Tháng 10 năm ngoái, kế hoạch xây dựng một nhà máy bán dẫn khổng lồ được nhà nước hậu thuẫn ở miền trung Trung Quốc rơi vào khủng hoảng do căng thẳng địa chính trị. Một số người rời bỏ công ty. Ba nhà cung cấp thiết bị của Mỹ cũng gần như ngay lập tức tạm dừng các chuyến hàng, trong khi đối tác châu Âu và Nhật Bản dự kiến sớm làm điều tương tự.
Nhà máy thuộc tập đoàn công nghệ YMTC vốn vẫn được ca ngợi là người đi đầu trong cuộc đua hướng tới động lực tự chủ của Trung Quốc. Giờ đây, nhà sản xuất chip và các công ty cùng ngành đang gấp rút đại tu chuỗi cung ứng và tái thiết lập kế hoạch kinh doanh của mình.
Phương Tây rút vốn, song nguồn tài trợ nuôi dưỡng các giải pháp thay thế trong nước vẫn sinh lợi. Thực tế, Trung Quốc không từ bỏ việc sản xuất chip cao cấp. Các nhà sản xuất vẫn đang cố gắng hợp tác cùng các công ty miễn nhiễm với lệnh trừng phạt từ Mỹ để hướng tới mục tiêu tự chủ.
Trước đó, Bắc Kinh đã huy động một khoản tiền lớn phát triển các lựa chọn thay thế “cây nhà lá vườn” cho các nhà sản xuất chip phương Tây. Tuy nhiên, do linh kiện nước ngoài sẵn có và chất lượng lại cao hơn, nhiều công ty Trung Quốc không sẵn sàng chuyển đổi.
Dẫu vậy, những hạn chế về việc sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc dường như đang giảm bớt. Các công ty công nghệ tại quê nhà đang tìm cách thay thế các con chip phương Tây và một số thành phần liên quan, ngay cả những sản phẩm này không bị ảnh hưởng bởi sự kiểm soát của Mỹ. Ví dụ, tập đoàn ô tô Quảng Châu, một nhà sản xuất xe điện thuộc sở hữu nhà nước, cho biết hồi tháng 2 rằng họ muốn mua khoảng 1.000 con chip từ các nhà cung cấp Trung Quốc dù hiện đang mua tới 90% từ nước ngoài.
“Mục tiêu hiện nay ở Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực là phi Mỹ hóa chuỗi cung ứng”, Paul Triolo, phó Chủ tịch cấp cao về Trung Quốc tại Albright Stonebridge Group, một công ty chiến lược, cho biết.
Theo The New York Times, hàng chục công ty chip Trung Quốc đang hoàn thiện kế hoạch huy động vốn thông qua IPO trong năm nay. Nhà sản xuất chip lớn thứ hai của Trung Quốc, Hua Hong Semiconductor, nằm trong danh sách này.
Căng thẳng công nghệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới không có dấu hiệu hạ nhiệt. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã soạn thảo, song chưa công bố các quy tắc mới nhằm hạn chế dòng vốn đầu tư mạo hiểm của các công ty Mỹ vào doanh nghiệp chip tiên tiến ở Trung Quốc. Đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bán dẫn của Trung Quốc trong năm nay đã giảm xuống còn 600 triệu USD, mức thấp nhất kể từ năm 2020, theo dữ liệu từ PitchBook.
“Trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và chất bán dẫn đều là những lĩnh vực mà Trung Quốc xác định muốn nâng cao năng lực trong nước. Nhưng các quy định mới của Mỹ sẽ khiến điều đó trở nên cực kỳ khó khăn, đặc biệt là trong lĩnh vực chip”, ông Pranay Kotasthane, Giám đốc Chương trình địa chính trị công nghệ cao tại Viện Takshashila nhận định.
Trung Quốc trong cuộc đua hướng tới động lực tự chủ.
Để khắc phục, Bắc Kinh kích hoạt một quỹ nhà nước rót tiền vào các nhà cung cấp vật liệu và thiết bị chip. Khoản trợ cấp mới nhằm mục đích loại bỏ dần các linh kiện phương Tây ra khỏi chuỗi cung ứng. Ngoài ra, thành phố phía nam Quảng Châu cũng dành hơn 21 tỷ USD cho các dự án bán dẫn và công nghệ. Lượng đơn đặt hàng thiết bị do Trung Quốc sản xuất đã tăng đột biến trong những tháng gần đây, theo The New York Times.
Cho đến nay, chưa đến 1% tổng số chất bán dẫn cao cấp ở Trung Quốc chịu sự kiểm soát của Mỹ, theo ước tính từ Yole Group, một công ty nghiên cứu thị trường. Jean-Christophe Eloy, Giám đốc điều hành của Yole Group cho biết, đa số được tìm thấy trong các thiết bị điện tử tiêu dùng hàng ngày, ô tô. Hai nhà sản xuất chip lớn nhất của Trung Quốc là SMIC và Hua Hong Semiconductor đều đã công bố hàng tỷ USD mở rộng sản xuất quy mô chip nhớ.
Tuy nhiên, về lâu dài, việc Trung Quốc vẫn chưa thể tiếp cận hết các công cụ sản xuất chip cần thiết có thể cản bước tiến của nước này trong lĩnh vực tiên tiến như trí tuệ nhân tạo hay hàng không vũ trụ, theo Handel Jones, giám đốc điều hành công ty tư vấn International Business Strategies.
Tháng 8 năm ngoái, YMTC đặt mục tiêu tăng gấp 3 lần tỷ trọng sản xuất chip toàn cầu lên 13% vào năm 2027 và thách thức các công ty chip đương nhiệm như Micron Technology có trụ sở tại Mỹ, theo ước tính của Yole Group. Tuy nhiên, đối mặt với khó khăn trong việc xây dựng nhà máy thứ hai, sản lượng của nhà sản xuất chip nhớ Trung Quốc này dự kiến sẽ giảm xuống chỉ còn 3% vào năm 2027.
Hiện tại, các công ty quốc tế trước đây đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc đang chuyển dòng vốn sang nơi khác. Các nhà sản xuất chip hàng đầu của Hàn Quốc, Đài Loan đều đang đầu tư hàng tỷ USD vào Mỹ. TSMC còn đang xin trợ cấp cho nhà máy tại Arizona và điều này đồng nghĩa với việc tập đoàn này phải hạn chế đầu tư vào Trung Quốc.
Tuy nhiên, nếu nhìn theo phương diện tích cực, điều này lại tạo cơ hội cho các công ty trong nước. Xiang Ligang, giám đốc một tập đoàn công nghệ có trụ sở tại Bắc Kinh, người đã tư vấn cho chính phủ Trung Quốc về các vấn đề công nghệ, cho biết: “Nhờ có các lệnh trừng phạt, thị trường ngách có chỗ trống còn chúng tôi có cơ hội để phát triển”.
Dự báo trong thập kỷ tới, Trung Quốc có thể sẽ chiếm khoảng một nửa năng lực sản xuất thế giới đối với một loại chất bán dẫn cao cấp, theo công ty tư vấn Rhodium Group.
Theo: The New York Times, CNBC