Từ nửa cuối năm 2022, Việt Nam và Trung Quốc đã lần lượt ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng, chuối, khoai lang, tổ yến sang thị trường Trung Quốc, mở ra cơ hội mới cho các mặt hàng thâm nhập sâu vào thị trường rộng lớn này…
Một nửa nông sản Việt bán sang Trung Quốc
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của nước ta, chiếm hơn 50% tổng khối lượng xuất khẩu nông sản.
Việc Trung Quốc mở cửa trở lại giúp hoạt động xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường này dần khôi phục. Thực tế, xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản sang Trung Quốc đã tăng mạnh từ tháng 2/2023. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc ngỏ ý muốn mua lượng hàng lớn nông sản, thủy sản từ Việt Nam.
Đây là thông tin được ông Trần Phú Lữ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), báo cáo tại hội thảo: “Nâng cao chất lượng thực phẩm xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc”, do ITPC phối hợp với Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng tổ chức ngày 16/6/2023.
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Trung Quốc 2 tháng đầu năm 2023 đạt 1,27 tỷ USD, đưa Trung Quốc thành khách hàng lớn nhất trong 2 tháng đầu năm, chiếm 20,2% tổng giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh lạm phát toàn cầu, năm 2023, Trung Quốc sẽ là điểm đến lớn nhất của nông sản Việt Nam nhờ nhu cầu bùng nổ, vị trí địa lý gần, chi phí logistics và rủi ro thấp hơn các thị trường khác.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cũng ghi nhận trong 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt 804,6 triệu USD, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm 58,6% thị phần.
Ông Ðặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết xuất khẩu rau quả tăng tại thị trường Trung Quốc một phần là do trong tháng 4/2023, nhiều cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc tăng giờ hoạt động mỗi ngày để tiếp nhận xe hàng. Ðiều này cho thấy nhu cầu từ thị trường Trung Quốc đang rất lớn sau một thời gian dài suy giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trong 3 tháng đầu năm 2023, sầu riêng Việt Nam chưa vào chính vụ cho nên xuất khẩu còn cầm chừng. Tháng 4 và tháng 5/2023, nguồn cung sầu riêng bắt đầu lớn, xuất khẩu mặt hàng này có sự gia tăng mạnh mẽ.
Ngoài ra, Việt Nam đã chính thức xuất khẩu khoai lang chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, tạo đà cho bước tăng trưởng của ngành hàng này. Cụ thể, tháng 4/2023, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt, cấp mã số cho 70 vùng trồng và 13 cơ sở đóng gói khoai lang đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch.
Bên cạnh rau quả, thì sắn lát khô là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng tại thị trường Trung Quốc trong 4 tháng qua với khối lượng xuất khẩu đạt 411.840 tấn, trị giá 108,7 triệu USD, tăng 17,9% về lượng và tăng 11,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 90,3% tổng lượng sắn lát khô xuất khẩu của cả nước.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực thủy sản, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đang giảm mạnh. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 363,2 triệu USD, giảm 31,9% so với bốn tháng đầu năm 2022.
Ðối với mặt hàng cà phê, theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2023 đạt 13.420 tấn, trị giá 40,38 triệu USD, giảm 7,4% về lượng và giảm 9,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, tháng 4/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang Trung Quốc đạt mức 2.940USD/tấn, giảm 1,5% so với tháng 3/2023 và giảm 11,3% so với tháng 4/2022. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê sang thị trường Trung Quốc đạt mức 3.006USD/tấn, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ 23,9% trong quý 1/2022 xuống còn 13,9% trong quý 1/2023. Số liệu thống kê cũng cho thấy, kim ngạch xuất khẩu cà phê chế biến sang Trung Quốc đạt 24,23 triệu USD trong 4 tháng đầu năm nay, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam cũng vẫn chịu sức ép do nhu cầu tiêu thụ thấp. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ 39,36% trong quý 1/2022 xuống 29,75% trong quý 1/2023.
Chất lượng yêu cầu phải cao hơn
Hiện nay Trung Quốc là 1 trong 3 thị trường nhập khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Tính đến hết tháng 4/2023, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 20,9%, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến nay, Việt Nam đã có 13 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây và sầu riêng.
Theo ông Đinh Vĩnh Cường, Chủ tịch Tập đoàn 365 group, để gia tăng kim ngạch xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc, các sản phẩm nông sản cần có chất lượng tốt và đáp ứng trúng nhu cầu của người tiêu dùng. Như với trái thanh long - một trong những mặt hàng xuất khẩu chính sang Trung Quốc thì ngoài yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định, các doanh nghiệp xuất khẩu cần hết sức lưu ý đến nhu cầu từng giai đoạn của thị trường này.
Mặc dù Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu thanh long lớn nhất thế giới, nhưng từ năm 2015 đến nay, kim ngạch nhập khẩu của nước này có chiều hướng chững lại và giảm dần do sự phát triển diện tích sản xuất thanh long trong nước đáp ứng thêm một phần nhu cầu người tiêu dùng. Do đó, nếu muốn giữ vững và tiếp tục tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thanh long, thì người sản xuất và doanh nghiệp phải tạo ra được những lợi thế cạnh tranh lớn hơn về giá, độ ngọt, màu sắc cho sản phẩm.
Với sản phẩm tiềm năng sầu riêng cũng vậy, ông Cường cho rằng hiện Trung Quốc đang mở rộng khai thác từ nhiều nguồn cung với các phương thức vận chuyển khác nhau cho nên Việt Nam muốn chiếm lĩnh thị trường cần phải nâng cao chất lượng, giảm giá thành và giữ uy tín sản phẩm.
Theo ông Đinh Vĩnh Cường, để xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, chúng ta nên xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu song song với xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường.
“Doanh nghiệp cũng cần thường xuyên cập nhật và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc… Có chiến lược về vấn đề logistics, xây dựng được các kho bảo quản nông sản ở các địa phương biên giới. Điều này sẽ giúp bảo quản lâu hơn, giữ được chất lượng tốt khi đến thời hạn giao hàng”, ông Cường nhấn mạnh.
Ðối với lĩnh vực thủy sản, Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. Các sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều nhất là tôm, cua, cá hồi, mực, cá minh thái, cá tuyết, cá tra. Trong đó, tôm và cá tra là một trong số những sản phẩm xuất khẩu chủ lực.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), bên cạnh mặt hàng sụt giảm kim ngạch thì cá cơm khô xuất khẩu sang Trung Quốc đang có sức hút lớn với mức tăng 50% trong quý 1/2023. Nhiều sản phẩm khác có giá trị xuất khẩu tăng mạnh như tôm khô, cá chỉ vàng đông lạnh, cá hố đông lạnh... Ðây cũng là gợi ý cho việc mở rộng mặt hàng xuất khẩu để bù đắp kim ngạch của các doanh nghiệp.
Tránh bị cảnh báo, cần đáp ứng yêu cầu gì?
Theo Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia (vùng lãnh thổ) có số lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm bị cảnh báo nhiều nhất. Nhóm hàng nông sản, thực phẩm bị cảnh báo nhiều gồm thủy sản, nước trái cây (chưa tính cà phê, sản phẩm sữa), bánh các loại.
Các lỗi bị cảnh báo gồm: Chất lượng, ATVSTP (sử dụng phụ gia thực phẩm vượt ngưỡng cho phép; nấm mốc; vi khuẩn gây bệnh); Hồ sơ kèm theo hàng hóa (thiếu chứng nhận hàng hóa; hàng hóa không đúng với chứng nhận/chứng thư; hàng hóa chưa được phép nhập khẩu); Tem nhãn bao bì hàng hóa không đáp ứng quy định, yêu cầu nhập khẩu...
Theo đó, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc lưu ý các doanh nghiệp cần nắm vững hệ thống quy định, tiêu chuẩn hiện hành của Trung Quốc.
Cụ thể, các văn bản quy định pháp luật: Biện pháp Quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu (Lệnh 249); Quy định về đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu nước ngoài (Lệnh 248); Luật kiểm dịch động thực vật xuất nhập cảnh nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Bên cạnh đó là các tiêu chuẩn quốc gia về an toàn thực phẩm: Tiêu chuẩn sử dụng phụ gia thực phẩm (GB 2760-2014); Tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm (GB 2763-2021); Tiêu chuẩn dư lượng thuốc thú y trong thực phẩm (GB 31650-2019); Tiêu chuẩn dư lượng tạp chất trong thực phẩm (GB 2761-2017); Tiêu chuẩn dư lượng độc tố nấm mốc trong thực phẩm (GB 2762-2017); Tiêu chuẩn dư lượng vi khuẩn gây bệnh trong thực phẩm (GB 29921-2021)...
Các quy định về bao bì, tem nhãn, truy xuất nguồn gốc cũng cần chú ý: Biện pháp Quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu (Điều 28 ~ Điều 32); Thỏa thuận, Nghị định thư giữa Trung Quốc với các quốc gia xuất khẩu; Các tiêu chuẩn liên quan khác của nước nhập khẩu (Quy tắc tem nhãn đối với thực phẩm đóng gói sẵn...)
Để cạnh tranh, hàng hoá Việt Nam cần phát huy lợi thế (vị trí địa lý; giá thành sản xuất, vận tải; các sản phẩm nhiệt đới...) của Việt Nam để khai thác và đáp ứng tối đa tiềm năng, nhu cầu to lớn của thị trường Trung Quốc.