Elon Musk đang thay đổi nhiều tính năng Twitter với tốc độ chóng mặt. Thách thức hiện tại là biến những thay đổi này trở nên có ích cho hoạt động kinh doanh của Twitter, theo WSJ.
Tính tới nay, Elon Musk đã sở hữu Twitter tròn 100 ngày. Vị tỷ phú này cho biết mục tiêu của ông là xây dựng hoạt động kinh doanh tính phí, giảm bớt sự phụ thuộc vào quảng cáo và mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng. Những thay đổi đáng chú ý bao gồm dịch vụ đăng ký Twitter Blue, phiên bản mới của nguồn cấp dữ liệu dựa trên thuật toán và đề xuất nội dung cho người dùng. Ngoài ra, người dùng đăng ký tại Mỹ giờ đây đã có thể viết tweet dài tới 4.000 ký tự; tài khoản chính thức của công ty được đăng ký tích vàng còn tài khoản chính phủ được đăng ký tích xám.
Không dừng lại ở đó, Twitter còn thêm số lượng các lượt xem vào tweet. Một số đề xuất tiềm năng cũng được ghi nhận, bao gồm cách thức giúp người sáng tạo nội dung chia sẻ doanh thu quảng cáo.
Một số người dùng cho biết họ thích Twitter dưới thời Elon Musk. Số khác thì tỏ ra bối rối và thường xuyên phàn nàn trước sự thay đổi về nguồn cấp dữ liệu thuật toán. Mới đây nhất, tính năng tweet, chuyển tiếp tin nhắn, trích dẫn tweet và nhắn tin trực tiếp thậm chí còn bất ngờ ngừng hoạt động tại rất nhiều tài khoản. Trang web và ứng dụng nền tảng vẫn hoạt động, song việc tương tác nội dung trên máy tính hoặc thiết bị di động gặp rất nhiều khó khăn, theo BI. Theo lời một cựu nhân viên Twitter, đây được coi là “sự cố ngừng hoạt động lớn” kể từ khi nền tảng mạng xã hội này đổi chủ. Tệ hơn, trong một số trường hợp, người dùng thậm chí còn không thể tweet hoặc retweet. “Bạn đã vượt quá giới hạn hàng ngày để tweet”, thông báo gửi đến người dùng viết.
Khi Musk bắt đầu nằm quyền thay đổi Twitter, vị CEO này cố gắng kiếm tiền từ một số nội dung vốn đã miễn phí. Sự cố mới đây có thể chỉ là một thử nghiệm hoặc dự báo theo một cách nào đó rằng tính năng tweet và nhắn tin trực tiếp có thể là dịch vụ tiếp theo bị Musk tính phí.
Tuy nhiên, gây tranh cãi nhất có lẽ là những thay đổi về mảng kiểm duyệt nội dung - điều mà Musk cho là phục vụ quyền tự do ngôn luận. Theo Ella Irwin, người đứng đầu bộ phận tin cậy và an toàn của Twitter, hàng nghìn tài khoản bị đình chỉ trước đây đã được khôi phục. Twitter cũng chấm dứt chính sách hạn chế sự lan truyền thông tin sai lệch về COVID-19.
“Twitter sẽ làm rất nhiều điều ‘ngớ ngẩn’ trong những tháng tới. Chúng tôi sẽ giữ nguyên những gì đang hoạt động hiệu quả và thay đổi với những thứ hoạt động không hiệu quả”, Musk nói, đồng thời hy vọng Twitter sẽ có thể hòa vốn trong năm nay.
Hồi tháng 12, Musk cho biết Twitter kỳ vọng mang lại doanh thu khoảng 3 tỷ USD vào năm 2023, tức thấp hơn so với doanh thu 5,1 tỷ USD hồi năm 2021. Musk cũng khẳng định động thái cắt giảm nhân sự từ gần 8.000 xuống còn khoảng 2.000 là nhằm cắt giảm phần lớn chi phí không cần thiết.
Dưới thời Elon Musk, Twitter là một công ty tư nhân quy mô nhỏ hơn và không còn phụ thuộc nhiều vào Phố Wall. Điều này trái ngược hoàn toàn so với trước đây - thời điểm nó bị cho là chuyển mình quá chậm chạp.
Thực tế trước đó, Twitter có điều chỉnh dịch vụ, song hạn chế tối đa những thay đổi táo bạo. Nền tảng này đã duy trì mức giới hạn 140 ký tự trong hơn một thập kỷ, sau đó mở rộng lên 280 ký tự vào năm 2017. Nút chỉnh sửa - tính năng Twitter được yêu cầu nhiều nhất, cũng chỉ bắt đầu được triển khai vào năm ngoái.
Với Elon Musk, trọng tâm chiến lược hiện nay là Twitter Blue mới. Nếu đăng ký dịch vụ này, người dùng sẽ có thể chỉnh sửa tweet, tải lên video có độ phân giải cao hơn và truy cập “chế độ người đọc”. Ngoài ra, một số đặc quyền đáng chú ý khác cũng được xếp vào danh sách “sắp ra mắt”, bao gồm việc giảm một nửa số lượng quảng cáo và tăng thời lượng các video tải lên. Tính đến giữa tháng 1, Twitter Blue có khoảng 290.000 người đăng ký toàn cầu, theo The Information.
Sau khi Twitter tái khởi chạy dịch vụ Twitter Blue, người dùng sẽ phải trả phí cao hơn khi sử dụng ứng dụng trên điện thoại. Nếu đăng ký qua trình duyệt web, gói Twitter Blue sẽ có giá 8 USD/tháng, song nếu đăng ký bằng điện thoại iPhone, người dùng sẽ phải bỏ ra 11 USD/tháng. Nguyên nhân là bởi Elon Musk không muốn công ty phải chịu mức thuế mà Apple áp dụng cho tất cả các giao dịch trong ứng dụng.
Theo WSJ, ngành công nghiệp truyền thông xã hội nói chung đã phải vật lộn với sự giảm tốc của hoạt động tiếp thị trực tuyến, một phần do những thay đổi về quyền riêng tư của Apple. Theo Meghana Dhar, cựu Giám đốc điều hành Snap và Instagram, trong bối cảnh đó, mô hình đăng ký trả phí là rất tiềm năng.
“Tôi nghĩ đó là một ý tưởng thông minh”, cô Dhar nói. “Để các nguyên tắc cơ bản hoạt động, người dùng của bạn phải sẵn sàng trả tiền cho dịch vụ và nhận lại thứ gì đó. Tôi nghĩ đó là câu hỏi mở cho Twitter”.
“Sẽ là một cuộc chiến khó khăn để Musk thuyết phục người dùng rằng gói đăng ký này đáng giá để có thể bù đắp toàn bộ doanh thu bị mất”, Jasmine Enberg, chuyên gia phân tích tại công ty nghiên cứu Insider Intelligence, cho biết.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quá trình thử nghiệm các tính năng mới của Twitter đang diễn ra quá nhanh trên quy mô lớn, trong khi lượng nhân viên hiện tại không đủ để kịp thời khắc phục vấn đề. Ngay cả Andreessen Horowitz, công ty VC đã đầu tư 400 triệu USD trong thương vụ mua lại cũng thất vọng trước sự đi xuống của nền tảng.