Tuyên bố của ông Ueda xuất hiện ngay trước cuộc họp chính sách mà BoJ sẽ tiến hành trong tuần tới, nơi các nhà lãnh đạo sẽ tranh luận xem triển vọng của nền kinh tế đã đủ tươi sáng để loại bỏ dần các gói kích thích tiền tệ khủng mà nước này đang áp dụng hay không.
Phát biểu trước Quốc hội ngày 12/3, ông Ueda cho biết mức tiêu thụ với thực phẩm và nhu yếu phẩm hàng ngày đang suy yếu trong bối cảnh giá cả tăng cao hơn. Tuy nhiên, lãnh đạo BoJ nói rằng chi tiêu hộ gia đình của Nhật Bản đang được cải thiện vừa phải nhờ kỳ vọng lương cao hơn trong tương lai.
Khi được một nhà lập pháp hỏi về “những dấu hiệu yếu” gần đây trong tiêu dùng và chi tiêu vốn, ông Ueda nhấn mạnh: “Nền kinh tế Nhật Bản đang phục hồi vừa phải dù một số dữ liệu có vẻ yếu hơn”.
Đánh giá này của lãnh đạo BoJ kém lạc quan hơn một chút so với báo cáo mà cơ quan này phát hành hồi tháng 1, mô tả nền kinh tế Nhật Bản đang phục hồi vừa phải.
Ông Ueda cũng đưa ra một số manh mối về việc BoJ sẽ sớm chấm dứt chính sách lãi suất âm, một chính sách được áp dụng từ năm 2016. Tuy nhiên, ông cho biết có nhiều cách khác nhau để đẩy chi phí vay ngắn hạn lên cao nếu có thể chấm dứt chính sách lãi suất âm.
Theo chính sách hiện hành, BoJ tính phí 0,1% đối với các tổ chức tài chính dự trữ vượt mức gửi tại Ngân hàng Trung ương nhằm khuyến khích họ vay tiền. Chính vì thế, khi trả lãi suất dương cho các khoản dự trữ, điều này sẽ đẩy lãi suất vay qua đêm lên cao. Trong trường hợp lạm phát tăng nhanh và đòi hỏi phải thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa, BoJ có thể điều chỉnh bằng cách tăng lãi suất ngắn hạn thay vì giải phóng lượng trái phiếu khổng lồ đang nắm giữ.
“Chúng tôi đang tập trung vào việc đánh giá xem liệu chu kỳ lạm phát tiền lương tích cực đã thực sự bắt đầu chưa, qua đó đánh giá xem mục tiêu giá cả của chúng tôi có đạt mức bền vững và ổn định hay không”, ông Ueda nói.
Hàng loạt các dữ liệu khác nhau đã được công bố kể từ tháng 1 và BoJ đang tiến hành đánh giá các dữ liệu trong tuần này trước khi đưa ra chính sách tiền tệ phù hợp.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki thì cho biết nước này chưa tới giai đoạn có thể tuyên bố giảm phát đã kết thúc mặc dù có một số diễn biến tích cực như tăng lương cao và mức chi tiêu vốn kỷ lục của các doanh nghiệp.
Nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng ở mức 0,4% hàng năm trong giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 12, ngăn chặn một cuộc suy thoái kỹ thuật trong gang tấc nhưng bị đè nặng bởi tiêu dùng chậm chạp.
Bất chấp những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang yếu hơn, các nhà đầu tư vẫn đặt cược rằng BoJ sẽ chấm dứt chính sách lãi suất âm vào tháng 4 do lạm phát vẫn trên mức mục tiêu 2% và tình trạng thiếu lao động gia tăng khiến nhiều công ty phát tín hiệu tăng lương mạnh.
Các nguồn tin nói với Reuters rằng ngày càng có nhiều nhà hoạch định chính sách của BoJ thậm chí còn ủng hộ ý tưởng chấm dứt lãi suất âm từ ngay trong cuộc họp ngày 18-19/3 do kỳ vọng về việc tăng lương mạnh mẽ trong cuộc đàm phán lương thường niên của năm nay.
Các nhà kinh tế nhận thấy các cuộc đàm phán về lương dự kiến kết thúc vào ngày 13/3 sẽ dẫn đến mức tăng lương trung bình hàng năm khoảng 3,9% cho công nhân tại các công ty lớn, mức tăng lớn nhất trong 31 năm.
Là một phần trong nỗ lực đạt mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững, BoJ hiện để lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% và mức lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức 0%.