Tại Hội thảo “Phân tích tình hình kinh tế Việt Nam 2022- 2023 và tác động đến doanh nghiệp” do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức mới đây, TS Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương nêu ra những cơ hội và thách thức của Việt Nam trong thời kì nền kinh tế toàn cầu đang biến động.
Trong đó, ông đánh giá đây cơ hội cho những doanh nghiệp Việt có thể bước chân ra thị trường thế giới, khẳng định vị thế trên thị trường.
Một nền kinh tế biến động
TS Lê Đăng Doanh cho rằng đại dịch Covid-19 kéo dài cùng các bệnh dịch khác... đã tác động tiêu cực đến tất cả lĩnh vực và bộ phận của nền kinh tế, làm đứt gãy chuỗi giá trị, tạo sức ép nặng nề lên ngành y tế, phúc lợi xã hội và nền kinh tế.
Hơn nữa, khô hạn nắng nóng tại châu Âu và Trung Quốc trong thời gian qua cũng gây thiệt hại lớn cho nông nghiệp, nhất là sản xuất lương thực.
Điều này dẫn tới lạm phát leo thang tại hầu hết quốc gia trên thế giới, giá nhiều mặt hàng lương thực thực phẩm, từ lúa mì, ngũ cốc cho tới thịt và dầu ăn đều tăng mạnh.
Ông cho biết đây là hệ quả của nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm việc giá phân bón và xăng dầu tăng mạnh trong vòng một năm qua và ảnh hưởng của chiến tranh Nga - Ukraine làm giảm mạnh nguồn cung lúa mì từ hai nước này.
Đồng thời, lệnh cấm xuất khẩu lương thực và sự gián đoạn nguồn cung nghiêm trọng từ một số nước như Ấn Độ (cấm xuất khẩu lúa mì), Ukraine (lúa mì, yến mạch, đường...) và Indonesia (dầu cọ) khiến đà tăng giá càng được đẩy mạnh hơn.
Vị nguyên Viện trưởng nhận định trong tương lai gạo có thể là loại lương thực bị cuốn vào cơn sốt này. Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) đã cho thấy giá gạo thế giới âm thầm tăng 5 tháng liên tiếp, đạt mức cao nhất 12 tháng, theo dữ liệu công bố vào tuần trước.
Hiện nay, kinh tế thế giới đang biến động và tăng trưởng rất thấp, Quỹ tiền tệ quốc tế đã 5 lần điều chỉnh tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới và lần nào cũng là điều chỉnh xuống. Gần đây, điều chỉnh xuống mức thấp nhất còn 2,6%.
Tại Việt Nam dù đã kiểm soát được dịch bệnh, song vẫn cần phòng ngừa tái phát, nền kinh tế hồi phục, tái cơ cấu nền kinh tế. Việt Nam đang cố gắng đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 7%/năm, còn Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo có thể đạt 7,5%.
"Nông nghiệp sẽ phải tiếp tục tăng trưởng ổn định 1,75%/năm, là bệ đỡ an toàn cho nền kinh tế Việt Nam", TS Doanh phân tích.
Theo ông, để nông nghiệp phát triển, điều quan trọng nhất là phải sửa Luật đất đai, tạo điều kiện để chuyển sang nông nghiệp quy mô lớn, sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn, có thể cơ giới hóa và sử dụng các công nghệ tưới tiêu hiện đại.
Thách thức hay cơ hội?
Trước những biến động của thị trường, TS Lê Đăng Doanh nhận định đây có thể cơ hội mở ra cho thị trường Việt Nam. Do đó các doanh nghiệp cần phải phối hợp với các cơ quan nghiên cứu để xác định rõ xu hướng thị trường, tìm thấy các cơ hội mới để phát triển doanh nghiệp. Khi có cơ hội phải tranh thủ tận dụng, vì các nước khác cũng đang nhòm ngó những cơ hội tương tự.
Doanh nghiệp thời buổi càng khó khăn thì càng phải nghiêm túc và chắt chiu cơ hội hơn.
TS Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương
Hiện tại, Mỹ đang đánh thuế hàng Trung Quốc lên đến 270%, điều này tạo sức ép cho hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ. Lúc này chính là cơ hội cho doanh nghiệp Việt, nhưng không thể vì thế mà đổ xô vào thị trường mà không có sự kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm với những quy trình chuẩn hóa.
Gần đây, Ấn Độ đã có chính sách cấm xuất khẩu gạo, điều này tạo ra những lợi thế cho Việt Nam. Doanh nghiệp Việt cần phải hợp tác chặt chẽ với các công ty Ấn Độ để xác định xu hướng và nhu cầu thị trường để có thể mở rộng xuất khẩu.
Ngoài ra, việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, có nghĩa là giá trị đồng USD tăng lên. Việt Nam cần phải có sự điều chỉnh thích ứng vì hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam tất cả đều được ký kết bán bằng đồng đô la.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp có thể sử dụng hệ thống nhà lưới, nhà kính để xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao như hoa tươi, trái cây cao cấp sang các nền kinh tế có nhu cầu cao về lĩnh vực này.
Đáng chú ý, kinh tế hộ gia đình hiện nay tại Việt Nam chiếm tỷ trọng cao 32%. Theo ông Doanh các cơ quan địa phương, các hiệp hội phải hợp tác với nhau giúp liên kết các kinh tế hộ gia đình trở thành doanh nghiệp. Những doanh nghiệp này sẽ phát triển có hiệu quả nhờ khoa học công nghệ chứ không phải cò cưa về việc nộp thuế như hiện nay.
Cũng tại hội nghị, ông Đỗ Hà, chuyên gia quản trị doanh nghiệp cho rằng ngoài việc tận dụng cơ hội, các doanh nghiệp cũng cần phải đổi mới mình để không bị lạc hậu, tối ưu hóa những quy trình mình đang làm, thay đổi công nghệ. Đồng thời cần lưu ý một số yếu tố chính như marketing, chất lượng, giá thành, tổ chức và quản lý kinh doanh.
"Tình hình kinh tế của Việt Nam trong 4 tháng cuối năm sẽ tiếp tục biến động và chưa ổn định, vì vậy các doanh nghiệp cần phải theo sát tình hình, liên hệ chặt chẽ với lại các cơ quan nghiên cứu dự báo trước biến động để tìm ra cơ hội cho doanh nghiệp mình", TS Lê Đăng Doanh nhận định.