Thành phố Tây Song Bản Nạp thuộc tỉnh Vân Nam hiện là điểm tập kết sầu riêng từ Đông Nam Á lớn nhất tại Trung Quốc. Nằm gần biên giới với các nước Đông Nam Á, chợ đầu mối hoa quả của thành phố này tập trung đông đảo thương lái và khách du lịch. Nhiều loại sầu riêng từ khắp nơi được quy tụ về đây.
Theo một tiểu thương tại chợ, vào mùa cao điểm du lịch, tiệm ông bán được khoảng 1 tấn sầu riêng mỗi ngày.
"Cơn sốt" sầu riêng ngày càng nóng
Sự bùng nổ này đang được thúc đẩy bởi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) – hiệp định giúp Trung Quốc nhập khẩu trái cây tươi từ các quốc gia Đông Nam Á dễ dàng hơn.
Vừa có hiệu lực từ tháng 1 năm nay, RCEP hiện là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới với các nước tham gia chiếm 30% tổng GDP toàn cầu. Tham gia hiệp định này có 10 nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Chi phí đã giảm kể từ khi RCEP có hiệu lực nhưng giá sầu riêng vẫn tăng do nhu cầu ngày càng cao của Trung Quốc.
Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, năm 2021, nhập khẩu sầu riêng tươi của Trung Quốc tăng 42,7% so với cùng kỳ năm 2020 lên 821.600 tấn. Giá trị nhập khẩu tăng 82,4% lên 4,2 tỷ USD. Cả sản lượng và kim ngạch sầu riêng đều đứng đầu trong danh mục trái cây nhập khẩu. Tính đến năm ngoái, nhập khẩu sầu riêng đã tăng gần gấp 4 lần so với năm 2017 và có xu hướng tăng tốc hơn nữa trong năm nay.
Hương vị và giá trị dinh dưỡng cao của sầu riêng dường như hấp dẫn thị hiếu của người Trung Quốc. Với giá hơn 7 USD mỗi phần cơm sầu, sầu riêng được xếp chồng lên nhau nổi bật trong các siêu thị ở Trung Quốc.
Hàng loạt món ăn độc đáo từ loại quả này ra đời, như bánh sầu riêng, bánh kếp sữa sầu riêng, pizza sầu riêng và lẩu sầu riêng. Tất cả đều nhận được vô số bình luận nhiệt tình những người yêu thích sầu riêng trên mạng xã hội.
Trước nhu cầu ngày càng tăng từ Trung Quốc, các quốc gia Đông Nam Á đang gấp rút mở rộng xuất khẩu. Năm 2021, Thái Lan đã xuất khẩu 1,29 triệu tấn sầu riêng vào Trung Quốc, tăng khoảng 30% so với năm 2019.
"Nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc vốn đã cao rồi, nhưng tiêu thụ bình quân đầu người đối với trái cây này được dự báo sẽ còn tăng thêm nữa.. Nông dân Thái Lan rất có động lực để mở rộng sản xuất", một quan chức Đại sứ quán Thái Lan tại Trung Quốc, cho biết.
Nổi lên cùng “cơn sốt” này, thương hiệu sầu riêng Musang King của Malaysia ngày càng phổ biến và được người Trung Quốc gọi là "Hermes của sầu riêng". Dù sản lượng sầu riêng Musang King dự kiến giảm trong năm nay do mưa lớn, Chính phủ Malaysia đang khuyến khích tăng cường xuất khẩu khi các đồn điền được mở rộng nhờ đầu tư lớn của các doanh nghiệp.
Việt Nam và Lào cũng đang chứng kiến làn sóng đầu tư trồng sầu riêng, trong đó có nguồn tiền đầu tư từ Trung Quốc.
Nguy cơ bị chi phối bởi thị trường Trung Quốc
Theo Nikkei Asia, với các quốc gia Đông Nam Á này, việc Trung Quốc tham gia RCEP là một cơ hội thúc đẩy xuất khẩu. Ngoài việc loại bỏ thuế quan, hiệp định này cũng quy định việc thông quan các mặt hàng dễ hư hỏng về cơ bản được hoàn thành trong vòng chưa đầy sáu giờ. Điều này sẽ làm giảm đáng kể chi phí và mang lại lợi thế lớn cho sầu riêng, vì độ tươi là yếu tố rất quan trọng với loại quả này.
Tuy nhiên, sự bùng nổ sầu riêng ở Trung Quốc cũng sẽ đi kèm một số thách thức. Trước hết là sự chi phối mà một thị trường quá lớn như Trung Quốc có thể gây ra.
Ví dụ, Malaysia đang phát triển diện tích trồng sầu riêng trong các rừng mưa nhiệt đới, điều mà các chuyên gia cho rằng có thể gây ra những vấn đề về môi trường. Hơn nữa, không ai biết “cơn sốt” sầu riêng ở Trung Quốc sẽ kéo dài bao lâu, trong khi sản lượng đang được mở rộng nhanh chóng nhằm phục vụ thị trường này.
Bên cạnh đó, “cơn sốt” này còn có nguy cơ đẩy nhanh sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc. Thường phải mất hơn 5 năm để cây sầu riêng trưởng thành và cho trái. Nếu Trung Quốc ngừng nhập khẩu sau khi sản xuất ồ ạt trên quy mô lớn, nông dân sẽ chịu thiệt hại nặng nề.
Trên thực tế, do một số nguyên nhân chính trị, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu dứa của Đài Loan vào tháng 3 năm ngoái. Nước này cũng đã ngừng nhập khẩu chuối của Philippines vì vấn đề Biển Đông.
Thái Lan và Malaysia hiện không có vấn đề ngoại giao hay an ninh nghiêm trọng với Trung Quốc. Tuy nhiên, khi đối đầu Mỹ - Trung ngày càng sâu sắc, không ai biết khi nào căng thẳng ở châu Á sẽ leo thang. Do đó, nếu sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc tăng lên, họ có thể rơi vào thế yếu. vào thế yếu.
Bên cạnh đó, các nước Đông Nam Á xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc cũng cần tính tới việc Trung Quốc sở hữu năng lực nghiên cứu và sản xuất mạnh mẽ.
"Khí hậu của đảo Hải Nam khác với Đông Nam Á nên việc trồng sầu riêng trên quy mô lớn không dễ. Dù vậy, tôi cho rằng chúng tôi có thể sản xuất các sản phẩm giai đoạn đầu để thương mại hóa trong hai năm tới", chủ tịch một công ty đầu tư trồng sầu riêng ở Hải Nam cho biết. Công ty này hiện đặt mục tiêu tự trồng sầu riêng Musang King.
Trung Quốc đã nhiều lần thử canh tác sầu riêng cao cấp ở các tỉnh như Vân Nam, Quảng Tây, Hải Nam. Dù vĩ độ cao, bão thường xuyên cùng các điều kiện khí hậu khác biệt đã gây ra nhiều thử thách, nhưng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng đang tạo động lực cho các công ty Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư và canh tác sầu riêng
Câu hỏi đặt ra là điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc canh tác được sầu riêng ở trong nước?
Theo Nikkei Asia, giống như loại nho sang trọng của Nhật có tên "Shine Muscat", việc sản xuất sầu riêng có thể được mở rộng trên khắp Trung Quốc trước khi chúng ta có thể biết đến điều này. Và một ngày nào đó, việc sầu riêng Trung Quốc thống trị một phần lớn thị trường là điều hoàn toàn có thể xảy ra.