Giá xăng dầu dự báo diễn biến khó lường, tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và các cân đối lớn của nền kinh tế. Để ứng phó với vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, TS Lương Văn Khôi – Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Ông đánh giá ra sao về biến động của giá xăng dầu trong nước thời gian qua?
Giá xăng dầu trong nước về cơ bản sẽ biến động theo xu hướng của giá dầu thế giới, từ đầu năm đến nay giá xăng dầu thế giới diễn biến tăng giảm bất thường, thị trường trong nước cũng diễn biến theo.
Thống kê từ đầu năm đến nay, giá mặt hàng xăng dầu đã trải qua 23 lần điều chỉnh, trong đó có 15 lần tăng, 8 lần giảm. Hiện, giá dầu diesel và dầu hỏa đã tăng khoảng 7.000 đồng/lít so với đầu năm (tăng 38,12%). Trong khi xăng RON 95 và E5 RON 92 đã giảm về mức tương đương đầu tháng 1/2022.
Hiện giá dầu diesel lên 25.180 đồng/lít; dầu hỏa lên 25.440 đồng/lít. Trong khi giá xăng E5 RON 92 là 23.350 đồng/lít và xăng RON 95 là 24.230 đồng/lít.
Sau kỳ điều hành giá ngày 5/9/2022, giá dầu hỏa và dầu diesel tiếp tục có mức tăng mạnh, đưa mặt hàng này lần đầu tiên trong lịch sử vượt giá xăng trong nước. Việc tăng giá dầu diesel là do hiện nay các nước châu Âu chuyển đổi thay thế nhiên liệu khí đốt của Nga sang sử dụng dầu diesel, khiến nhu cầu tăng cao.
Mỹ đang xuất khẩu ngày càng nhiều dầu diesel sang châu Âu, nhưng khó có thể tăng thêm nguồn cung vì tồn kho trong nước hiện thấp hơn nhiều so với mức trung bình theo mùa, trong khi các nhà máy lọc dầu đã hoạt động gần 100% công suất. Đây là những nguyên nhân khiến giá dầu cao hơn giá xăng.
Hiện giá xăng dầu trong nước được cấu thành bởi những yếu tố nào, thưa ông?
Theo quy định, giá xăng dầu hàng tháng sẽ được điều chỉnh vào ngày 1,11 và 21. Bên cạnh đó, giá xăng dầu trong nước sẽ được điều chỉnh theo các chính sách của nhà nước đối với các yếu tố hình thành trong giá cơ sở tùy theo tình hình cụ thể.
Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu quy định, giá cơ sở xăng dầu được tính trên 4 yếu tố chủ yếu gồm: (1) Giá xăng dầu thành phẩm thế giới; (2) Các khoản chi phí và lợi nhuận định mức; (3) Mức trích lập, chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG); (4) Các khoản thuế.
Hiện tại, các sắc thuế áp dụng đối với mặt hàng xăng dầu và cơ cấu trong giá cơ sở xăng dầu gồm: Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng. Luật phí và lệ phí không có quy định về thu phí, lệ phí đối với xăng dầu.
Theo đó, các yếu tố hình thành trong giá cơ sở xăng dầu = Giá xăng dầu thành phẩm thế giới + Chi phí định mức + Lợi nhuận định mức + Thuế nhập khẩu + Thuế tiêu thị đặc biệt + Thuế bảo vệ môi trường + Trích lập Quỹ bình ổn giá +VAT.
Tình hình kinh tế vĩ mô 8 tháng đầu năm cho thấy, ổn định vĩ mô được giữ vững, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Tuy nhiên, kinh tế thế giới, khu vực vẫn còn những khó khăn, thách thức, nhiều yếu tố mới chưa có tiền lệ, rất khó dự báo đã tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội của nước ta. Trong đó, điển hình là giá xăng dầu, lương thực, thép, phân bón.... thế giới dù đã có dấu hiệu “hạ nhiệt”, nhưng rất khó dự báo, tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước.
Cụ thể, với giả định giá dầu thế giới tăng 40 USD/thùng, cùng với (1) Rủi ro đầu tư tại Nga tăng 4 điểm phần trăm, tại Ukraine tăng 2 điểm phần trăm và tại EU tăng 0,5 điểm phần trăm; (2) Chi tiêu Chính phủ của EU cho các nước ngoài EU tăng 0,5% GDP; (3) Xuất khẩu của Nga và các nước phát triển trong EU giảm 30 điểm % năm 2022 và sau đó tăng về kịch bản cơ sở; (4) Shock tỷ giá RUB trong hai năm 2022 và 2023; (5) Nhập cư từ Nga sang Ba Lan, Đức thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm lần lượt 0,38 điểm % và 0,84 điểm% so với tăng trưởng kinh tế trong trường hợp không có căng thẳng Nga – Ukraine xảy ra (KBCS); lạm phát tại Việt Nam tăng thêm 1,8 điểm % trong năm 2022 và 1,62 điểm % trong năm 2023.
Để giảm áp lực tăng giá xăng dầu đến nền kinh tế trong nước, theo ông chúng ta có nên tiếp tục tiến hành giảm thuế, phí đối với mặt hàng này?
Thực tế thời gian qua, để bình ổn giá xăng dầu trong nước, Nghị quyết 18/2022/UBTVQH15, ngày 23/3/2022 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quy định mức Thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 01/42022 đến hết ngày 31/12/2022 về mức 2.000 đồng/lít đối với xăng (trừ etanol), và dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn về 1.000 đồng/ lít; dầu hoả 300 đồng/ lít.
Nghị định 51/2022/NĐ-CP ngày 08/8/2022 sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng từ 20% về 10% so với trước đây.
Tuy nhiên, giá xăng tăng làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh, qua đó ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp, làm suy giảm sức mua và thu nhập khả dụng của người tiêu dùng, tác động tiêu cực tới thu ngân sách nhà nước và tăng trưởng kinh tế. Theo đó, để giảm áp lực lạm phát do giá dầu cần tính toán các dư địa để tiếp tục giảm thuế, phí trong giá bán lẻ xăng dầu hiện nay.
Cụ thể, nên cân nhắc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) với mặt hàng xăng dầu và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu với xăng dầunhư kinh nghiệm của các nước khi giá xăng dầu trong nước tăng cao. Điển hình như Đức giảm thuế VAT đối với khí đốt tự nhiên từ 19% xuống 7%; Bỉ, Hà Lan giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng dầu; Thụy Điển cắt giảm thuế nhiên liệu cho chủ sở hữu ô tô; Mỹ dừng thu thuế nhiên liệu (tùy từng bang) đến hết tháng 9/2022; Thái Lan bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu diesel và dầu nhiên liệu…
Bên cạnh áp dụng các biện pháp giảm thuế, phí, theo ông để kiểm soát tốt thị trường xăng dầu chúng ta cần thêm những giải pháp gì?
Như Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ vào ngày 04/9/2022, các bộ, cơ quan, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển Kinh tế-xã hội, Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (2022-2023); quán triệt phương châm điều hành những tháng cuối năm “4 ổn định”, “3 tăng cường”, “2 đẩy mạnh”, “1 tiết giảm” và “kiên quyết không” đã được Chính phủ thảo luận trong các phiên họp tháng 6-7/2022; chủ động phương án ứng phó linh hoạt, kịp thời với các tình huống phát sinh; tập trung thực hiện nhanh, hiệu quả các giải pháp căn cơ trong trung và dài hạn để đạt các mục tiêu phát triển 5 năm đề ra. Trong đó có 2 giải pháp có liên quan như sau:
Thứ nhất, theo dõi chặt chẽ, thường xuyên cập nhật, đánh giá tác động của những vấn đề thế giới nổi lên, tình hình lạm phát chung thế giới, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược, chủ động các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát, các cân đối lớn để có phương án ứng phí kịp thời với những tình huống phát sinh; nhận định các mặt hàng có khả năng thiếu hụt tạm thời và trong dài hạn, để có giải pháp điều tiết sản xuất, nguồn cung phù hợp; bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Thứ hai, Bộ Công Thương phối hợp với các địa phương tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp đầu mối, cơ sở phân phối bán lẻ xăng dầu, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, hoạt động không đúng quy định, thiếu hụt xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ.
Cùng với đó, Chính phủ cần yêu cầu doanh nghiệp công khai, minh bạch về giá cả, có các chế tài xử lý nghiêm việc giá các mặt hàng tiêu dùng tăng theo giá xăng dầu không hợp lý. Cần có giải pháp tổng thể đảm bảo nguồn cung xăng dầu (cả trong nước và nhập khẩu), điều tiết hệ thống phân phối, tránh đứt đoạn nguồn cung ảnh hưởng tới đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Kết hợp đồng bộ chính sách tiền tệ, tài khóa và chính sách kiểm soát giá để giảm thiểu tác động đến lạm phát khi triển khai Chương trình phục hồi kinh tế
Ngoài ra, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của một số nước trên thế giới nhằm ứng phó với giá xăng dầu gia tăng, ví dụ các quốc gia EU đưa ra 3 giải pháp, bao gồm: Lưu trữ xăng dầu; tìm kiếm nguồn cung thay thế và cắt giảm thuế . Tại Mỹ cũng tập trung 3 giải pháp như: Xả kho dự trữ để bình ổn giá; khôi phục thoả thuận hạt nhân với Iran và tạm dừng thu thuế nhiên liệu (tuỳ từng bang) đến tháng 9/2022. Trong khi tại Ấn Độ thì tập trung 2 giải pháp là tăng nhập khẩu từ Nga từ 100.000 thùng/ngày từ tháng 2/2022 lên 870.000 thùng/ngày vào tháng 5/2022 và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các nhà sản xuất và lọc dầu, miễn thuế xăng xuất khẩu từ 20/7/2022, giảm thuế đối với dầu thô sản xuất trong nước. Thái Lan nâng dự trữ dầu thô quốc gia từ 4% lên 5% và dự trữ dầu thành phẩm từ 1% lên 2%...
Xin trân trọng cảm ơn ông!