Mới chỉ vài năm trước, dòng vốn từ Trung Quốc còn đổ mạnh vào các nước giàu. Các nhà đầu tư “dày ví” của Trung Quốc đã chiếm nhiều dòng tít báo bằng những thương vụ ấn tượng khi họ liên tục thâu tóm các tài sản lớn, từ bất động sản xa xỉ ở New York đến cả một công ty hóa chất ở Thụy Sỹ và hãng sản xuất robot lớn của Đức... Nhưng giờ đây, làn sóng đầu tư vào thị trường phương Tây của Trung Quốc đã lắng xuống.
Điều này được cho là xuất phát từ một số nguyên nhân như mối quan hệ giữa Bắc Kinh với phương Tây, đặc biệt là với Mỹ, giảm sút, cộng thêm việc các công ty Trung Quốc đầu tư ngày càng nhiều vào việc mở nhà máy ở các nước Đông Nam Á hay các dự án khai mỏ và năng lượng ở châu Á, Trung Đông và Nam Mỹ, nhằm tăng cường quan hệ kinh tế với các khu vực này và đảm bảo nguồn cung các tài nguyên quan trọng.
Khi nhà đầu tư Trung Quốc không còn mặn mà
Tờ Wall Street Journal dựa trên số liệu từ Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho biết: từ đầu năm đến nay, quốc gia nhận nhiều vốn đầu tư Trung Quốc là Indonesia, đất nước có trữ lượng lớn khoáng sản nickel - một nguyên liệu chủ đạo cho việc sản xuất pin ô tô điện. Sự rút lui của dòng vốn Trung Quốc khỏi thế giới phương Tây có thể dẫn tới số lượng việc làm mới giảm xuống ở một vài quốc gia, đồng thời làm giảm lượng vốn mà các doanh nhân ở những nơi như Thung lũng Silicon có thể tiếp cận, giữa lúc sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc khiến thế giới mất đi một trong những đầu tàu tăng trưởng truyền thống.
Theo số liệu công bố gần đây, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc ra thế giới trong năm ngoái đã giảm 18% so với năm trước đó và giảm 25% so với mức đỉnh vào năm 2016. Sự sụt giảm này diễn ra khi số vụ mua bán và sáp nhập (M&A) của Trung Quốc ở nước ngoài sụt giảm mạnh trong bối cảnh Bắc Kinh thắt chặt các quy định về kiểm soát dòng vốn.
Dù Trung Quốc đã mở cửa nền kinh tế trở lại sau khoảng 3 năm áp dụng chính sách chống Covid-19 nghiêm ngặt, giới phân tích cho rằng ít có khả năng nước này quay trở lại với những ngày hoàng kim về đầu tư vào thị trường phương Tây, một phần bởi Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ đang tìm cách chặn đầu tư của Trung Quốc vào những lĩnh vực mà họ xem là tiềm ẩn rủi ro an ninh quốc gia. Trong nước, sự suy yếu của đồng Nhân dân tệ, tình trạng khó khăn của khu vực kinh tế tư nhân và việc Trung Quốc chú trọng cải thiện chất lượng tăng trưởng để đảm bảo tính tự chủ của nền kinh tế cũng khiến dòng vốn đầu tư ra nước ngoài, nhất là vào các nước phương Tây, giảm sút.
“Dư địa để Trung Quốc rót vốn vào các nền kinh tế phát triển đang ngày càng co lại”, nhà kinh tế trưởng Louis Kuijs của S&P Global Ratings nhận định với Wall Street Journal. Vị chuyên gia này cho rằng trong 3-5 năm tới, khó có chuyện dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc tăng mạnh. Thay vào đó, Trung Quốc có thể sẽ tập trung đầu tư để củng cố vị thế đi đầu trong những lĩnh vực như năng lượng tái sinh và ô tô điện. Điều này có nghĩa là tăng cường đầu tư vào những thị trường mới nổi từ Đông Nam Á tới Trung Đông và Nam Phi, khi các chủ doanh nghiệp Trung Quốc tìm kiếm thị trường để mở rộng hoạt động và tăng số lượng khách hàng. Trong tháng 7 này, hãng sản xuất ô tô Trung Quốc đã công bố kế hoạch đầu tư hơn 600 triệu USD vào một số nhà máy sản xuất ô tô ở Brazil.
Chuyên gia cấp cao Derek Scissors thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ cho rằng nền kinh tế Mỹ có thể sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi sự rút lui của dòng vốn Trung Quốc, nhưng sự đảo chiều của dòng vốn này có thể gây tác động rõ rệt hơn đến những nền kinh tế phương Tây nhỏ hơn như Australia, Canada hay Hungary.
Dù vậy, việc Trung Quốc giảm đầu tư vào các nước phương Tây cũng mang đến một số điều tích cực cho các nền kinh tế này. Chẳng hạn, khi vốn Trung Quốc không còn ồ ạt chảy vào, hành vi đầu cơ bất động sản ở những nước này cũng giảm xuống. Trước đại dịch Covid-19, việc khách Trung Quốc đổ xô tới mua nhà đã đẩy giá nhà tăng vọt ở những quốc gia như Canada, Mỹ và Australia. Chính nhà đầu tư Trung Quốc là lực lượng dẫn tới một cơn sốt đầu cơ bất động sản ở những thị trường như thành phố New York vào giữa thập kỷ trước. Công ty bảo hiểm Anbang của Trung Quốc đã mua khách sạn nổi tiếng Waldorf Astoria với giá 1,95 tỷ USD vào năm 2015 là thương vụ mua lại một khách sạn Mỹ đắt đỏ nhất từng được ghi nhận thời điểm đó.
Biến động dòng chảy FDI từ Trung Quốc
Dòng vốn FDI trên toàn cầu đã suy yếu trong thời gian gần đây chứ không riêng gì vốn đầu tư từ Trung Quốc. Tổng vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của tất cả các quốc gia trong năm 2022 đã giảm 14% so với năm 2021, do ảnh hưởng của lạm phát, nỗi lo suy thoái và biến động thị trường tài chính khiến các kế hoạch đầu tư bị hoãn lại, theo số liệu từ Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD). Tuy nhiên, sự giảm sút của dòng vốn từ Trung Quốc là mạnh hơn và kéo dài hơn.
Dữ liệu của Liên hợp quốc cho thấy vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc giảm xuống còn khoảng 147 tỷ USD trong năm 2022, giảm 18% so với năm 2021 và giảm khoảng 1/4 từ mức đỉnh 196 tỷ USD vào năm 2016.
Trước năm 2016, Chính phủ Trung Quốc tích cực khuyến khích các công ty nước này đầu tư ra nước ngoài nhằm giúp tăng cường ảnh hưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Những doanh nghiệp lớn của Trung Quốc như HNA và Dalian Wanda đã rót mạnh vốn vào các ngân hàng, chuỗi khách sạn và rạp chiếu phim trên toàn cầu. Làn sóng M&A đó khiến nhiều người liên tưởng tới làn sóng mua lại của doanh nghiệp Nhật Bản ở Mỹ và nhiều quốc gia khác hồi thập niên 1980, khi các công ty đến từ đất nước Mặt trời mọc ra sức thâu tóm các nhà máy thép, khách sạn lớn và các xưởng phim.
Đến năm 2016, mối lo về dòng vốn chảy đi và căng thẳng tài chính tại một số doanh nghiệp lớn trong nước khiến Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát vốn và tăng cường giám sát đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp. Gần đây hơn, khi quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây đi xuống, nước này càng có lý do để giảm đầu tư vào thị trường phương Tây.
Vào năm 2016, các công ty Trung Quốc và thực thể nhà nước của nước này có 120 vụ đầu tư vào các nước thuộc nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7), gồm 63 vụ đầu tư vào Mỹ, theo dữ liệu của Viện Doanh nghiệp Mỹ. Trong số này có thương vụ mà một nhóm nhà đầu tư Trung Quốc thâu tóm hãng sản xuất máy in Lexmark ở Mỹ và vụ công ty Midea của Trung Quốc mua lại hãng robot có tên Kuka của Đức. Năm ngoái, cơ sở dữ liệu của Viện Doanh nghiệp Mỹ ghi nhận chỉ có 13 vụ đầu tư của Trung Quốc vào các nước G7.
Năm 2016, con số 84 tỷ USD vốn đầu tư mà doanh nghiệp Trung Quốc rót vào các nước G7 chiếm khoảng một nửa tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc trong năm đó. Năm 2022, đầu tư của Trung Quốc vào các nền kinh tế thành viên G7 chỉ đạt 7,4 tỷ USD, chiếm 18% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc.
Vốn FDI của Trung Quốc vào châu Âu chạm mức thấp nhất 1 thập kỷ là 8,8 tỷ USD vào năm 2022, theo một báo cáo của công ty nghiên cứu Rhodium Group có trụ sở ở New York. Ngành ô tô điện là điểm sáng hiếm hoi thu hút vốn Trung Quốc, nhưng quy mô không đủ lớn để bù đắp sự suy giảm vốn FDI từ Trung Quốc trong các lĩnh vực khác.
Các công ty và thực thể nhà nước Trung Quốc đầu tư tổng cộng 24,5 tỷ USD vào các khu vực châu Á, Nam Mỹ và Trung Đông trong năm ngoái, theo dữ liệu của Viện Doanh nghiệp Mỹ, tăng 13% so với năm 2021. Các thỏa thuận trong năm ngoái bao gồm vụ đầu tư 1,9 tỷ USD của Tập đoàn dầu khí quốc doanh Trung Quốc CNOOC vào Brazil và các khoản đầu tư của hai hãng xe Trung Quốc Great Wall Motor và BYD vào Thái Lan.
Nửa đầu năm nay, vốn đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc đạt 29,5 tỷ USD, cho thấy sự khởi sắc nhẹ sau khi đại dịch kết thúc. Trong đó, Indonesia là nước nhận nhiều vốn đầu tư Trung Quốc nhất do quốc gia Đông Nam Á này sở hữu trữ lượng dồi dào nhiều khoáng sản chiến lược. Indonesia nhận 17% tổng số vốn FDI từ Trung Quốc trong nửa đầu năm nay.