Chia sẻ lại Hội nghị Định hướng chiến lược kinh doanh trên nền tảng số trong thời kỳ VUCA, TS Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhắc đến những vấn đề vướng mắc và sự kỳ vọng vào bước đi của Nhà nước giúp đỡ nền kinh tế năm 2023 này.
Kỳ vọng đầu tiên mà người dân mong muốn được nhìn thấy là giải ngân vốn đầu tư với con số là 700 nghìn tỷ đầu tư công và 200 nghìn tỷ vượt thu năm ngoái.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, bước đi đầu tiên được hi vọng có sự cải thiện rõ nét là về vấn đề đầu tư công, bởi nếu có sự cải thiện thì tăng được tổng cầu của nền kinh tế, về mặt ngắn hạn sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thực tế 2 tháng đầu năm nay, giải ngân đầu tư công tăng 8,3% kế hoạch và tăng 38% so với năm ngoái. Về mặt kế hoạch thì không tăng nhiều, nhưng về mặt số lượng thì là khá lớn. “Với một tốc độ tăng trưởng như vậy, tôi mong năm nay sẽ có sự cải thiện rõ hơn về vấn đề này.”- TS chia sẻ.
Kỳ vọng tiếp theo là vấn đề thu ngân sách: ngân sách mấy năm luôn tăng thu vượt dự toán mà không chi.
“Bản thân tôi nghĩ rằng việc cần thiết phải làm tiếp theo là giảm, miễn thuế, phí cho doanh nghiệp, người dân; ít nhất kéo dài thời hạn hiệu lực của chương trình hỗ trợ doanh nghiệp theo nghị quyết 43QH.”
Ông Cung chia sẻ, một nghịch lý của nước ta là kinh tế suy giảm, doanh nghiệp khó khăn nhưng thu ngân sách luôn luôn tăng cao và vượt dự toán. Vào 2 tháng đầu năm nay, chúng ta đã thu được 22% dự toán ngân sách – quá cao, có thể đến tháng 3 con số sẽ lên 30% - hơn ¼ dự toán ban đầu.
“Chúng tôi mong rằng chính phủ bớt thu bớt chi, bởi khi làm như vậy, tiền của doanh nghiệp có thể chi tiêu hiệu quả hơn. Từ đó có thể tạo động lực cho doanh nghiệp, làm cho nền kinh tế năng động hơn và và có năng lực cạnh tranh hiệu quả hơn. Có một điều tôi vẫn luôn kiến nghị với Chính phủ là gia hạn gói phục hồi kinh tế cho doanh nghiệp đến năm 2025.”
Về chính sách tiền tệ, TS đưa ra hi vọng rằng Chính phủ có thể điều hành mượt mà và trôi chảy hơn, không có những “giật cục” như năm ngoái, không xảy ra tình trạng thiếu thanh khoản trong nền kinh tế. Năm vừa qua, có một thời kỳ thị trường bị khô cạn về thanh khoản và tín dụng.
Hiện nay, mức tăng tín dụng vẫn nằm ở trong tầm khống chế của Chính phủ và chưa bỏ trần tín dụng đối với từng ngân hàng. “Lãi suất tín dụng cơ bản vào năm nay có thể vẫn ở mức cao; tiếp cận vốn đối với các doanh nghiệp vẫn khó khăn.” – TS thông tin.
Về điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, “tôi hy vọng sẽ trôi chảy hơn, thận trọng hơn; sử dụng công cụ thị trường nhiều hơn là các mệnh lệnh can thiệp hành chính; hy vọng không sử dụng thanh kiểm tra là công cụ hàng đầu đối với doanh nghiệp.”
Mặt khác, ông Cung cũng cho ý kiến rằng sẽ “không có cải thiện nào đáng kể về môi trường kinh doanh, mặc dù trước đây chính phủ luôn có những chương trình cải cách cải thiện về môi trường kinh doanh.” Các rào cản pháp luật đối với đầu tư kinh doanh có thể gia tăng hơn là bớt bỏ. Thêm vào đó, không có ai đồng hành cùng doanh nghiệp trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc đối với đầu tư kinh doanh.
Tóm lại kinh tế sẽ vẫn tiếp tục khó khăn, nguồn cầu bên ngoài giảm chắc chắn sẽ tác động lên sản xuất trong nước, từ đó công nhân sẽ bị giảm hay mất việc. Tiếp cận vốn sẽ được cải thiện hơn, lãi suất cho vay có thể giảm được 1 ít những vẫn nằm ở mức cao.
“Đầu tư công sẽ là một cơ hội, Trung Quốc mở cửa sẽ là một cơ hội, du lịch cũng vậy. Đó những cơ hội của năm 2023, tôi hi vọng những điều này nhanh chóng sẽ trở thành hiện thực.” – TS. Nguyễn Đình Cung cho biết