LTS: TS. Cấn Văn Lực và Nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa công bố báo cáo nghiên cứu về việc Trung Quốc mở cửa trở lại và những tác động đối với kinh tế thế giới và Việt Nam. Chúng tôi xin đăng tải báo cáo để quý độc giả cùng theo dõi.
Sau 3 năm đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19, Trung Quốc đã mở cửa biên giới, dỡ bỏ các biện pháp cách ly, hạ cấp dịch từ ngày 8/1/2023 và dự kiến sẽ mở cửa hoàn toàn nền kinh tế vào đầu quý 2/2023. Theo the Economist, "Trung Quốc mở cửa lại sẽ là sự kiến lớn nhất thế giới trong năm 2023". TS. Cấn Văn Lực và Nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đánh giá tác động của việc Trung Quốc mở cửa trở lại đối với kinh tế thế giới và Việt Nam ở phạm vi trọng tâm hơn.
Đối với kinh tế thế giới
Tác động đối với tăng trưởng kinh tế: theo Morgan Stanley, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp tăng trưởng GDP của nước này tăng thêm 0,4 điểm %và theo đó sẽ trực tiếp giúp tăng trưởng GDP thế giới tăng thêm 0,07 điểm % (do Trung Quốc đóng góp 17,2% GDP thế giới). Ngoài ra, Trung Quốc mở cửa vừa cải thiện cung (khôi phục chuỗi cung ứng bị đứt gẫy trong thời gian đóng cửa) vừa tăng sức cầu đối với kinh tế thế giới, nhất là nhu cầu về đi lại, du lịch và hàng hóa – dịch vụ, qua đó gián tiếp giúp tăng trưởng GDP thế giới tăng thêm khoảng 0,03 điểm %. Tổng cộng, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV ước tính việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp tăng trưởng GDP thế giới tăng thêm khoảng 0,1 điểm %.
Đối với lạm phát: Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ làm tăng nhu cầu và giá hàng hóa, dịch vụ. Trung Quốc hiện tiêu thụ 1/5 lượng dầu thế giới, hơn một nửa lượng đồng, niken và kẽm; và hơn 3/5 lượng quặng sắt thế giới (the Economist).Theo Goldman Sachs, với việc Trung Quốc mở cửa giá dầu Brent có thể tăng đến 100 USD/thùng; làm tăng nhu cầu nhập khẩu gas, có thể dẫn đến 7% thiếu hụt năng lượng ở châu Âu (theo dự báo của IEA). Trên thực tế, giá hàng hóa, dịch vụ thế giới trong tháng 12/2022 đã tăng trở lại khi có tin Trung Quốc mở cửa (Hình 1). Tuy nhiên, song song với tăng giá hàng hóa – dịch vụ do nhu cầu tăng, nguồn cung cũng sẽ được cải thiện do hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ giảm và chính sách trung hóa của Chính phủ, người tiêu dùng điều chỉnh hành vi…, nên việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ tác động không nhiều đến lạm phát cũng như định hướng chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước trong năm 2023.
Đối với dòng vốn đầu tư: Trung Quốc sẽ mất thời gian nhất định, khoảng 1-2 năm, để thuyết phục nhà đầu tư là sẽ không thực thi lại chính sách zero-COVID, vốn được xem là mạnh tay và khó dự đoán. Do đó, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự đoán sẽ chưa có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ các nước khác (trong đó có Việt Nam) sang Trung Quốc, ít nhất là trong năm 2023.
Tác động đối với nền kinh tế Việt Nam
- Đối với thương mại hàng hóa và dịch vụ:
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam khi thị trường nước này chiếm khoảng 15,7% tổng kim ngạch xuất khẩu và 33,1% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2022. Do chính sách zero-COVID, tăng trưởng GDP Trung Quốc giảm đà mạnh trong năm 2022 (từ mức tăng trưởng 8,1% năm 2021 xuống khoảng 3,2% năm 2022); theo đó, tăng trưởng xuất - nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc cũng giảm mạnh đà tăng trong năm 2022 (Hình 2).
Đồng thời, thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng tăng mạnh trong hai năm 2021 và 2022 (Hình 3). TS. Cấn Văn Lực và Nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự báo sau khi Trung Quốc mở cửa cả tăng trưởng xuất khẩu lẫn nhập khẩu với Trung Quốc đều cải thiện, nhưng tăng trưởng xuất khẩu sẽ cải thiện nhiều hơn nhập khẩu. Theo đó, thâm hụt thương mại với Trung Quốc sẽ giảm về mức tương ứng với xu hướng trước dịch, dự báo khoảng 50 tỷ USD(so với mức 60,9 tỷ USD trong năm 2022), giúp tăng trưởng GDP tăng thêm khoảng 2 điểm %.
- Về du lịch,Trung Quốc cũng là nước đóng góp lớn vào số khách quốc tế đến Việt Nam (với tỷ trọng trước đại dịch là 32%). Mặc dù khách Trung Quốc trong năm 2022 đã tăng 116,3% so với năm 2021 (Hình 4), nhưng mới đạt mức 124,9 nghìn lượt, thấp hơn rất nhiều mức trước dịch (5,8 triệu lượt năm 2019). TS. Cấn Văn Lực và Nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV ước chi tiêu trung bình của khách Trung Quốc sang Việt Nam bằng 70% so với trung bình của khách du lịch Trung Quốc trên toàn thế giới và sẽ ở khoảng 1.130 USD (theo CNN). Theo đó, Nhóm chuyên gia dự báo lượng khách Trung Quốc khôi phục về mức trước dịch có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm khoảng 1,6 điểm % (so với Thái Lan là 2,9 điểm %, Singapore là 1,2 điểm %, theo CNN).
- Đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI):
Số liệu các năm cho thấy FDI từ Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) vào Việt Nam đã bị tác động không nhiều trong thời gian Trung Quốc đóng cửa mà chỉ giảm theo mức chung. Theo đó, FDI đăng ký của Trung Quốc và Hồng Kông (TQ) giảm mạnh trong năm 2020 (chủ yếu là do điều chỉnh lại mức tăng đột biến hai năm trước đó, trong đó có nguyên nhân chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và thay đổi về chính sách của Trung Quốc, và do dịch Covid-19 bùng phát). Năm 2021 và 2022, mức tăng vốn FDI của Trung Quốc và Hồng Kông (TQ) tương đương mức tăng của các đối tác khác (Hình 5). Do đó, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự đoán Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ tác động không nhiều đến dòng vốn FDI từ Trung quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) vào Việt Nam, ít nhất là trong năm 2023.
Đối với lạm phát của Việt Nam
Trong khi tác động không nhiều đến lạm phát thế giới (như nêu trên), việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ tác động đến lạm phát Việt Nam do CPI Việt Nam chịu tác động từ tăng giá hàng hóa nhiều hơn từ khôi phục chuỗi cung ứng (với Việt Nam, chuỗi cung ứng liên quan nhiều đến giá xuất khẩu hơn là CPI). Trong trường hợp giá dầu Brent tăng lên tới 100 USD/thùng trong năm 2023 (như dự báo của Goldman Sachs), tức là cao hơn 20,3% so với dự báo tại thời điểm hiện tại của Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) là 83,1 USD/thùng, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự báo giá nhập khẩu tăng thêm 2,03 điểm % (theo phương pháp hồi quy trên Hình 6) và CPI bình quân tăng thêm 0,4 điểm % (với tỷ lệ chuyển giá nhập khẩu vào CPI bình quân là 18,2% như kết quả của một nghiên cứu gần đây của P.T.T. Xuân (2020)).
Tác động đối với tăng trưởng GDP và lạm phát (CPI) tính toán ở trên được chia ra cho hai năm 2023 và 2024. Tỷ lệ phân bổ tác động giữa năm sẽ phụ thuộc chủ yếu vào tiến độ Trung Quốc mở cửa trở lại theo hai kịch bản: kịch bản 1, Trung Quốc mở cửa quyết liệt (cho dù số ca nhiễm tăng mạnh), cùng với việc sử dụng vắc-xin ngoại, khi đó mức độ tác động sẽ chia đều cho hai năm 2023 và 2024; với kịch bản 2, Trung Quốc mở cửa dè dặt, thận trọng, mức độ tác động sẽ tập trung nhiều hơn trong năm 2024 (Bảng 1).
Tóm lại, việc Trung Quốc mở cửa trở lại tác động đến nền kinh tế Việt Nam chủ yếu qua việc có thể góp phần giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc và tăng lượng khách du lịch đến từ Trung Quốc, qua đó giúp GDP Việt Nam tăng thêm khoảng 1,8 điểm %/năm và CPI tăng thêm 0,2 điểm %/năm trong hai năm 2023 và 2024 (kịch bản 1), hoặc giúp GDP Việt Nam tăng trưởng thêm 0,8 điểm %, CPI tăng thêm 0,1 điểm % năm 2023 và 1,8 điểm % tăng trưởng, 0,5 điểm % CPI năm 2024 (kịch bản 2). Mức độ tác động này phụ thuộc vào kịch bản mở cửa của Trung Quốc như nêu tại Bảng 1.
Năm kiến nghị:
Theo đánh giá của các chuyên gia dịch tễ, Trung Quốc có thể sẽ đạt miễn dịch cộng đồng khoảng 2 tháng sau khi mở cửa hoàn toàn và các nước (trong đó có Việt Nam) không nhất thiết phải có các biện pháp hạn chế đi lại đối với khách đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn cần có hướng dẫn phòng chống dịch chi tiết, rõ ràng và thống nhất toàn quốc (bao gồm cả phương án cấp visa du lịch), không để địa phương tự ban hành các quy định riêng, có phương án trong trường hợp tình hình dịch bệnh xấu đi với lượng khách quốc tế tăng lên; đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19, nhất là các đối tượng dễ tổn thương.
Hai là, Chính phủ chỉ đạo sửa đổi Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 (ban hành ngày 22/01/2020) cho phù hợp với tình hình mới sau đại dịch; trong đó cần chú trọng các giải pháp phát triển du lịch bền vững, dựa trên sử dụng hiệu quả các nguồn lực, cân bằng giữa các mục tiêu về kinh tế, môi trường và văn hóa, xã hội. Chú trọng khâu triển khai thực hiện, rà soát và cập nhật kịp thời.
Ba là, khai thác tốt hơn thị trường Trung Quốc đối với hàng nông sản.Thúc đẩy khai thác, đàm phán chính ngạch với Trung Quốc nhưng tránh không để quá phụ thuộc vào thị trường này. Theo đó, cần: (i) xây dựng hệ thống thông tin, dự báo thị trường các sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc (gạo, thịt gia súc, gia cầm, rau quả…) và có phổ biến kịp thời, (ii) nâng cao chất lượng hàng nông sản xuất khẩu thông qua phát triển công nghiệp thực phẩm, khuyến khích đầu tư nước ngoài, liên doanh trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm để du nhập công nghệ tiên tiến về chế biến, quản lý, bảo quản và chuyên chở; áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm, có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn thực phẩm.
Bốn là, nâng cao năng lực cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc (có thể tăng lên khi nước này mở cửa trở lại) bằng cách đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước, chú trọng kết nối doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, giảm dần phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc.
Cuối cùng,cần chuẩn bị giải pháp bình ổn giá lương thực, thực phẩm phòng khi giá lương thực, thực phẩm tăng do nhu cầu tiêu thụ từ Trung Quốc; tập trung vào giải pháp đối với khâu lưu thông, phân phối; xử lý nghiêm các hiện tượng độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh trong sản xuất, lưu thông các mặt hàng lương thực, thực phẩm…v.v.
-----
Thực hiện báo cáo: TS. Cấn Văn Lực và Nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV