South China Morning Post (SCMP) đưa tin, Tập đoàn Khoa học Công nghệ Hàng không vũ trụ Trung Quốc cho biết nước này đã hoàn thành việc xây dựng ban đầu đối với mạng lưới kết nối vệ tinh quỹ đạo cao đầu tiên, dự kiến sẽ cung cấp dịch vụ internet vệ tinh nhanh chóng trong biên giới của mình và ở một số quốc gia thuộc Vành đai và Con đường.
Một chuyên gia truyền thông ở Bắc Kinh nói rằng dự án của Trung Quốc có thể là giải pháp thay thế cho Starlink của SpaceX. Theo SCMP, mạng lưới này sẽ cung cấp dịch vụ internet cho các ngành như hàng không, dịch vụ khẩn cấp, năng lượng…
Vệ tinh địa tĩnh thông lượng cao (High Throughput Satellite) được hiểu là vệ tinh viễn thông được thiết kế để cung cấp tốc độ truyền dữ liệu cao hơn nhiều so với vệ tinh truyền thống. Mạng này đang bao gồm các vệ tinh địa tĩnh thông lượng cao ChinaSat 16, 19 và 26. Theo nhà điều hành, các vệ tinh sẽ bao phủ Trung Quốc cũng như các khu vực của Nga, Đông Nam Á, Mông Cổ, Ấn Độ, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương - phần lớn các khu vực nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường. Tổng công suất vệ tinh địa tĩnh thông lượng cao được cho là sẽ vượt 500Gbps vào năm 2025.
Trung Quốc từng gây chú ý khi gã khổng lồ công nghệ Huawei của nước này ra mắt smartphone đầu tiên hỗ trợ gọi điện vệ tinh. Do khoảng cách xa so với mặt đất, các vệ tinh có quỹ đạo cao nằm ở vị trí tương đối cố định so với thiết bị kết nối với chúng, do đó mỗi vệ tinh có phạm vi bao phủ rộng hơn nhiều so với các vệ tinh có quỹ đạo thấp, Sun Yaohua, phó giáo sư về kỹ thuật thông tin và truyền thông tại Đại học Bưu chính Viễn thông Bắc Kinh cho biết.
Sun đã so sánh mạng vệ tinh quỹ đạo cao của Trung Quốc với Starlink của SpaceX, bao gồm các vệ tinh quỹ đạo thấp. So với Starlink, nó cần ít vệ tinh hơn vì mỗi vệ tinh phủ sóng khu vực rộng hơn, đồng thời không gặp vấn đề khi một thiết bị được kết nối chuyển đổi giữa các vệ tinh, mang lại độ ổn định cao hơn. Mạng Starlink được phát triển bởi công ty SpaceX nhằm cung cấp dịch vụ vệ tinh internet tốc độ cao với chi phí thấp.
“Các vệ tinh có quỹ đạo thấp có lợi thế là tốc độ kết nối cao hơn và độ trễ mạng thấp. Hệ thống quỹ đạo thấp cũng có một mạng lưới linh hoạt hơn, không phụ thuộc vào một vệ tinh duy nhất và có thể tiếp tục hoạt động nếu một vệ tinh bị hỏng. Nhưng nếu một vệ tinh có quỹ đạo cao bị hỏng, nó sẽ ảnh hưởng lớn đến toàn bộ mạng lưới”, Sun nhận định.
Ông nói thêm rằng chi phí của một vệ tinh quỹ đạo thấp sẽ thấp hơn nhiều, đặc biệt là khi SpaceX có thể tận dụng việc sản xuất vệ tinh hàng loạt để bổ sung vào chòm sao Starlink.
Nhưng Sun cũng cho biết thêm: “Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các vệ tinh quỹ đạo cao và quỹ đạo thấp sẽ là xu hướng chung toàn cầu trong tương lai. Và hệ thống vệ tinh quỹ đạo cao của Trung Quốc tương đối phát triển hơn. Còn hệ thống quỹ đạo thấp vẫn đang phát triển và chắc chắn sẽ mạnh mẽ hơn trong tương lai.”
Mạng lưới vệ tinh quỹ đạo cao này sẽ không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân Trung Quốc liên lạc trong các quốc gia thuộc Vành đai và Con đường mà còn cung cấp kinh nghiệm trong việc bảo trì và vận hành hệ thống vệ tinh. Điều này quan trọng đối với sự phát triển trong tương lai của Internet vệ tinh Trung Quốc.
Theo SCMP