Ngày 14/12/2022, HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa bình thông báo về việc từ nhiệm ông Lê Viết Hải không còn đảm nhận chức vụ Chủ tịch HĐQT, có hiệu lực từ 1/1/2023. Việc này tiến hành theo đơn từ nhiệm của ông Hải (ký ngày 12/12/2022).
Cùng ngày 14/12/2022, HĐQT có quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú làm Chủ tịch HĐQT từ ngày 1/1/2023.
Tuy nhiên, đến ngày 31/12/2022, HĐQT có Nghị quyết hoãn thi hành đơn xin từ nhiệm của ông Hải, hoãn thi hành Hội đồng sáng lập Tập đoàn, hoãn bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú vào HĐQT.
Ngày 1/1/2023, các thành viên HĐQT độc lập công ty có thông báo: “Với ý định hủy bỏ các quyết định tại cuộc họp HĐQT ngày 13/12/2022, ông Lê Viết Hải đã nhiều lần triệu tập họp HĐQT qua hình thức trực tuyến vào các ngày 29/12/2022 và ngày 31/12/2022 – một việc làm vi phạm Điều lệ Tập đoàn. Trong đó vào ngày 31/12/2022, sau khi cuộc họp vào lúc 9g00 sáng không đủ điều kiện tiến hành, ông Lê Viết Hải tiếp tục triệu tập họp vào lúc 13g30 chiều. Số lượng thành viên HĐQT tham dự lúc này cũng chỉ có 4 thành viên, vẫn chưa thể đủ điều kiện để tiến hành tổ chức (theo quy định tại Điều lệ hiện hành HBC thì phải có 5/8 thành viên HĐQT tham dự)”.
VnEconomy đã có cuộc phỏng vấn với luật sư Hồ Hữu Hoành (Giám đốc Công ty TNHH SaiGonMind).
Thưa ông, pháp luật quy định như nào về cuộc họp HĐQT, HĐQT có quyền hoãn thi hành một quyết định liên quan đến việc bầu, bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT hay không?
Việc tổ chức họp HĐQT phải được thực hiện theo quy định tại Điều 157 Luật Doanh nghiệp 2020, và được cụ thể hóa vào Điều lệ công ty. Việc họp có thể tổ chức trực tiếp hoặc trực tuyến (online), tuy nhiên phải tuân thủ quy định về triệu tập, số lượng thành viên tham dự đủ điều kiện để tổ chức phiên họp; đối với việc tổ chức họp trực tuyến thì Điều lệ công ty phải quy định cụ thể cách thức tổ chức họp, và thể thức, điều kiện triệu tập phiên họp không được trái với Điều 157 Luật Doanh nghiệp. HĐQT phải tổ chức họp định kỳ ít nhất 1 lần/quý, và có thể tổ chức họp bất thường, việc họp bất thường phải được quy định tại Điều lệ.
Nếu Điều lệ có phân cấp, thì căn cứ vào điểm i Khoản 2 Điều 153 Luật Doanh nghiệp 2020, thì HĐQT có quyền bầu, bổ nhiệm, miễn nhiệm, miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT, Thành viên HĐQT. Tuy nhiên, Luật không có bất kỳ quy định liên quan đến việc hoãn thi hành các quyết định về nhân sự, nên trong trường hợp này, HĐQT chỉ có thể họp và ban hành nghị quyết để hủy hoặc sửa đổi thời hạn có hiệu lực của quyết định về nhân sự có liên quan đó.
Chủ tịch HĐQT có quyền rút đơn từ nhiệm không, nếu có, phải tiến hành theo trình tự như nào?
Đơn từ nhiệm, từ chức là ý chí cả nhân của Chủ tịch HĐQT, Thành viên HĐQT, việc chấp thuận/từ chối việc từ nhiệm/từ chức đó là thẩm quyền của HĐQT hoặc Đại hội cổ đông.
Do đó, việc rút đơn từ nhiệm của Chủ tịch HĐQT dù có trình tự hay không có trình tự thì không làm thay đổi Nghị quyết của HĐQT đã ban hành trước đó, trừ trường hợp HĐQT họp và thống nhất ban hành nghị quyết để hủy hoặc điều chỉnh hiệu lực của Nghị quyết đã ban hành trước đó liên quan đến vấn đề nhân sự.
Theo Luật Doanh nghiệp, ĐHĐCĐ và HĐQT có quyền bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên HĐQT, kiểm soát viên. Vậy điều này được tiến hành trên thực tế như nào và phải tuân thủ các điều kiện nào về thời gian triệu tập, tỷ lệ biểu quyết…?
Việc thực hiện bầu, bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên HDQT, kiểm soát viên phải thực hiện thông qua việc biểu quyết của Đại hội cổ đông, HđQT tuân thủ các quy định tại Điều 143, 145, 146, 147, 148, 149, 152 Luật Doanh nghiệp 2020 (đối với ĐHCD), và Điều 157, 160 Luật Doanh nghiệp 2020 (đối với HĐQT), và được cụ thể hóa trong Điều lệ Công ty.
Đối với trường hợp miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên HĐQT, chủ tịch HĐQT, thì nếu thực hiện tại phiên họp Đại hội cổ đông thì nghị quyết sẽ có hiệu lực nếu có từ 65% phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành, hoặc trên 50% tổng sổ phiếu biểu quyết tán thành của tất cả các cổ của công ty trong trường hợp nghị quyết thông qua theo hình thức lấy ý kiến bằng văn bản.
Đối với trường hợp thực hiện tại phiên họp HĐQT thì phải đáp ứng tỷ lệ biểu quyết tán thành quá bán của tất cà thành viên HĐQT dự họp, trong trường hợp phiếu tán thành và không tán thành ngang nhau thì quyết định cuối cùng theo ý kiến của Chủ tịch HĐQT.
Giả dụ cuộc họp HĐQT được tiến hành online, không đủ thành viên tham gia thì nghị quyết có hiệu lực pháp luật không? Có cần thiết phải khởi kiện ra tòa án để tuyên Nghị quyết này vô hiệu và buộc HĐQT thi hành Nghị quyết trước đó không?
Phiên họp HĐQT được xem là hợp pháp nếu có từ từ 3/4 tổng số thành viên HĐQT tham dự họp, trong trường hợp không đủ thành viên thì thực hiện triệu tập lần 2 trong vòng 07 ngày tiếp theo và phiên họp tiếp theo chỉ được diễn ra nếu có từ 50% số thành HĐQT tham dự họp.
Nghị quyết của phiên họp HDQT chỉ có hiệu lực khi được quá bán số lượng thành viên HĐQT dự họp thông qua, hoặc nếu ngang bằng về tỷ lệ tán thành/không tán thành thì quyết định cuối cùng thuộc vể phía có ý kiến của Chủ tịch HTQT.
Do đó, một nghị quyết không đảm bảo các điều kiện để thông qua thì không có hiệu lực áp dụng. Trong trường hợp vì lý do nào đó, nghị quyết trái pháp luật đó vẫn được thực hiện thì cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% có quyền khởi kiện trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm liên đới của các thành viên HĐQT để hủy nghị quyết, quyết định trái pháp luật đó.
Ông đánh giá như nào về việc doanh nghiệp có 2 Chủ tịch HĐQT và liên tiếp đưa ra các phát ngôn bất nhất? Nó ảnh hưởng như nào đến hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp?
Luật Doanh nghiệp 2020 (sửa đổi 2022), Luật Chứng khoán 2019 đều quy định rất tõ ràng về việc tổ chức bộ máy, việc tổ chức họp, biểu quyết của HĐQT, ĐHCĐ của công ty cổ phần, công ty cổ phần đại chúng, và các quy định này được cụ thể hóa trong Điều lệ của công ty cổ phần đó. Do đó, bất kỳ hành động, hành vi pháp lý nào nhân danh người quản lý, điều hành doanh nghiệp phải tuân thủ quy định pháp luật, điều lệ công ty.
Đặc biệt, đối với các công ty cổ phần đại chúng, luật quy định khá chặt chẽ nhằm đảm bảo tính đại chúng của doanh nghiệp đó, và hạn chế, loại bỏ các hành vi thể hiện chế độ “gia đình trị”, cơ chế “tư hữu” trong các công ty cổ phần đại chúng.
Do đó, trong chừng mực nào, bất kỳ hành xử, quyết định của bất kỳ cá nhân nhân danh tư cách người quản lý, điều hành doanh nghiệp nhưng không tuân thủ quy định pháp luật, Điều lệ doanh nghiệp, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không tốt đến uy tín, hình ảnh của doanh nghiệp đó.
Phải chăng đây là trường hợp điển hình trong việc xung đột trong quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam?
Phải hiểu rằng công ty cổ phần đại chúng không còn là sở hữu của một cá nhân, tổ chức, pháp luật quy định chặt chẽ về tính minh bạch, công khai thông tin, và các cơ chế nhân sự nhằm hạn chế, loại bỏ các yếu tố “gia đình trị”, đảm bảo tính dân chủ, quyền lợi hợp pháp của đa số cổ đông được thực thi theo đúng quy định pháp luật, điều lệ công ty.
Do đó, bất kỳ cổ đông nằm quyền chi phối trong các công ty đại chúng cần hiểu rõ, nhận thức đúng về quy định pháp luật, không hành xử tùy tiện; mọi ý chí của cổ đông đại chúng cần thực hiện theo quy trình, cơ chế thẩm quyền đã được luật hóa, cụ thể hóa trong điều lệ công ty.
Vì vậy, đây không phải là vấn đề quản trị doanh nghiệp, mà nó là xung đột lợi ích giữa cổ đông chi phối và các cổ đông còn lại, và là việc thực thi pháp luật, điều lệ công ty của cổ đông chi phối trong công ty đại chúng.