Trong quý II, các ngân hàng trung ương toàn cầu đã giảm 39% nhu cầu mua vàng. Ảnh: Forbes.
Theo Bloomberg, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã không mua thêm vàng dự trữ trong tháng thứ 3 liên tiếp, khi kim loại quý này tăng vọt lên mức cao kỷ lục.
Theo dữ liệu chính thức được công bố, lượng vàng thỏi do PBOC nắm giữ không đổi ở mức 2.264 tấn vào cuối tháng trước. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp không có báo cáo về hoạt động mua vào của ngân hàng này. Trước đó, đơn vị này đã kết thúc đợt mua vào kéo dài 18 tháng liên tiếp vào tháng 5, giúp thúc đẩy sức mạnh của vàng.
PBOC không phải ngân hàng trung ương duy nhất dừng hoặc giảm mua vàng dự trữ khi giá kim quý tăng. Singapore thậm chí đã hạ dự trữ vàng hồi tháng 6 ở mức nhiều nhất kể từ năm 2000. Tính chung quý II, các ngân hàng trung ương toàn cầu mua vào 183,4 tấn vàng, giảm 39% so với quý I, theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC).
Tuy nhiên, một số nhà phân tích tin rằng hoạt động mua vào của ngân hàng trung ương các nước sẽ vẫn là động lực chính cho vàng vật chất. PBOC có khả năng tiếp tục hoạt động mua vào khi họ tìm cách đa dạng hóa dự trữ và bảo vệ chống lại tình trạng đồng nội tệ suy yếu.
Nước này có quy mô dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, đạt 3.220 tỷ USD vào tháng 6. Nhưng tỷ trọng vàng trong tổng dự trữ - bao gồm vị thế dự trữ và quyền rút vốn đặc biệt (SDR) tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế - chỉ 4,9%. Trước đó, Trung Quốc mất 9 năm để đạt tỷ lệ này, từ mức 1,8% vào năm 2015.
Giá vàng đạt mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 7 khi các nhà giao dịch tăng đặt cược vào việc nới lỏng tiền tệ từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Tại Trung Quốc, giá cao đã làm giảm doanh số bán lẻ các mặt hàng như đồ trang sức. Tuy nhiên, vàng thỏi và tiền xu vàng ngày càng được ưa chuộng vì các nhà đầu tư tìm cách bảo vệ tài sản của họ khỏi nền kinh tế yếu kém.
Theo WGC, hoạt động mua vàng mạnh mẽ, đặc biệt là của các công ty gia đình ở châu Á, đã giúp nhu cầu vàng ghi nhận quý II tốt nhất trong ít nhất 25 năm.