“Đằng sau thị trường bất động sản là doanh nghiệp, là hàng vạn người lao động, là hiệu ứng lan tỏa tới hàng chục ngành nghề và cũng là cơ sở để đảm bảo cho ổn định kinh tế vĩ mô. Chúng ta thận trọng nhưng cũng không thể để nền kinh tế bị lạnh trong thời điểm cần phải nóng”, TS Trần Đình Thiên góp ý cho động lực quan trọng của tăng trưởng là bất động sản (BĐS).
Lo ngại cấu trúc vốn bị đóng băng, nền kinh tế “ngạt thở”
- Trong suốt thời gian qua, doanh nghiệp và cả người mua đều lên tiếng về việc không thể tiếp cận vốn để mua nhà hay phát triển dự án BĐS sau động thái siết tín dụng của các ngân hàng. Hậu quả, nhiều doanh nghiệp đang phải chọn cách “nằm im”, thị trường bước đầu có dấu hiệu chững thanh khoản. Ở góc độ kinh tế, tình hình thực tế đáng lo ngại ra sao, thưa ông?
- Thị trường đúng là đang rất khó khăn. Từ việc siết tín dụng BĐS, điều tôi lo lắng là nền kinh tế bị chôn vốn ở hệ thống tín dụng. Tức là không chỉ các doanh nghiệp kinh doanh, phát triển BĐS khó khăn mà ngay cả hệ thống ngân hàng cũng “gay go” khi cả cấu trúc vốn không lưu thông được.
Có thể thấy, cách đây một vài tháng, khu vực kinh tế tư nhân rất sôi động nhưng hiện tại thì trái ngược. Chúng ta không thể thắt chặt nền kinh tế theo cách “ngạt thở” như vậy vì hậu quả là rất lớn.
Hai năm dịch bệnh đã cho chúng ta nhiều bài học, trong đó đặc biệt là việc không được tạo ra sự đứt gãy chuỗi kinh tế. Chúng ta đều nghe câu chuyện xử phạt người dân ra đường mua bánh mì vì bánh mì không có trong danh mục hàng thiết yếu rồi. Một ví dụ đó để có thể thấy, nền kinh tế đã phản ứng ra sao khi dòng lưu thông hàng hóa thiết yếu bị chặn đứng.
Trong nền kinh tế thị trường, mọi thứ, từ hàng hóa, lao động tới vốn cần được lưu thông liên tục. Đặc biệt, tiền giống như mạch máu của nền kinh tế, dừng lưu thông là ngân hàng và cả nền kinh tế có thể rơi vào cảnh đóng băng, rất nguy hiểm.
- Có thể hiểu là chúng ta cần khơi thông dòng vốn cho BĐS để mạch máu nền kinh tế được lưu thông. Thế nhưng, trong bối cảnh bất ổn hiện tại, điều nhiều người nghĩ tới là sự ổn định kinh tế vĩ mô, thay vì đổ tiền vào phát triển thị trường BĐS?
- Việc tách riêng ổn định kinh tế vĩ mô và một cấu phần của nền kinh tế như BĐS là phiến diện. BĐS phải được nhìn nhận theo nghĩa là cơ sở để đảm bảo cho sự ổn định vĩ mô và là động lực tăng trưởng. Đây là lĩnh vực đang đóng góp khoảng 10% GDP. Quan trọng hơn, cần nhớ rằng, sau lưng BĐS là hàng vạn lao động, với hiệu ứng lan tỏa tới khoảng 40 ngành nghề, cả trực tiếp lẫn gián tiếp.
Nền kinh tế thời điểm hiện tại giống như trải qua “trận ốm” từ 2 năm Covid-19. Như một cơ thể, nếu không khỏe mạnh thì làm sao chúng ta có sự ổn định? Bởi thế, mọi nguồn lực thời điểm này đều quý giá và tăng trưởng ở bất kì lĩnh vực nào đều mang lại sức khỏe và sự ổn định cho kinh tế vĩ mô.
“Tình thế bất thường phải có giải pháp khác thường”
- Nhưng, ở góc độ điều hành, chúng ta phải cân đối ra sao giữa khơi thông dòng vốn cho thị trường BĐS và lo ngại về “đám mây” lạm phát đang phủ bóng lên thế giới?
- Chỉ số CPI bình quân lũy kế 6 tháng đầu năm là 2,44% so với năm ngoái, thấp hơn so với mục tiêu 4% mà Chính phủ đặt ra. Rõ ràng, chúng ta đang thận trọng và đang kiểm soát lạm phát ở mức thấp, thậm chí rất thấp. Tuy nhiên, mức lạm phát thấp này cũng đồng nghĩa nền kinh tế đang có dấu hiệu “bị lạnh” trong khi đây là thời điểm đáng ra phải nóng lên để phục hồi hậu Covid-19.
Vì sao chúng ta không chủ động nới mục tiêu lạm phát lên, có thể là 5-6%, để có cách tiếp cận mạnh dạn hơn trong việc bơm tiền cho thị trường?
TS Trần Đình Thiên
- Cụ thể, chúng ta phải hâm nóng thị trường bằng cách nào, thưa ông?
- Điều cần làm lúc này là “bơm máu” cho các doanh nghiệp BĐS, cho nền kinh tế.
Chúng ta lo lắng lạm phát hay lo doanh nghiệp, người lao động bị “đánh gục”? Vì sao chúng ta không chủ động nới mục tiêu lạm phát lên trong bối cảnh hiện tại, có thể là 5-6%, để có cách tiếp cận mạnh dạn hơn trong việc bơm tiền cho thị trường?
Việt Nam đang đứng trước thách thức không nhỏ bởi một nền kinh tế có độ mở cao, thực lực chưa mạnh và chịu ảnh hưởng lớn từ nước ngoài. Muốn phục hồi, thậm chí là nắm cơ hội bứt phá, ta phải có động thái tích cực hơn. Trong tình thế bất thường, ta phải nhìn ra những giải pháp khác thường. Đó mới là cách đặt vấn đề đứng trên lập trường của người lao động, của nền kinh tế và đất nước.
- Theo ông, với tín dụng bất động sản, gốc rễ của việc kiểm soát ở đâu để đảm bảo thị trường này và rộng hơn là hàng chục lĩnh vực, cũng như nền kinh tế không bị rơi vào cảnh sa lầy?
- Cũng giống như trái phiếu doanh nghiệp, tín dụng BĐS cần được đảm bảo nguyên tắc vận động, đó là xác định đối tượng được vay vốn theo uy tín từng đơn vị, chất lượng dự án, điều kiện bảo lãnh... Đơn cử như những dự án có năng lực tốt, đảm bảo tiến độ thì cần được huy động vốn để triển khai.
Đây là nguyên tắc chung trên thế giới chứ không riêng Việt Nam và chúng ta chỉ cần thực hiện đúng thì tự khắc thị trường sẽ được giải tỏa, từ đó phát triển.