Đức xích lại gần Trung Quốc
Trong bối cảnh đối đầu thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp diễn, hai đầu tàu của nền kinh tế Đức là công ty sản xuất ô tô Volkswagen AG và công ty hóa chất BASF đã tăng cường đầu tư lớn vào Trung Quốc.
Volkswagen, hiện có hơn 40 nhà máy ở Trung Quốc, cho biết sẽ điều chỉnh các mẫu xe theo mong muốn của khách hàng Trung Quốc như thêm máy hát karaoke tích hợp và đầu tư hàng tỷ USD hợp tác với các đối tác và nhà máy sản xuất địa phương.
Đây là một phần trong chiến lược "In China for China" của hãng xe Đức được đưa ra vào năm ngoái.
BASF, có 30 cơ sở sản xuất tại Trung Quốc, đang xúc tiến kế hoạch chi 10 tỷ euro (10,9 tỷ USD) để xây dựng một cơ sở sản xuất hóa chất mới, có quy mô ngang ngửa với khu phức hợp khổng lồ ở Ludwigshafen.
Theo báo New York Times (NYT-Mỹ), các giám đốc doanh nghiệp Đức hiểu rằng những khoản đầu tư như vậy đi ngược lại những nỗ lực nhằm cô lập kinh tế Trung Quốc của Mỹ.
Tuy nhiên, với các doanh nghiệp Đức, doanh thu từ Trung Quốc có ý nghĩa rất quan trọng để họ phát triển mạnh ở châu Âu.
Giám đốc điều hành BASF Martin Brudermüller cho biết doanh thu từ Trung Quốc cho phép công ty bù đắp chi phí năng lượng cao và các quy định nghiêm ngặt về môi trường ở châu Âu.
"Nếu không giao dịch với Trung Quốc, việc tái cơ cấu cần thiết ở châu Âu sẽ không thể thực hiện được", ông Brudermüller nói. "Thử chỉ cho tôi một khoản đầu tư ở châu Âu mà kiếm được tiền đi".
Ban lãnh đạo Volkswagen thừa nhận hãng đang ở trong tình trạng khó khăn tương tự.
Chi phí lao động và năng lượng cao ở châu Âu đã khiến công ty phụ thuộc nhiều vào doanh số bán hàng từ Trung Quốc để giúp duy trì hoạt động kinh doanh của công ty ở châu Âu.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết tăng khả năng cạnh tranh với Trung Quốc bằng cách mở rộng cơ sở hạ tầng và sản xuất trong nước thay vì đàm phán một hiệp định thương mại mới với Bắc Kinh.
Nhưng phía Đức cho biết, họ sẽ cố gắng đa dạng hóa thị trường châu Á song song phát triển mối quan hệ thương mại với Bắc Kinh.
Đức phụ thuộc vào Trung Quốc về các sản phẩm công nghệ thiết yếu như điện thoại di động và đèn LED, cũng như các nguyên liệu thô bao gồm lithium và các nguyên tố đất hiếm.
Những nguyên liệu thô này rất quan trọng đối với kế hoạch chuyển đổi sang năng lượng sạch và vận tải của Đức.
Katrin Kamin, Giám đốc sáng kiến kinh tế và địa chính trị tại Kiel cho biết, hạn chế thương mại Đức-Trung dù trong ngắn hạn cũng không phải là một phương án hợp lý.
"Trong ngắn hạn, Đức không thể nới lỏng mối quan hệ với Trung Quốc", ông nói. "Đức quá phụ thuộc [vào Trung Quốc]".
Châu Âu cũng rất cần Trung Quốc
Mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc lại càng gập ghềnh hơn. Vào năm 2020, sau nhiều năm đàm phán, một thỏa thuận thương mại và đầu tư mang tính đột phá đã bị hủy bỏ sau khi Bắc Kinh áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các nhà lập pháp EU.
Thỏa thuận vốn được cho sẽ tạo thuận lợi cho các công ty của cả hai bên tiến hành kinh doanh trên lãnh thổ của nhau.
Tuần trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều đến thăm Bắc Kinh. Chuyến đi được cho là một phần trong nỗ lực "tái cân bằng" quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Bà Von der Leyen kêu gọi khởi động lại các cuộc đàm phán thương mại nhưng cũng chỉ ra những trở ngại như sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc đối với các nhà sản xuất trong nước và hạn chế đối với các công ty nước ngoài.
"Trung Quốc là một đối tác thương mại quan trọng nhưng các công ty châu Âu phải đối mặt với nhiều trở ngại phân biệt đối xử [ở Trung Quốc]", bà von der Leyen cho biết sau cuộc gặp với Phòng Thương mại EU-Trung Quốc tại Bắc Kinh.
"Các công ty châu Âu có rất nhiều thứ để cung cấp cho Trung Quốc. Nhưng họ cũng cần có một sân chơi bình đẳng về đầu tư và cung cấp hàng hóa, dịch vụ".
Kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Đức đạt 297,9 tỷ euro vào năm ngoái và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của nước này trong 7 năm liên tiếp.
Nhưng Đức đang có thâm hụt thương mại ngày càng tăng với Trung Quốc, một xu hướng trở nên trầm trọng hơn do sự gián đoạn chuỗi cung ứng do dịch bệnh bùng phát.
Năm ngoái, nhập khẩu của Đức từ Trung Quốc tăng 33% lên 191 tỷ euro, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ tăng 3% lên 107 tỷ euro.
Một lĩnh vực từ lâu đã thống trị quan hệ thương mại Đức-Trung là ngành công nghiệp ô tô.
Các nhà sản xuất ô tô Đức, bao gồm BMW và Mercedes-Benz, bán khoảng 1/3 sản lượng ở Trung Quốc, nhiều hơn cả ở Tây Âu nói chung.
Nhưng những số liệu gần đây cho thấy, người Đức dường như đang mất dần sự kiểm soát đối với thị trường Trung Quốc, đặc biệt là khi ô tô điện sản xuất nội địa Trung Quốc đang trở nên phổ biến.
Theo nhật báo kinh doanh Handelsblatt (Đức), hồ sơ đăng ký bảo hiểm xe hơi cho thấy chỉ 2,4% tổng số ô tô điện bán ra ở Trung Quốc năm ngoái được sản xuất bởi Volkswagen, trong khi BMW và Mercedes thậm chí không đạt được 1%.
Ngược lại, các thương hiệu Đức tiếp tục thống trị thị trường ô tô động cơ đốt trong của Trung Quốc nhưng sự phổ biến của loại xe này đang dần nhường chỗ cho xe điện.
Trái lại, xe điện của các thương hiệu Trung Quốc như BYD và Nio đang xâm nhập thị trường Đức, ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu của các nhà sản xuất ô tô địa phương.
Oliver Blume, Giám đốc điều hành Volkswagen, cho biết: "Để lắng nghe khách hàng của chúng tôi ở Trung Quốc, chúng tôi phải hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác địa phương của mình. Đây sẽ là một phần của chiến lược 2030".
Một nghiên cứu của Viện Kiel cho thấy, nếu "nghỉ chơi" với Trung Quốc sẽ ảnh hưởng nặng nề tới toàn bộ châu Âu, đặc biệt đối với Đức.
Theo nghiên cứu, Đức có thể mất doanh thu hơn 131 tỷ euro. Nếu Trung Quốc trả đũa, thiệt hại có thể còn lớn hơn.
"Chúng tôi muốn có cách tiếp cận tích cực với Trung Quốc", Jörg Kukies, cố vấn kinh tế của Thủ tướng Đức nói. "Thay vì một cách tiếp cận chống Trung Quốc".