Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng vừa thay mặt Chính phủ, thừa uỷ quyền Thủ tướng ký Tờ trình số 112/TTr – CP báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Cần thiết đầu tư PPP, ngân sách hỗ trợ 50%
Tại tờ trình này, Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Theo ghi nhận, việc thu hút nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ giao thông còn gặp nhiều khó khăn. Trong giai đoạn 2011 - 2020, cả nước đã huy động được nguồn lực xã hội rất lớn với 224 dự án/674.080 tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo phương thức PPP. Tuy nhiên, từ thời điểm Luật PPP ban hành và có hiệu lực, hiện chỉ có 01 dự án đã ký hợp đồng và đang triển khai đầu tư, 09 dự án đã phê duyệt đầu tư, 14 dự án đang chuẩn bị đầu tư.
Hơn nữa, do đặc điểm về địa hình nên hệ thống giao thông kết nối giữa tỉnh Đắk Nông và tỉnh Bình Phước không thể phát triển giao thông đường thủy, hạn chế trong việc phát triển đường sắt, chưa có cảng hàng không và đường bộ vẫn là phương thức vận tải duy nhất.
Theo tính toán sơ bộ, giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 813 nghìn tỷ đồng để đầu tư phát triển mạng lưới đường cao tốc; trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 389 nghìn tỷ đồng, nhưng thực tế mới cân đối được khoảng 66% nhu cầu. Để hoàn thành mục tiêu 5.000 km, cần bố trí nguồn lực đầu tư khoảng 1.508 km. Đây là thách thức rất lớn, nếu chỉ dựa vào nguồn lực đầu tư công sẽ gây áp lực lớn.
Do đó, Chính phủ cho rằng việc đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) theo phương thức PPP là cần thiết nhằm mục tiêu đến năm 2030 cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc.
Đồng thời, xây dựng được đường bộ cao tốc và nâng cấp mạng lưới giao thông nội vùng, các tuyến kết nối các tỉnh Tây Nguyên với Đông Nam Bộ, ven biển Nam Trung Bộ với Nam Lào và Đông Bắc Campuchia.
Từ đó, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia nói chung và vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ nói riêng.
Về phạm vi đầu tư, dự án có điểm đầu giao với đường đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) tại Km1915 + 900, thuộc địa phận huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông; điểm cuối kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, thuộc địa phận thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.
Tổng chiều dài dự án là khoảng 128,8 km, trong đó, chiều dài đường cao tốckhoảng 126,8 km; chiều dài đoạn tuyến kết nối từ nút giao với cao tốc TP.HCM - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa khoảng 2 km.
Dự án đi qua địa phận hai tỉnh: Đắk Nông khoảng 27,8 km, đoạn qua địa phận tỉnh Bình Phước khoảng 101 km.
Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phê duyệt, tuyến cao tốc đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) có quy mô 6 làn xe cao tốc.
Tuy nhiên, Chính phủ kiến nghị thực hiện phân kỳ đầu tư dự án. Trong đó giai đoạn 1, tuyến cao tốc có quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100 - 120 km/h tùy thuộc vào điều kiện địa hình; bề rộng nền đường 24,75 m (riêng đoạn qua thành phố Đồng Xoài nền đường rộng 25,5 m). Giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch được duyệt 6 làn xe cao tốc, bề rộng nền đường 32,25m.
Theo tính toán sơ bộ, quy mô giai đoạn phân kỳ chính tuyến cao tốc có thể đáp ứng nhu cầu vận tải đến khoảng năm 2045 - 2050.
Đối với đoạn tuyến kết nối từ nút giao với cao tốc TP.HCM - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa có chiều dài khoảng 2 km sẽ được đầu tư theo quy mô đường cấp III, bề rộng nền đường 12 m.
Chính phủ đề xuất hình thức đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) là đầu tư công kết hợp đầu tư theo phương thức PPP.
Trong đó, vốn ngân sách nhà nước 12.770 tỷ đồng, gồm ngân sách trung ương khoảng 10.536,5 tỷ đồng; ngân sách địa phương khoảng 2.233,5 tỷ đồng.
Trong tổng số 10.536,5 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương, Chính phủ kiến nghị Quốc hội bố trí 8.770 tỷ đồng từ nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022. Đồng thời, bố trí 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025.
Đối với 266,5 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương còn thiếu, Chính phủ sẽ điều chuyển từ nguồn vốn ngân sách nhà nước đã bố trí cho tỉnh Bình Phước trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện dự án.
Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian giải ngân đến hết năm 2026 đối với số vốn bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 để thực hiện dự án.
Vốn do nhà đầu tư thu xếp khoảng 12.770 tỷ đồng, chiếm 50% sơ bộ tổng mức đầu tư dự án, chiếm 65% sơ bộ tổng mức đầu tư dự án thành phần 1 theo phương thức PPP. Thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 18 năm 1 tháng.
Tách thành 5 dự án thành phần, áp dụng cơ chế đặc thù
Trên cơ sở các quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng và thực tiễn triển khai một số dự án cao tốc quan trọng quốc gia được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư trong thời gian qua, Chính phủ đề xuất phân chia dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) thành 5 dự án thành phần, gồm 1 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP và 4 dự án thành phần đầu tư công.
Cụ thể, dự án thành phần 1 sẽ đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), bao gồm cả đoạn tuyến kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, theo phương thức PPP, UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện.
Dự án thành phần 2 sẽ đầu tư xây dựng đường gom, cầu vượt ngang đường cao tốc địa phận tỉnh Đắk Nông theo hình thức đầu tư công, UBND tỉnh Đắk Nông là cơ quan chủ quản triển khai thực hiện.
Dự án thành phần 3 sẽ đầu tư xây dựng đường gom, cầu vượt ngang đường cao tốc địa phận tỉnh Bình Phước theo hình thức đầu tư công, UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan chủ quản triển khai thực hiện.
Dự án thành phần 4 có mục tiêu bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (bao gồm đường cao tốc, đường gom, cầu vượt ngang và các công trình có liên quan) thuộc địa phận tỉnh Đắk Nông theo hình thức đầu tư công, UBND tỉnh Đắk Nông là cơ quan chủ quản triển khai thực hiện.
Dự án thành phần 5 có mục tiêu bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (bao gồm đường cao tốc, đường gom, cầu vượt ngang và các công trình có liên quan) thuộc địa phận tỉnh Bình Phước theo hình thức đầu tư công, UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan chủ quản triển khai thực hiện.
Dự án sẽ tiến hành chuẩn bị đầu tư từ năm 2023, thực hiện dự án từ năm 2024, phấn đấu hoàn thành dự án năm 2026. Cụ thể, giai đoạn chuẩn bị dự án năm 2023 - 2024; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư năm 2024 - 2025; thi công xây dựng từ năm 2025, phấn đấu hoàn thành năm 2026.
Với mục tiêu rút ngắn thời gian triển khai đầu tư xây dựng, Chính phủ còn kiến nghị Quốc hội cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư và áp dụng trong 2 năm kể từ ngày dự án được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Trong thời gian thực hiện dự án nếu có phát sinh công việc chỉ định thầu thì Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định kéo dài thời gian áp dụng cơ chế này.
Trong giai đoạn triển khai dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng.
Việc khai thác khoáng sản quy định tại khoản này được thực hiện đến khi hoàn thành dự án. Trường hợp không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản thì không phải thực hiện thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.