Trao đổi với MarketTimes, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Nghị định 08 được ban hành với kỳ vọng giải quyết khó khăn của thị trường trái phiếu, nhưng thực chất chỉ giúp một phần nào đó, nói nó là cơn mưa giải khô hạn thì chưa phải.
Tại lần sửa đổi này, Điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/09/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định: Doanh nghiệp không được thay đổi kỳ hạn của trái phiếu đã phát hành.
Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi theo hướng cho phép doanh nghiệp được thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu nhưng phải đảm bảo một số nguyên tắc quy định, trong đó được thoả thuận gia hạn với các nhà đầu tư về trái phiếu trong 2 năm. TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong điều kiện thị trường đang phát triển, nếu nhà phát hành và nhà đầu tư đều đồng thuận thì đây là điều lý tưởng.
Tuy nhiên, TS. Hiếu đặt vấn đề, nếu nhà phát hành không trả đúng hạn mà đợi thêm 2 năm, sẽ có nhiều nhà đầu tư không đồng ý. Bởi với năng lực của doanh nghiệp hiện tại không trả được thì liệu 2 năm nữa có trả được không. Hơn nữa, nhà đầu tư mua trái phiếu được đảm bảo bằng tài sản thì không biết tài sản đó khi đến ngày đáo hạn giá trị sẽ hao hụt như thế nào?
“Tôi cho rằng, đây là giải pháp không thực tế. Trừ trường hợp có một Nghị định riêng của Chính phủ về chương trình hoãn nợ quốc gia, yêu cầu hoãn tất cả trái phiếu đến hạn trả nợ trong 2 năm. Trong vòng 2 năm đó các nhà đầu tư không đưa ra toà để yêu cầu toà mở thủ tục phá sản. Còn nếu để hai bên đàm phán, sẽ có nhà đầu tư không đồng ý chấp nhận trước yêu cầu của nhà phát hành, họ lo ngại vì giờ này không trả cho nhà đầu tư thì 2 năm nữa có trả được cho nhà đầu tư không”, TS. Hiếu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, quy định nếu hai bên đàm phán với nhau, cho phép nhà phát hành trái phiếu trả bằng tài sản khác, TS. Hiếu cho rằng điều này không có gì mới mẻ. Nhà phát hành không trả bằng tiền thì trả bằng hiện vật, và pháp luật không bắt buộc người trả nợ chỉ trả bằng tiền mặt.
Nghị định 08/2023/NĐ-CP nêu rõ, ngưng hiệu lực thi hành đối với các quy định tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP đến hết ngày 31/12/2023: Đó là xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân tại điểm d khoản 1 Điều 8 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP được sửa đổi tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP.
Đồng tình với nội dung sửa đổi này, theo TS. Hiếu, cần cẩn trọng điều này dễ đưa thị trường trái phiếu vào cuộc khủng hoảng. Vì nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia theo phong trào, không có khả năng phân tích từng mã trái phiếu. Đây là bài học từ vụ Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát. Nhà đầu tư cá nhân cứ đổ tiền ào ạt vào đó. Nghị định 65 siết lại điều kiện để trở thành nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, nhưng bây giờ lại mở ra. Việc siết lại để giảm rủi ro, nhưng thấy khó khăn lại mở ra. “Đồng ý tháo gỡ khó khăn, nhưng nó lại tăng tính rủi ro cho nhà đầu tư cá nhân và cho cả thị trường”, TS. Hiếu chia sẻ.
Đối với quy định rời xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp đến năm sau, chưa đồng tình với nội dung này, TS. Hiếu nhìn nhận, giải pháp để mở thị trường đáng lý mở đầu này, siết chặt lại đầu kia. Đầu xếp hạng tín nhiệm phải siết lại. Có nghĩa là thay vì rời lại cho đến sang năm, thì tất cả các trái phiếu từ nay trở đi, bất kể lô nào cũng phải xếp hạng.
“Nghị định 08 này không những không giải quyết được vấn đề mà lại còn tăng tính rủi ro. Tại thời điểm làm sao xây dựng lại niềm tin cho nhà đầu tư là quan trọng, nhưng Nghị định này không tăng thêm niềm tin mà còn gây bất an hơn cho nhà đầu tư”, TS. Hiếu nói.