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn cùng những cam kết giải quyết nhanh chóng thủ tục đầu tư, Bình Phước đang hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tin tưởng và lựa chọn đầu tư nhiều dự án sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Việc triển khai thành công dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa – Chơn Thành cùng với nhiều tiềm năng, thế mạnh khác sẽ góp phần để Bình Phước bứt phá, cất cánh nhanh trong thời gian tới. Hiện dự án đang được các cơ quan chức năng ráo riết tìm phương án đầu tư tối ưu.
Tại báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải mới đây về phương án đầu tư xây dựng dự án, tỉnh Bình Phước cho biết tuyến cao tốc sẽ được đầu tư với tổng chiều dài gần 130 km, trong đó, đoạn qua tỉnh Đắk Nông khoảng 27,8 km; đoạn qua tỉnh Bình Phước khoảng 101 km, gồm 2 km đường dẫn từ nút giao cuối tuyến với cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa.
Điểm đầu dự án giao với Quốc lộ 14 tại Km1915+900, tỉnh Đắk Nông; điểm cuối tại khu vực thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.
Về cơ cấu nguồn vốn, tỉnh Bình Phước đề xuất dự kiến ngân sách nhà nước tham gia thực hiện dự án khoảng 9.800 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 38%. Vốn nhà đầu tư huy động khoảng 16.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 62%. Thời gian thu phí hoàn vốn của dự án khoảng 17 năm 4 tháng.
Ngoài ra, theo UBND tỉnh Bình Phước, dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành sẽ được đầu tư theo hai giai đoạn.
Giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư với quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, chiều rộng nền đường 19 m, cách khoảng 2 đến 2,5 km sẽ bố trí một điểm dừng xe khẩn cấp theo quy định. Riêng đoạn qua thành phố Đồng Xoài (tuyến Vành đai 2) có chiều rộng 20 m do có bố trí hệ thống điện chiếu sáng ở giữa.
Giai đoạn 2, dự án sẽ được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch với 6 làn xe cao tốc, 2 làn dừng xe khẩn cấp, bề rộng nền đường là 32,25 m; đoạn qua thành phố Đồng Xoài rộng 33 m.
Để sớm tổ chức triển khai các dự án có hiệu quả thiết thực, Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh đường cao tốc phải có quy mô tối thiểu 4 làn xe hoàn chỉnh theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, tránh lãng phí, khó khăn khi đầu tư mở rộng. Đồng thời, phạm vi giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô hoàn chỉnh.
Chính phủ cũng đề nghị các địa phương rà soát các nội dung của dự án để trình cấp có thẩm quyền theo đúng quy định; chuẩn bị mỏ vật liệu để giao trực tiếp cho các nhà đầu tư, nhà thầu phục vụ thi công dự án, xử lý nghiêm các trường hợp giao mỏ không đúng đối tượng, đầu cơ, nâng giá vật liệu; hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 4/2023.