Khi công bố BCTC kiểm toán hợp nhất năm 2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) "chỉ" báo lỗ sau thuế 20.747 tỷ đồng. Lỗ ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ là 22.256 tỷ đồng. Con số này thấp hơn nhiều so với lỗ 31.000 tỷ của Tập đoàn mẹ được EVN nêu lên trước đó khi nói về khó khăn của năm qua.
Các công ty con kinh doanh ra sao?
Trong khi kết quả hợp nhất lỗ gần tỷ đô thì các công ty con của EVN lại có một năm "bội thu" khi đồng loạt báo lãi. Trong đó, 3 GENCO (GENCO 1, 2, 3) lãi lớn với tổng lợi nhuận trước thuế hơn 11.000 tỷ đồng.
Trong số này, Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO 2) là doanh nghiệp lãi lớn nhất. Cụ thể, trong năm 2022 doanh nghiệp này đã ghi nhận doanh thu thuần 24.717 tỷ đồng, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ chi phí, EVNGENCO 2 lãi trước thuế 5.303 tỷ đồng, tăng 76,8%.
Theo tìm hiểu, năm 2013 EVNGENCO 2 hoạt động theo hình thức công ty mẹ - công ty con trên cơ sở sắp xếp lại công ty TNHH MTV Nhiệt điện Cần Thơ và các đơn vị phát điện/BQL dự án khác. Doanh nghiệp lúc đó do EVN sở hữu 100% vốn điều lệ.
Công ty đã được EVN cổ phần hóa bắt đầu từ năm 2021. Tuy nhiên, phiên IPO diễn ra vào tháng 2/2021 đã “ế” nặng khi các nhà đầu tư chỉ mua 262.500 cổ phiếu trong tổng số 580,1 triệu cổ phiếu đưa ra chào bán, đạt chưa đến 1%. Ngay sau đó EVNGENCO2 đưa 262.500 cổ phiếu này lên đăng ký giao dịch trên UPCoM với mã chứng khoán là GE2.
Hoàn tất quá trình cổ phần hoá, EVNGENCO 2 chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với cơ cấu gồm 6 đơn vị hạch toán phụ thuộc, 1 công ty con nắm giữ 100% vốn điều lệ và 5 công ty con.
Đến tháng 12/2022, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội thông báo về việc huỷ đăng ký với 265.500 cổ phiếu GE2. Nguyên nhân huỷ đăng ký giao dịch do EVNGENCO 2 là doanh nghiệp cổ phần hoá sau 1 năm kể từ ngày giao dịch đầu tiên vẫn chưa đáp ứng đủ điều kiện là công ty đại chúng theo quy định, thuộc trường hợp huỷ đăng ký giao dịch.
Tuy nhiên, ngoài EVNGENCO 2 thì vẫn có một công ty con của EVN vẫn đang được niêm yết trên HoSE là Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3, mã chứng khoán: PGV).
PGV gây ấn tượng trên sàn chứng khoán trong giai đoạn vừa qua khi cổ phiếu tăng hơn 50% so với đầu năm. Vốn hóa thị trường cũng theo đó tăng thêm 10.500 tỷ trong hơn 6 tháng, lên gần 31.000 tỷ đồng. Dù vậy, con số này vẫn còn kém khá xa so với mức đỉnh cao (44.000 tỷ đồng) mà EVNGENCO3 từng chạm tới vào đầu tháng 2 năm ngoái.
EVNGENCO 3 được thành lập năm 2016 cơ sở tổ chức sắp xếp lại Công ty TNHH một thành viên Nhiệt điện Phú Mỹ.
Doanh nghiệp được cổ phần hóa theo Quyết định số 2100 ngày 27/12/2017 của Thủ tướng về việc phê duyệt Phương án cổ phần hóa công ty. Hiện tại, EVN vẫn đang nắm giữ hơn 99% vốn điều lệ của EVNGENCO 3.
Với tổng công suất 6.565 MW (Nhiệt điện khí, Nhiệt điện than, Thủy điện, Điện mặt trời) tại công ty mẹ và các đơn vị công ty con, công ty liên kết, EVNGENCO3 hiện là nhà phát điện lớn nhất, nhì trên thị trường (không kể EVN), chiếm khoảng 8,4% công suất toàn hệ thống. Sản lượng điện sản xuất năm 2022 đạt 32,242 tỷ kWh, chiếm khoảng 12% tổng sản lượng điện quốc gia.
EVNGENCO3 quản lý nhiều nhà máy điện lớn trực thuộc gồm Nhiệt điện Phú Mỹ, Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Nhiệt điện Mông Dương 1, Thủy điện Buôn Kuốp, Điện mặt trời Vĩnh Tân 2 với tổng quy mô công suất 5.485 MW và EVNGENCO3 Power Service - đơn vị chuyên thực hiện dịch vụ sửa chữa các nhà máy điện.
Tổng công ty đang sở hữu hai công ty con với tỷ lệ trên 50% đều đang niêm yết cổ phiếu trên sàn gồm Nhiệt điện Bà Rịa (79,56%) và Nhiệt điện Ninh Bình (54,76%). Ngoài ra, EVNGENCO3 cũng nắm giữ trên 30% vốn tại 03 Công ty liên kết gồm Thuỷ điện Thác Bà, Thuỷ điện Vĩnh Sơn Sông Hinh và CTCP Đầu tư và Phát triển Điện Sê San 3A.
Trong năm 2022, EVNGENCO 3 cũng là doanh nghiệp có khoản lợi nhuận lớn thứ hai trong số những đơn vị thành viên của EVN. Cụ thể, doanh nghiệp này đã mang về 47.287 tỷ đồng, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, phần lớn là doanh thu bán điện với mức 46.779 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do giá vốn và các chi phí tăng cao, EVNGENCO 3 lãi trước thuế 3.057 tỷ đồng, giảm 21,6%. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 2.524 tỷ đồng, giảm gần 20%.
Ngoài hai doanh nghiệp nổi bật kể trên, EVN vẫn còn những đơn vị thành viên khác gồm Tổng công ty Điện lực Miền Bắc (EVN NPC), Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hanoi), Tổng công ty Điện lực Miền Trung (EVN CPC), Tổng công ty Điện lực TP HCM (EVN HCM), Tổng công ty Điện lực Miền Nam (EVN SPC), Tổng công ty Truyền tải Điện quốc gia (EVN NPT) và Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO 1). Các doanh nghiệp trên đều có báo lãi trong năm 2022.
Giải thích của EVN
Trước đó, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội, đại biểu Tạ Thị Yên (Phú Yên) đã đặt vấn đề hiệu quả hoạt động kinh doanh của EVN khi năm 2022 công ty báo lỗ 26.000 tỷ đồng và xin điều chỉnh tăng giá điện tới 8 lần nhưng vẫn tiếp tục báo lỗ. Trong khi, các công ty con công bố lợi nhuận cao trong năm 2022. Nếu nói rằng EVN lỗ do giá đầu vào tăng cao, gồm nhiên liệu, lãi vay hay bị lỗ tỷ giá thì các công ty con cũng đối diện với khó khăn này.
Giải đáp vấn đề này, đại diện Bộ Công Thương đã nêu lý do xuất phát từ nguyên tắc vận hành thị trường. Trong đó, EVN là nơi mua duy nhất, đóng vai trò mua hộ, phải mua với chi phí cao trong khi giá bán điện tới khách hàng được điều tiết.
Phía Bộ cũng nói thêm, EVN không phải người mua duy nhất, khách hàng phải chịu giá điện cao từ đơn vị sản xuất. Đơn cử, nếu vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, theo thiết kế, các nhà máy phát điện được chọn bán cho khách hàng trực tiếp.
Như vậy, nếu khách hàng mua điện của nhà máy sản xuất giá cao bằng dầu, khí, họ phải tự trả đúng giá, không ai mua hộ và bán với giá thấp nữa. Đấy là nguyên tắc của thị trường bán lẻ cạnh tranh.