Theo Bloomberg, đây là một trong 5 biện pháp mới nhất mà Chính phủ Trung Quốc đưa ra để thúc đẩy ngành bất động sản. Qua việc phát hành thêm cổ phần, các công ty địa ốc sẽ có cơ hội để thu hút thêm vốn và trả nợ.
Được biết, quốc gia này gần đây đang tăng cường các biện pháp hỗ trợ để nền kinh tế thoát khỏi cuộc khủng hoảng bất động sản, ngành vốn đã chứng kiến làn sóng vỡ nợ và doanh số bán hàng tụt dốc trong suốt một năm qua.
Các quan chức cấp cao của Trung Quốc cũng đã ban hành một kế hoạch "16 điểm" vào đầu tháng này để thúc đẩy thị trường, trong khi một số ngân hàng quốc doanh trong nước cam kết tài trợ ít nhất 1.280 tỷ nhân dân tệ (tương đương 178,5 tỷ USD) cho các nhà phát triển bất động sản.
Nhận xét về điều này, ông Liu Shui - Giám đốc nghiên cứu của China Index Holdings - cho biết đây là một biện pháp hỗ trợ toàn diện, vì nó bao gồm cả các vụ sáp nhập sau khi mua bán lại cổ phần. "Điều này sẽ giúp tăng tỷ lệ tập trung doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản và giúp thị trường ổn định hơn".
Thông qua biện pháp này, các công ty địa ốc có thể phát hành cổ phiếu để tăng vốn và mua lại tài sản bất động sản - điều đã bị hạn chế kể từ năm 2015. Các quan chức Trung Quốc cũng đang cân nhắc thêm về việc cho phép các công ty lựa chọn niêm yết cổ phiếu riêng sau khi sáp nhập, với điều kiện cả 2 chủ thể trong thương vụ đều là công ty bất động sản đã niêm yết từ trước đó.
Ngoài việc huy động vốn để mua lại bất động sản và đất đai, các nhà phát triển bất động sản tại Trung Quốc cũng được khuyến khích hoàn thiện nốt các dự án còn dang dở và trả nợ cho ngân hàng.
Ngoài ra, trong một động thái riêng, một số địa phương cũng được Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ thu mua trái phiếu nhằm đảm bảo có đủ tiền mặt trong lưu thông. Điều này cũng sẽ giúp các công ty bất động sản tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn trước.
Thêm vào đó, Công ty Bảo hiểm Trái phiếu Trung Quốc hiện cũng đồng ý cho vay dựa trên tài sản thế chấp cá nhân từ các chủ đầu tư, thay vì chỉ chấp nhận tài sản cốt lõi của công ty như trước đó. Tỷ lệ cho vay trên tổng giá trị tài sản cũng được nới lỏng hơn, thậm chí một số trường hợp còn vay được đến trên 50%. Ngoài ra, công ty này cũng đang cân nhắc về việc chấp nhận tài sản thế chấp từ các khu vực kém phát triển.
Bên cạnh các công ty bất động sản, các doanh nghiệp xây dựng và thi công công trình - chủ thể đang chịu áp lực thanh khoản do các nhà phát triển mắc nợ - cũng sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ tương tự.