Tờ Phnom Penh Post dẫn thống kê tạm thời của Tổng cục Hải quan và Thuế tiêu thụ đặc biệt Campuchia (GDCE) cho biết: Trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay, tổng thương mại hàng hóa đạt 2,430 tỷ USD, tăng 5,6% so với mức 2,303 tỷ USD trong cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, xuất khẩu của Campuchia sang Việt Nam đạt 1,181 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm ngoái từ 977,270 triệu USD, trong khi nhập khẩu đạt 1,249 tỷ USD, giảm 5,8% so với 1,325 tỷ USD. Thâm hụt thương mại của Vương quốc Campuchia với Việt Nam ở mức 67,524 triệu USD, giảm 80,60% so với 347,995 triệu USD trong cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam chiếm 16,03% kim ngạch thương mại quốc tế của Campuchia trong 4 tháng đầu năm 2023.
Chỉ riêng tháng trước, kim ngạch thương mại song phương đạt 563,03 triệu USD, giảm 3,01% so với 580,48 triệu USD trong tháng 4 năm 2022. Xuất khẩu của Campuchia trong tháng 4 năm 2023 trị giá 271,655 triệu USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm ngoái và nhập khẩu trị giá 291,373 triệu USD , giảm 19,5%.
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Campuchia (CCC) Lim Heng ca ngợi (kết quả - PV) gia tăng xuất khẩu của Campuchia sang Việt Nam. Theo ông, điều này có được nhờ năng lực sản xuất ngày càng tăng của Vương quốc Campuchia, đặc biệt ở lĩnh vực nông nghiệp, trong bối cảnh quan hệ song phương được cải thiện.
Ngoài ra, thúc đẩy xuất khẩu được hưởng lợi nhờ các hiệp định thương mại song phương và đa phương được chia sẻ giữa hai quốc gia láng giềng - có chung biên giới, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), ông nói với tờ này vào ngày 10/5.
RCEP là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới, bao gồm Campuchia, Việt Nam và 13 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương khác.
Mặt khác, ông lưu ý rằng hầu hết hàng hóa mà Campuchia xuất khẩu sang Việt Nam là nguyên liệu thô và nông sản, đồng thời gợi ý vương quốc này có thể hưởng lợi nhiều hơn bằng cách tăng cường xuất khẩu thành phẩm.
Ông nói: Sự tăng trưởng của thương mại song phương, đặc biệt là sự gia tăng mạnh mẽ trong xuất khẩu của Campuchia, là một dấu hiệu cho thấy sản xuất đang trở nên mạnh mẽ hơn. Đồng thời dự đoán xu hướng đó sẽ tiếp tục.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Campuchia sang Việt Nam bao gồm chủ yếu là gạo, cao su, hạt điều, sắn và các sản phẩm nông nghiệp khác cũng như nguyên liệu thô.
Vị lãnh đạo CCC cũng liệt kê các mặt hàng nhập khẩu chính là thép và vật liệu xây dựng, dầu, trái cây và rau quả, phân bón và máy móc nông nghiệp.
Tiềm năng phát triển giao thương Việt Nam - Campuchia trong tương lai
Giám đốc Kinh tế Quốc tế tại Học viện Hoàng gia Campuchia Hong Vanak tuyên bố rằng quan hệ thương mại và du lịch giữa Campuchia và Việt Nam còn nhiều động lực hơn sau khi Đường cao tốc Phnom Penh-Bavet hoàn thành.
Tuyến đường cao tốc này – dự kiến sẽ động thổ vào đầu nửa cuối năm nay – được lên kế hoạch nối thủ đô với biên giới Việt Nam tại thị trấn Bavet của tỉnh Svay Rieng. Cửa khẩu Bavet cặp với Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, huyện Bến Cầu - tỉnh Tây Ninh.
Ông Hong Vanak tán đồng nhận xét của ông Heng rằng sự gia tăng thương mại song phương, và đặc biệt là xuất khẩu của Campuchia, báo hiệu sự gia tăng năng lực sản xuất trong nước. Đồng thời cho biết năng lực xuất khẩu của Vương quốc Campuchia cũng đang tăng lên.
Ông nhận xét: "[Tuy nhiên,] vì hai nước có chung đường biên giới nên số lượng giao dịch có thể cao hơn nhiều so với những gì chúng ta thấy trong các số liệu này".
Thống kê tạm thời của GDCE chỉ ra rằng Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia vào năm 2022, với kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều lên tới mức kỷ lục 6,136 tỷ USD, tăng 19,64% so với 5,129 tỷ USD vào năm 2021.
Xuất khẩu và nhập khẩu của Campuchia từ Việt Nam lần lượt đạt 2,169 tỷ USD và 3,967 tỷ USD, tăng 9,25% và 26,20% trên cơ sở hàng năm, làm tăng thâm hụt thương mại của vương quốc này với nước láng giềng lên 55,25%, từ 1,158 tỷ USD vào năm 2021 lên 1,799 tỷ USD vào năm 2022.