Để đảm bảo “sự phát triển ổn định và lành mạnh” của thị trường bất động sản, các cơ quan giám sát tài chính của Trung Quốc - bao gồm Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), Ủy ban Quản lý Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) - thứ Sáu tuần trước đã đưa ra một kế hoạch 16 điểm nhằm tiếp sức cho thị trường.
Kế hoạch này bao gồm các biện pháp từ giải quyết tình trạng cạn kiệt thanh khoản của các công ty phát triển nhà, tăng cường tín dụng, cho tới nới quy định về tiền đặt cọc đối với người mua nhà, theo nguồn thạo tin của Bloomberg.
Theo ảnh chụp màn hình tài liệu về kế hoạch này đang được lan truyền tại Trung Quốc, giới chức trách nước này đang khuyến khích các ngân hàng đáp ứng nhu cầu vay vốn “hợp lý” của công ty phát triển bất động sản được quản trị tốt. Các ngân hàng cũng được khuyến khích gia hạn nợ tối đa một năm cho các doanh nghiệp này, đồng thời đối xử công bằng với cả công ty bất động sản tư nhân và nhà nước.
“Chúng tôi xem đây là động thái điều chỉnh chính sách quan trọng nhất kể từ khi Trung Quốc bắt đầu siết mạnh tín dụng của ngành bất động sản”, nhóm các nhà kinh tế học của ngân hàng Nomura, dẫn đầu là ông Lu Ting, viết trong một báo cáo nghiên cứu đầu tuần này. “Vì vậy, những công ty phát triển bất động sản đang thiếu tiền trầm trọng (đặc biệt là công ty tư nhân), công ty xây dựng, người vay thế chấp mua nhà và các bên liên quan khác giờ đây có thể thở phào nhẹ nhõm”.
Phản ứng với tin tốt này, giá cổ phiếu các công ty bất động sản lớn của Trung Quốc đồng loạt tăng vọt. Cổ phiếu Country Garden của nữ tỷ phú Yang Huiyan, niêm yết tại Hồng Kông, có thời điểm tăng tới 40,6% trong phiên giao dịch ngày 14/11. Trong khi đó, cổ phiếu công ty Longfor Group của tỷ phú Wu Yajun, cũng đang niêm yết tại Hông Kông tăng 22,8% trong phiên.
Nhờ đó, tài sản của bà Yang và bà Wu lần lượt tăng 2,4 tỷ USD và 1,2 tỷ USD, lọt top 5 tỷ phú có tài sản tăng mạnh nhất trong ngày, theo danh sách tỷ phú theo thời gian thực của Tạp chí Forbes.
Trước đó, dù được xem là có sức khỏe tài chính tốt hơn so với các công ty vỡ nợ như Shimao, Sunac China và Evergrande, hai công ty này vẫn bị “bầm dập” khi Chính phủ Trung Quốc siết quản lý thị trường bất động sản, sau thời gian giá nhà tăng bùng nổ và tín dụng dồi dào.
Đơn cử, Country Garden ghi nhận lợi nhuận ròng giảm 96% xuống còn 612 triệu USD trong năm đầu năm 2022. Tháng 9, công ty này chứng kiến doanh thu giảm tháng thứ 14 liên tiếp khi niềm tin của người mua nhà giảm sút.
Tuy nhiên, ông Shen Meng, giám đốc điều hành của ngân hàng đầu tư Chanson & Co. có trụ sở tại Bắc Kinh, cảnh báo rằng kế hoạch 16 điểm của Bắc Kinh không đồng nghĩa với một gói cứu trợ toàn ngành.
“Các chính sách này nhằm ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ hàng loạt và gây ra rủi ro tài chính mang tính hệ thống khi nhiều nhà phát triển bất động sản đến hạn trả nợ vào năm sau”, ông Meng nói. “Một trọng tâm nữa của các chính sách này là nhằm đảm bảo việc bàn giao nhà tại các dự án đã bán nhưng đang ngừng xây dựng".
Theo báo cáo hôm 27/10 của Moody’s Investors Service, các nhà phát triển bất động sản của Trung Quốc đang có ít nhất 55 tỷ USD trái phiếu tới hạn thanh toán trong vòng 2 năm tới. Tuy nhiên, các công ty này đang chứng kiến doanh thu sụt giảm và không có nhiều lựa chọn tái cấp vốn. Cạn tiền buộc các công ty này phải ngừng xây dựng dù đã bán nhà cho khách hàng. Điều này thổi bùng làn sóng biểu tình và dừng thanh toán nợ vay thế chấp mua nhà của người dân trên khắp Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo ông Shen, vì nhà chức trách sẽ chỉ giải cứu có trọng điểm, những công ty đang gặp khó khăn như Evergrande khó có thể đảo ngược số phận của mình.
Tỷ phú Hui Ka Yan, người sáng lập Evergrande, hiện là biểu tượng cho những trùm địa ốc vay nợ tràn lan để mở rộng “đế chế” của mình. Từng là người giàu nhất châu Á, ông Hui hiện chỉ có tài sản ròng 2,9 tỷ USD, giảm hơn 93% so với mức đỉnh 42,5 tỷ USD năm 2017. Evergrand hiện đang chật vật tái cơ cấu khối nợ 300 tỷ USD sau khi bị tuyên vỡ nợ vào cuối năm ngoái.