Theo dữ liệu từ hải quan Trung Quốc, nhập khẩu công cụ sản xuất chip của nước này trong tháng 6 và tháng 7 đạt tổng cộng gần 5 tỷ USD, tăng 70% so với 2,9 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết hàng nhập khẩu đến từ Hà Lan và Nhật Bản, hai quốc gia đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với thiết bị sản xuất chip trên cơ sở hợp tác với Mỹ để làm chậm tiến độ phát triển công nghệ của Trung Quốc.
Các hạn chế có nghĩa là để mua một số công cụ các công ty Trung Quốc sẽ phải xin giấy phép trực tiếp từ chính phủ Hà Lan và Nhật Bản. Điều này được cho là gây khó khăn cho các nhà sản xuất chip Trung Quốc. Nhật Bản bắt đầu thực thi các hạn chế của mình vào ngày 23/7, trong khi các hạn chế của Hà Lan sẽ có hiệu lực vào ngày 1/9. Chính vì vậy, quyết định nhập khẩu số lượng lớn các thiết bị này từ sớm trước khi quyết định cấm xuất khẩu của Hà Lan và Nhật Bản có hiệu lực đã cho thấy Trung Quốc muốn hạn chế tối đa những gián đoạn đối với kế hoạch mở rộng sản xuất chip của mình.
Trung Quốc thúc đẩy doanh thu ASML trong bối cảnh nhu cầu chung sụt giảm
Theo báo cáo mới của ASML, số lượng nhập khẩu máy in thạch bản Hà Lan của Trung Quốc đã tăng mạnh trong năm nay, với 7 tháng đầu năm đã vượt dự báo trước đó của ASML về doanh số bán sang Trung Quốc vào năm 2023. Trên thực tế, ASML gần như độc quyền về các máy in thạch bản tiên tiến nhất thế giới, vốn cần thiết để sản xuất các con chip tiên tiến. Dưới áp lực của Mỹ, công ty đã cắt giảm xuất khẩu hệ thống in thạch bản cực tím (EUV) sang Trung Quốc.
Tháng trước, công ty cho biết nhu cầu lớn từ Trung Quốc đã bù đắp sự sụt giảm trong ngành bán dẫn toàn cầu và thúc đẩy thu nhập của ASML trong năm nay.
Thậm chí, Trung Quốc còn sẵn sàng nhập khẩu các hệ thống in thạch bản tia cực tím sâu (DUV) kém tiên tiến của ASML.Tuy nhiên, theo các quy định mới của Hà Lan có hiệu lực từ ngày 1/9, ASML sẽ phải xin giấy phép từ The Hague để vận chuyển các hệ thống in thạch bản DUV, giáng một đòn mới vào ngành bán dẫn của Trung Quốc.
Giám đốc điều hành của ASML, Peter Wennink, cho biết trong một báo cáo thu nhập vào tháng trước rằng khách hàng Trung Quốc có nhu cầu lớn đối với các công cụ để tạo ra những con chip ít tiên tiến hơn. “Khách hàng Trung Quốc của chúng tôi nói họ rất vui khi nhận được những chiếc máy mà người khác không muốn”, ông cho biết.
Trung Quốc tăng số lượng dự trữ nhằm hạn chế gián đoạn sản xuất
Theo báo cáo, vào tháng 7, Trung Quốc đã nhập khẩu máy in thạch bản trị giá 626 triệu USD từ Hà Lan, lớn hơn gần 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Danh mục nhập khẩu bao gồm các thiết bị như máy in thạch bản và máy khắc để sản xuất chip, không bao gồm các thành phần và vật liệu như tấm bán dẫn. Những người trong ngành quen thuộc với việc nhập khẩu thiết bị ở Trung Quốc chia sẻ với Financial Times, việc nhập khẩu thiết bị sản xuất chip Hà Lan của Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong tháng 6 và tháng 7 so với tháng 5 do ASML đã giao thêm máy in thạch bản cho khách hàng Trung Quốc.
“Đây là một trong những phản ứng của Trung Quốc đối với…các lệnh hạn chế xuất khẩu của Hà Lan và Nhật Bản”, Lucy Chen, Phó chủ tịch công ty nghiên cứu Isaiah Research có trụ sở tại Đài Loan cho biết. “Trung Quốc đã tăng dự trữ các thiết bị bán dẫn để giảm bớt những gián đoạn tiềm ẩn trong chuỗi cung ứng”. Trên thực tế, các tập đoàn sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc như Semiconductor Manufacturing International và Yangtze Memory Technologies đều phụ thuộc vào thiết bị từ Mỹ, Hà Lan và Nhật Bản.
Trung Quốc sẽ tập trung sản xuất xanh
Theo hai quan chức Trung Quốc, một số máy móc được nhập khẩu trong những tháng gần đây đã được chuyển đến các xưởng đúc nhỏ tại các địa phương ở Trung Quốc, trong khi đó, Bắc Kinh đang nỗ lực mở rộng năng lực sản xuất chip.
Việc Trung Quốc mua thiết bị chip từ những quốc gia khác, bao gồm Singapore và Đài Loan, cũng góp phần vào mức nhập khẩu kỷ lục từ các quốc gia này. Điều này cho thấy nỗ lực của Trung Quốc trong việc tiếp tục mở rộng sản xuất mặc cho chip kém tiên tiến hơn bất chấp những thách thức do các biện pháp kiểm soát xuất khẩu được thắt chặt.
Theo nhóm nghiên cứu thị trường công nghệ Counterpoint, số lô hàng từ 5 nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip hàng đầu sang Trung Quốc đã tăng 30% trong quý 2 năm nay.
Ashwath Rao, nhà nghiên cứu cấp cao tại Counterpoint, cho biết: “Đầu tư tập trung của Trung Quốc vào các nhà máy chế tạo chiến lược nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước, trong khi các cam kết bền vững đối với các công nghệ trưởng thành đóng vai trò là bước đệm chống lại những bất ổn địa chính trị”.
Rao cho biết Trung Quốc đang sản xuất chip để sử dụng trong phát triển xe điện, chuyển đổi năng lượng xanh và các ứng dụng công nghiệp, vốn yêu cầu các loại chip chịu sự kiểm soát xuất khẩu.