Theo tờ South China Morning Post, sau nhiều năm nỗ lực thúc đẩy việc sử dụng đồng Nhân dân tệ trên toàn cầu, Trung Quốc giờ đây đang ở vị thế có thể gia tăng sức ảnh hưởng của mình trong các giao dịch quốc tế khi mà ngày càng nhiều quốc gia sẵn sàng dùng đồng tiền này, trong đó có Nga.
"Cơ hội hiếm có"
Kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2 năm ngoái, Mỹ và các nước đồng minh đã đóng băng dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga (RCB) cũng như loại một số ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống tin nhắn thanh toán quốc tế SWIFT.
Theo các nhà phân tích, việc tăng sử dụng đồng Nhân dân tệ sẽ giúp Nga tránh được tác động của các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Trong bối cảnh Moscow đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào USD, Nhân dân tệ đã trở thành đồng tiền dự trữ khu vực của Nga.
Bên cạnh Nga, Brazil và Bangladesh cũng là những quốc gia đã chấp nhận Nhân dân tệ trong giao dịch thương mại và đầu tư. Còn Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT) cho biết sẽ nới lỏng các quy định về việc sử dụng Nhân dân tệ trong giao dịch thương mại vào năm nay.
Theo ông Lian Ping, nhà kinh tế trưởng tại Zhixin Investment, Trung Quốc đang đứng trước “cơ hội hiếm có” để đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ.
“Đóng góp ngày càng lớn của Trung Quốc trong thương mại quốc tế, cùng với một đồng nội tệ ổn định, đã tạo động lực mạnh mẽ để Nhân dân tệ được sử dụng trong giao dịch thanh toán”, ông Lian phân tích trong một bài viết trên tờ Tsinghua Financial Review tháng trước.
Trong bài viết với đồng tác giả là nhà phân tích Deng Zhichao của Zhixin Investment, ông Lian cho rằng xu hướng “phi đô la hóa” đã mở ra dư địa mới để quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ. Ông cũng nhấn mạnh Trung Quốc nên tận dụng xu hướng này, nắm bắt cơ hội, đưa ra các sáng kiến và thúc đẩy quốc tế hóa Nhân dân tệ một cách tuần tự.
Trên thực tế, Trung Quốc đã dành nhiều nỗ lực để thúc đẩy việc sử dụng đồng Nhân dân tệ trên toàn cầu, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Nước này đã phát triển Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng Xuyên biên giới (CIPS) để thay thế cho hệ thống SWIFT. Bên cạnh đó, Bắc Kinh đang đi tiên phong trong việc thử nghiệm sử dụng đồng Nhân dân tệ số (e-CNY) để thúc đẩy đồng Nhân dân tệ trong các giao dịch xuyên biên giới.
Theo nghiên cứu của công ty dự báo kinh tế vĩ mô và chính trị Enodo Economics tại London (Anh), từ năm 2018, Trung Quốc cũng đã tìm nhiều cách khác nhau để chuyển đổi mô hình của các quan hệ thương mại toàn cầu nhằm giúp đồng Nhân dân tệ thay thế USD trong giao dịch thanh toán quốc tế.
“Mục tiêu của Bắc Kinh là thể chế hóa nhu cầu sử dụng Nhân dân tệ ở nước ngoài thông qua thương mại, với trọng tâm là các nền kinh tế đang phát triển, các quốc gia châu Á và các nước tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường của nước này”, nghiên cứu chỉ ra.
Nỗ lực này cũng có thể được thấy rõ qua việc dịch chuyển trọng tâm giao dịch các hợp đồng tương lai hàng hóa toàn cầu từ Mỹ sang Trung Quốc, nhằm khiến Nhân dân tệ trở thành đồng tiền chủ đạo trong thanh toán và định giá hàng hóa.
Phấn khởi nhưng chưa sẵn sàng
Theo công ty nghiên cứu TS Lombard có trụ sở tại London (Anh), tỷ trọng của Nhân dân tệ trong tài chính thương mại toàn cầu đã tăng từ dưới 2% năm 2017 lên 4,5% trong năm nay. Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ việc Nga buộc phải chuyển sang dùng đồng tiền này và hoạt động cho vay liên quan tới sáng kiến Vành đai và Con đường.
Tính tới cuối quý 4/2022, đồng Nhân dân tệ chiếm khoảng 2,7% dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương nước ngoài, tăng từ chưa tới 1% vào năm 2016 - theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực không ngừng của Bắc Kinh, tỷ trọng của Nhân dân tệ trong giao dịch thương mại và thanh toán toàn cầu tăng không nhiều.
Theo giới phân tích, dù Bắc Kinh phấn khởi khi ngày càng nhiều đối tác thương mại sử dụng Nhân dân tệ, cơ chế ngoại hối của nền kinh tế lớn nhì thế giới vẫn chưa sẵn sàng để cung cấp một lượng nội tệ lớn ra nước ngoài bởi việc này có thể làm Nhân dân tệ mất giá.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh vẫn đang kiểm soát chặt chẽ dòng vốn xuyên biên giới, trong đó Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) quản lý nghiêm tỷ giá giữa Nhân dân tệ và các loại tiền tệ lớn khác.
“Việc sử dụng Nhân dân tệ trong hoạt động thương mại giữa Nga và các nền kinh tế thứ ba đang diễn ra với phạm vi hạn chế, bởi hầu hết các nước không muốn tham gia vào hoạt động vi phạm lệnh trừng phạt. Còn với những nước có thể tham gia, thì việc tích lũy đồng Nhân dân tệ chỉ hữu ích khi họ có thứ gì đó thực sự muốn tiêu ở Trung Quốc”, ông Adam Slater, nhà kinh tế hàng đầu tại Oxford Economics, phân tích.
Theo ông, Bắc Kinh “chắc chắn rất vui mừng” khi thấy các nước sử dụng đồng Nhân dân tệ nhiều hơn, nhưng “mục đích chính của họ là ràng buộc Nga và có lẽ cả các quốc gia khác chặt chẽ hơn với sự phụ thuộc vào tài chính và thương mại”.
Còn theo Enodo Economics, để thúc đẩy quốc tế hóa Nhân dân tệ, Trung Quốc sẽ phải thay đổi cách thức điều hành nền kinh tế của mình.
“Khi lượng Nhân dân tệ tích lũy ở nước ngoài tăng lên, khả năng kiểm soát giá trị đồng tiền này của PBOC sẽ giảm đi. Do đó, PBOC sẽ phải dựa vào lãi suất để quản lý cả tiền tệ và nền kinh tế. Bản thân việc này đã là một sự thay đổi lớn”, Enodo Economics phân tích. “Chúng tôi cho rằng PBOC đã và đang tích cực chuẩn bị cho một tương lai như vậy”.