Ngành công nghiệp livestream bùng nổ ở Trung Quốc
Một chiếc lều tròn nằm dưới nền trời trong xanh, trên thảo nguyên bao la vô tận ở miền bắc Trung Quốc. Âm nhạc dân gian vang vọng. Cách đó không xa, một đàn cừu đang gặm cỏ.
Đột nhiên, đoạn phát trực tiếp đang chiếu khung cảnh bình yên này chuyển sang hình ảnh một người đàn ông khoảng 30 tuổi, đội chiếc mũ Mông Cổ có chóp nhọn vàng.
“Xin chào các anh chị em! Tín hiệu thế nào? Tôi đã lắp Wi-Fi trong lều của mình", anh này vừa nói giơ một túi thịt bò khô, có in hình hoạt của mình. "Nếu là lần đầu tiên bạn đến đây, tôi là Taiping, tôi làm thịt bò khô".
Theo The New York Times (Mỹ), đó là một ngày làm việc bình thường của Taiping, một streamer (người phát sóng trực tiếp) chuyên bán hàng người Trung Quốc. Dưới ánh sáng phòng thu được bố trí cẩn thận, Taiping nói chuyện với hai chiếc iPhone được gắn trên bàn, giới thiệu sản phẩm cho hàng nghìn khán giả đang truy cập vào kênh của anh.
Anh lấy ra một miếng thịt bò khô và khoe nó trước ống kính, giải thích về kỹ thuật làm khô thịt bò truyền thống của người Mông Cổ. Anh xé thịt bò thành sợi nhỏ để lộ ra phần thịt mềm.
Trong suốt bốn giờ phát sóng trực tiếp, anh thậm chí rất ít khi uống nước, cuối cùng, anh đã nhận được hơn 650 đơn đặt hàng, trị giá khoảng 100.000 NDT.
Taiping là một trong vô số người Trung Quốc đang tận dụng làn sóng livestream (phát sóng trực tiếp) bùng nổ đang thay đổi cách mua bán hàng truyền thống.
Chỉ riêng năm 2022, ước tính có khoảng 500 tỷ USD hàng hóa được bán thông qua các buổi livestream trên các ứng dụng như Douyin, phiên bản tiếng Trung của TikTok hoặc Kuaishou, một nền tảng video ngắn khác - tăng gấp tám lần so với năm 2019 và tương đương với GDP của Thái Lan năm 2021 (505,9 tỷ USD, theo số liệu của World Bank).
Trong số đó, nổi tiếng nhất là các streamer như Lý Gia Kỳ hay Vi Á. Kim Kardashian từng xuất hiện trên một buổi buổi livestream của Vi Á để quảng cáo cho dòng nước hoa của mình và cô đã bán được 15.000 chai trong vòng vài phút.
Hình thức bán hàng này đã có từ nhiều năm nay ở Trung Quốc và trở nên phổ biến trong thời kỳ đại dịch. Gần một nửa trong số 1 tỷ người dùng internet của Trung Quốc ngày nay đã sử dụng các dịch vụ như vậy.
Đối với khán giả, sự hấp dẫn của dịch vụ không chỉ nằm ở sự thuận tiện mà còn ở cảm giác được chào đón.
Các nhà hàng, thẩm mỹ viện và thậm chí cả đại lý ô tô, nhà phát triển bất động sản hiện đang thu hút khách hàng thông qua livestream.
Các thương hiệu quốc tế từ Ikea đến Louis Vuitton đã trả tiền cho những người có ảnh hưởng ở Trung Quốc để quảng bá trực tuyến sản phẩm của họ.
Nhưng ở Trung Quốc, bất cứ ai cũng có thể tham gia lĩnh vực này như nông dân, công nhân nhà máy và người về hưu.
Taiping, từng là nông dân chăn gia súc, hiện đang điều hành nhà máy sản xuất thịt bò khô của riêng mình và có hơn 1 triệu người theo dõi.
Tuy nhiên, với tốc độ phát triển nhanh chóng của thị trường, những thách thức mới cũng kéo theo. Sự cạnh tranh khốc liệt đã khiến nhiều streamer phải ra đi. Suy thoái kinh tế trên diện rộng đã khiến các công ty đứng sau nền tảng phát trực tuyến phải sa thải nhân viên.
Trung Quốc lo ngại rằng ngành công nghiệp này đang phát triển quá lớn, quá nhanh.
Cơ hội mới trong thời đại công nghệ
Trước đây, Taiping khó có thể tưởng tượng rằng mình có thể kiếm bộn tiền bằng bất cứ cách nào chứ đừng nói đến việc chỉ "nói chuyện" trước chiếc điện thoại di động.
Anh sinh ra ở thảo nguyên Nội Mông, một vùng ở phía bắc Trung Quốc, nơi nhiệt độ có thể xuống tới âm 20 độ. Anh học hết lớp 5 và làm qua nhiều công việc như chăn gia súc, bảo vệ và lái xe tải.
Vào năm 2015, Taiping, khi ấy 30 tuổi, nhận thấy những đồng cỏ tuyệt đẹp nơi mình ở đang thu hút khách du lịch nên quyết định vay 105.000 NDT để tự làm và bán món thịt bò khô nhưng còn vài tuần nữa là hết mùa du lịch.
May mắn, nhờ một người bạn giới thiệu, anh nhanh chóng nhìn thấy tiềm năng kinh doanh trên Kuaishou. Anh đăng một video quay sẵn giới thiệu thịt bò khô lên đó, sau đó gửi hàng cho những người nhắn tin mua.
Sau đó, anh nhận được sự giúp đỡ của nền tảng này để mở rộng kinh doanh thông qua hình thức livestream.
Năm 2018, anh bán thịt bò khô trị giá 4,5 triệu NDT, gấp 30 lần số tiền anh kiếm được hai năm trước.
Hoạt động kinh doanh của Taiping cũng lên như diều gặp gió. Anh hiện quản lý 10 nhân viên. Đôi khi anh đến chiếc lều trên đồng cỏ của mình để livestream nhưng một chiếc lều khác cũng được dụng trong phòng thu. Trên màn hình, anh mặc quần áo truyền thống vì khách hàng thích sự chân thực nhưng sau khi tan làm, anh lại thích mặc bộ đồ thể thao Fila.
"Trước đây tôi đâu có biết thương hiệu nào", anh nói. "Giờ tôi có sẵn cho mình 3 thương hiệu".
Cơ hội và rủi ro
Cách thảo nguyên của Taiping hơn 1.600 km về phía nam, thành phố Nghĩa Ô là minh chứng sống động cho sự phổ biến của hình thức bán hàng qua livestream.
Nghĩa Ô, một trung tâm sản xuất ở phía nam Thượng Hải, có học viện thương mại điện tử livestream đầu tiên của Trung Quốc cũng như một số trường đào tạo cung cấp các khóa học trong vài ngày hoặc một tuần.
Mỗi ngày, Nghĩa Ô thu hút những người có tham vọng như Wang Tiebiao, 55 tuổi, đến từ một thành phố nhỏ ở phía đông tỉnh Sơn Đông, cách đó hơn 1.100 km.
Trước đây, Wang Tiebiao kinh doanh vận chuyển hàng hóa và bán đồ nấu ăn bằng thép không gỉ giá rẻ nhưng thường hay tồn kho.
Sau đó, anh xem một video tuyển dụng nhân viên bán đồ gia dụng cho một nhà máy ở Nghĩa Ô, hứa hẹn sẽ được đào tạo miễn phí.
"Để đầu tư vào một cửa hàng truyền thống, bạn phải thuê nhà và mua hàng, vậy bạn cần bao nhiêu tiền," Wang Tiebiao nói. "Với hình thức livestream thì chỉ cần người là đủ rồi, sau đó thêm cái điện thoại di động nữa là được".
Sự mở rộng nhanh chóng của lĩnh vực này đã tạo ra nhiều cơ hội hơn cho bất kỳ ai tham gia nhưng cũng khiến việc gắn bó với nó trở nên khó khăn hơn. Nếu Taiping là hiện thân của tiềm năng làm giàu từ livestream, thì Nghĩa Ô càng gần với hiện thực của vô số người.
Theo thỏa thuận giữa Wang Tiebiao và nhà máy, anh có thể chọn bất kỳ sản phẩm nào từ nhà máy để quảng cáo trên tài khoản cá nhân. Bất kỳ giao dịch bán hàng nào cũng mang lại một khoản hoa hồng. Không bán hàng thì không có doanh thu.
Tuy nhiên, để bán được thứ gì đó, anh phải nổi bật hơn những streamer khác.
Trong nhiều ngày, Wang Tiebiao lang thang trong phòng trưng bày của nhà máy, nhìn vào những hàng bát và thìa nhựa, cố gắng tìm ra thứ gì sẽ bán chạy.
Một buổi sáng, anh bị thu hút bởi một chiếc đồng hồ cát trang trí hình viên ngọc nên đã thử các thủ thuật mà anh đã học được để thu hút khán giả. Tuy nhiên, người xem của anh vẫn ở mức một con số.
Vài ngày sau khi đến Nghĩa Ô, một số bạn thực tập của Wang Tiebiao đã chuyển sang những công việc truyền thống hơn. Tuy nhiên, Wang Tiebiao, người đã có khoảng 1.000 người theo dõi, vẫn muốn thử lại lần nữa.