Theo kết quả khảo sát 100 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (Huba) đến hết tháng 2/2023,có đến 83% doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Các yếu tố khó khăn bao gồm: thị trường bị thu hẹp (41,2%); hàng tồn kho nhiều (30,1%); giá nguyên liệu đầu vào tăng (17,6%); khó tiếp cận nguồn vốn (40%); lãi suất vay cao (43%); thủ tục vay vốn phức tạp, tốn nhiều thời gian (38,2%)….
Đối với ngành gỗ, từ đầu năm đến nay, tình hình càng khó khăn hơn và đơn hàng tiếp tục giảm thêm 1/3 so với năm ngoái, thời gian giao hàng cũng kéo dài hơn so với trước.
Công ty TNHH PouYuen VN (thuộc Tập đoàn quốc tế Pouchen Đài Loan) đặt tại TP. HCM có 50.563 người lao động. Mới đây, DN thông báo đến cơ quan chức năng thành phố sẽ cắt giảm 3.000 lao động trong tháng 2/2023, đồng thời không ký lại hợp đồng lao động với 3.000 người có hợp đồng lao động từ 1 - 3 năm. Trước đó, hồi tháng 11/2022, công ty này đã phải sắp xếp cho gần 20.000 công nhân nghỉ luân phiên do tình hình đơn đặt hàng khó khăn.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê mới đây cho thấy, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 2 tháng đầu năm 2023 lên tới 50,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, bình quân một tháng có 25,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Sở Xây dựng TP. HCM cũng công bố trên địa bàn thành phố có 59 sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động, giảm một sàn so với thời điểm giữa tháng 1/2023.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cũng cho biết, số môi giới phải nghỉ việc lên đến hàng chục nghìn người, ước đạt 80% lực lượng. Số lượng doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước, ước lượng gần 1.200 doanh nghiệp.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động 2 tháng đầu năm nay giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước, trong khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 14,5%. Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đều giảm, lần lượt là giảm 13,2%, 10,4% và 16% so với cùng kỳ năm trước.
Điều đáng chú ý là người đứng đầu Bộ KH&ĐT lo ngại doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa thoát khỏi khó khăn về dòng tiền, thanh khoản, trong bối cảnh đáo hạn trả nợ trái phiếu năm 2023 lớn.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ kịp thời, trong đó xây dựng, bổ sung ngay các giải pháp hỗ trợ, nhất là thuế, phí, sớm hoàn thuế giá trị gia tăng cho DN hoạt động sản xuất - kinh doanh.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) chia sẻ với báo chí mới đây cho rằng, chúng ta cần nhìn thực trạng nhiều doanh nghiệp đang mất đơn hàng, cho công nhân nghỉ việc và đặc biệt doanh nghiệp đang khó khăn về vốn. Nếu việt Nam còn có những đánh giá lạc quan về tăng trưởng, về thu ngân sách… thì sẽ không có giải pháp khơi thông, vực dậy được nền kinh tế.
Một số chuyên gia cho rằng, năm 2022 sang năm 2023, kinh tế khó khăn, sự hồi phục chậm trễ và suy giảm rất lớn từ số doanh nghiệp phá sản, thu hẹp hoạt động.
Về đầu tư nước ngoài, theo TS.Cung, Việt Nam vẫn nói điểm sáng, hấp dẫn nước ngoài, nhưng rõ ràng một thực tế là xu hướng giảm vốn đăng ký mới đã 3-4 năm nay.
Để giải quyết bài toán này, TS. Cung cho rằng phải dùng giải pháp thị trường. Đó là tiếp tục miễn giảm thuế cho doanh nghiệp, có tác dụng ngay và đúng quan điểm Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp.
Còn Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn doanh nghiệp kinh doanh nhà ở xã hội thủ tục vay vốn từ gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng; Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch giảm lãi suất vay cho các lĩnh vực ưu tiên là sản xuất, xuất khẩu; Ngân hàng thương mại đẩy mạnh thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%, đồng thời, cho doanh nghiệp, cơ cấu nợ, giữ nhóm nợ.