Trong hai tháng qua, Trung Quốc đã áp đặt nhiều biện pháp cấm vận mới đối với hai công ty vũ khí Mỹ Lockheed Martin and Raytheon. Bắc Kinh cũng mở cuộc điều tra đối với nhà sản xuất chip Mỹ Micron, lục soát công ty thẩm định doanh nghiệp Mintz của Mỹ, đồng thời bắt giữ một giám đốc cấp cao của tập đoàn Astellas Pharma của Nhật Bản và đưa ra án phạt kỷ lục đối với công ty kiểm toán Deloitte của Anh.
Financial Times dẫn nguồn từ Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Bắc Kinh còn đang cân nhắc hạn chế doanh nghiệp phương Tây tiếp cận các vật liệu và công nghệ quan đối trọng với ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.
Nhắm vào các ngành và doanh nghiệp ít gây thiệt hại cho nền kinh tế
Phản ứng với điều mà Bắc Kinh mô tả là “cuộc phong tỏa công nghệ” do Mỹ dẫn đầu cho thấy chiến lược nhắm vào các ngành công nghiệp và doanh nghiệp gây ít thiệt hại cho lợi ích của Trung Quốc.
“Trung Quốc không từ bỏ chiến lược kiềm chế để chuyển sang trả đũa trên diện rộng, nhưng họ sẽ lựa chọn kỹ các công ty để thể hiện quan điểm của mình”, ông Paul Haenle, cựu cố vấn về Trung Quốc của các tổng thống Mỹ George W Bush và Barack Obama, nhận xét.
Tuy nhiên, quyết định lục soát và bắt giữ nhân viên của các công ty nước ngoài làm dấy lên quan ngại rằng Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh chiến lược “ngoại giao con tin” nếu quan hệ với phương Tây xấu đi.
Theo hai nguồn tin từ các công ty tư tư vấn rủi ro nước ngoài, vụ việc của Mintz và Astellas đã khiến các doanh nghiệp nước ngoài phải xem xét khẩn cấp sự an toàn của nhân viên cũng như dừng ngay một số kế hoạch tới Trung Quốc.
“Đây là một hồi chuông cảnh báo đối với toàn ngành”, một nguồn tin cho hay. “Đây là thách thức đối với các công ty thẩm định doanh nghiệp nhưng cũng ảnh hưởng tới các công ty cung cấp dịch vụ tư vấn lớn như Bain, McKinsey và Boston Consulting Group”.
Theo các chuyên gia, Nhật Bản cũng đặc biệt dễ bị tổn thương trước chính sách “ngoại giao con tin” của Trung Quốc do thiếu một cơ quan tình báo chuyên biệt và công cụ để đàm phán việc trao trả công dân.
Kể từ khi Trung Quốc thông qua luật chống gián điệp vào năm 2014, đã có 17 công dân Nhật Bản bị bắt giữ. Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, 5 người trong số này, bao gồm cả nhân viên của Astellas, hiện vẫn bị giam giữ.
Hồi tháng 2, Trung Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Lockheed và Raytheon, hai công ty quân sự lớn nhất của Mỹ. Động thái này phản ánh lập trường của Bắc Kinh phản đối việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Tuy nhiên, các cấm vận này không gây ra nhiều thiệt hại về mặt thương mại bởi cả hai công ty vốn đều không được phép bán thiết bị quân sự cho Trung Quốc.
Trong khi đó, cuộc điều tra đối với Micron của nhà chức trách Trung Quốc - khởi động vào tháng trước vì lý do an ninh quốc gia - được xem là tín hiệu rõ ràng nhất về việc “trả đũa” của Bắc Kinh.
“Tôi đã từng rất ngạc nhiên trước sự kiềm chế của Bắc Kinh khi Mỹ dẫn đầu chiến dịch nhằm ngăn Trung Quốc tiếp cận các công nghệ sản xuất chip quan trọng - động thái đánh thẳng vào trung tâm tham vọng về công nghệ tiên tiến toàn cầu của Trung Quốc”, ông Dexter Roberts, thành viên cấp cao tại tổ chức nghiên cứu chính sách Atlantic Council (Mỹ), chia sẻ.
Những công cụ "trả đũa" trong tay Trung Quốc
Bất chấp "cơn giận" của Trung Quốc, các nhà hoạch định kinh tế của nước này vẫn thận trọng vì họ cần nhà đầu tư nước ngoài để giúp phục hồi nền kinh tế sau đại dịch. Điều này đồng nghĩa Bắc Kinh sẽ kiềm chế hành động chống lại các công ty và ngành công nghiệp được xem là quan trọng đối với kế hoạch phục hồi kinh tế.
“Mọi thứ đều bắt nguồn từ thực tế rằng Trung Quốc đang đối mặt nhiều thách thức trong năm nay, đặc biệt trên mặt trận kinh tế”, ông Roberts nói.
Sau khi Bộ Tài chính Trung Quốc đưa ra án phạt kỷ lục 31 triệu USD đối với Deloitte liên quan tới những thiếu sót trong hoạt động kiểm toán, giới chuyên gia dự báo áp lực đối với các công ty kiểm toán trong nhóm Big Four gồm Deloitte, Ernst & Young, KPMG, và PwC sẽ gia tăng trong thời gian tới.
“Dù chất lượng kiểm toán tại các công ty nước ngoài và công ty nội địa Trung Quốc từ lâu đã có nhiều vấn đề, nhưng động lực chính (cho án phạt đối với Deloitte) là mối lo ngại của Bắc Kinh về an ninh dữ liệu và an ninh quốc gia”, giáo sư kế toán Cheng Lin của Trưởng Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc châu Âu tại Thượng Hải, nhận xét.
"Do có quá nhiều cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, Bắc Kinh có rất nhiều đòn bẩy để sử dụng, bao gồm gây áp lực lên các nước vừa là đồng minh và đối tác của Mỹ, vừa có nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc".
Soo Kim, chuyên gia về Trung Quốc
Trong khi đó, ngành sản xuất ô tô cũng đang chuẩn bị đón nhận kết quả cuộc đánh giá của Bộ Thương mại Trung Quốc năm 2022 về các hạn chế xuất khẩu công nghệ, bao gồm khả năng hạn chế xuất khẩu đất hiếm và công nghệ lidar được dùng trong lập bản đồ cho ô tô không người lái.
“Bất kỳ quyết định 'vũ khí hóa' sự thống trị trong lĩnh vực khai thác và tinh chế vật liệu dùng cho ô tô điện của Trung Quốc có thể gây ra mối lo ngại tức thì đối với các chính phủ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc”, Tu Le, người sáng lập công ty tư vấn Sino Auto Insights tại Bắc Kinh, nhận định.
Theo ông Arthur Kroeber, Giám đốc nghiên cứu tại công ty tư vấn Gavekal Dragonomics ở Bắc Kinh, Trung Quốc cũng có thể sử dụng các hạn chế này như một đòn bẩy để thương lượng việc nới lỏng các biện pháp hạn chế của phương Tây đối với ngành công nghiệp bán dẫn nước này.
Bà Soo Kim, từng là nhà phân tích của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và là một chuyên gia về châu Á, nhận định các động thái trả đũa của Trung Quốc sẽ tiếp tục được mở rộng trong thời gian tới bởi dường như không có biện pháp nào để khắc phục các vấn đề trong quan hệ Mỹ -Trung trong ngắn hạn.
“Do có quá nhiều cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, Bắc Kinh có rất nhiều đòn bẩy để sử dụng, bao gồm gây áp lực lên các nước vừa là đồng minh và đối tác của Mỹ, vừa có nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc”, bà Kim phân tích.