Ellie Diop, nữ doanh nhân đang sinh sống tại Los Angeles (Mỹ) là người hiểu rõ cảm giác phá sản sẽ như thế nào. Sau khi ly hôn và bị sa thải khỏi công việc có thu nhập 6 con số vào đầu năm 2020, cô phải đem 4 đứa con trở về sống với mẹ. Diop đối mặt với thực tế cô đang sống nhờ phúc lợi xã hội, trong túi hầu như không còn tiền.
Người phụ nữ này nhận ra dù trước đó thu nhập của cô khá cao, nhưng những thói quen xấu về tiền bạc đã khiến cô rơi vào điểm tuyệt vọng về tài chính. Dù không dễ dàng, Diop quyết định phải học cách từ bỏ chúng và dùng tiền hỗ trợ Covid-19 để bắt đầu công việc kinh doanh mới của mình.
Diop mở công ty cung cấp dịch vụ hỗ trợ các doanh nhân mở rộng quy mô kinh doanh bằng digital marketing. Công ty mới của cô có doanh thu 1 triệu USD (~23 tỷ đồng) chỉ trong vòng 10 tháng đầu tiên. Điều này càng làm cô biết ơn những ngày túng quẫn đã giúp cô nhận ra 4 sai lầm về tiền bạc suốt nhiều năm trước của mình.
1. Không có ngân sách
Nếu bạn kiếm được nhiều tiền nhưng không biết quản lý nó hợp lý, bạn hoàn toàn có thể phá sản. Điều này chính là những gì đã xảy ra với Diop. Cô có một công việc với thu nhập hàng trăm nghìn USD nhưng không tích lũy được tài sản nào vì thói quen tiêu xài hoang phí.
"Tôi kiếm được tiền, nhưng chưa bao giờ có cảm giác mình có tiền vì tôi chẳng có một ngân sách nào cả", Diop nói.
Ý tưởng khởi nghiệp đã thôi thúc Diop cần biết sắp xếp tiền của mình, tạo ra ngân sách để thấy rõ tiền đang được tiêu cho chi phí cá nhân hay kinh doanh. "Tôi nhận ra rằng không có cách nào để đạt được thành công nếu không bắt đầu tìm cách lập ngân sách và quản lý tiền của mình", bà mẹ 4 con bộc bạch.
Diop bắt đầu thường xuyên in sao kê ngân hàng để đánh dấu những khoản chi tiêu quan trọng và bắt đầu triển khai ngân sách từ con số 0. Với việc lập ngân sách dựa trên số không, thu nhập của bạn trừ đi số tiền bạn chi tiêu và tiết kiệm mỗi tháng bằng không. Bạn đặt chi tiết từng đồng tiền vào một mục đích trong suốt tháng, chi tiêu, tiết kiệm, trả nợ hoặc đầu tư.
Ellie Diop cũng phân rõ một thẻ ngân hàng để dùng cho chi phí hàng ngày, một thẻ dành cho con cái và một thẻ cho những trường hợp khẩn cấp, cùng một số thẻ khác. Cô gợi ý những người đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát chi tiêu nên dùng cách này. “Nếu thẻ đó về 0, vậy là xong. Tôi không thể chi tiêu quá mức vì không còn gì trong thẻ,” Diop nói.
2. Không có khái niệm đầu tư
Biết cách quản lý tiền của bạn không chỉ là tiết kiệm mà còn bao gồm cả đầu tư. "Tôi đã không tin vào việc đầu tư. Tôi từng nghĩ tốt hơn hết là để tiền vào tài khoản tiết kiệm thôi", nữ doanh nhân cho biết.
Chỉ đến khi Diop gặp một chuyên gia tài chính vào đầu năm 2021, cô mới nhận được một "lời cảnh tỉnh lớn" và nhận ra đầu tư mới giúp sinh lời. Người phụ nữ này bắt đầu bằng việc đầu tư vào các quỹ chỉ số, điều được hầu hết các chuyên gia đề xuất vì chúng giúp đa dạng hóa các khoản đầu tư trên nhiều tài sản trong một danh mục. Diop khuyên bạn rằng không bao giờ quá muộn để bắt đầu với việc đầu tư và tiết kiệm cho tương lai của mình.
3. Có lối tư duy tiêu cực về tiền bạc
Diop từng tin rằng phá sản chỉ là việc không có đủ tiền để mua thứ cô muốn. Nhưng khi nhận ra tư duy của mình mới là vấn đề, Diop tự hỏi bản thân niềm tin về tiền bạc và cách chúng ảnh hưởng đến quyết định tài chính của cô.
"Tôi thiếu tư duy về tài chính. Tôi chỉ nghĩ tiền rồi sẽ tiêu hết thay vì nghĩ tiền có thể đẻ ra tiền nhờ đầu tư và sử dụng đúng cách", Diop nói.
Điều này là do từ nhỏ cô chưa được giáo dục về cách quản lý tài chính vậy nên Diop luôn có nỗi sợ xung quanh tiền bạc. Cô chưa từng được học về những thứ như lập ngân sách hay tiết kiệm hiệu quả. Nhưng Diop biết đã đến lúc mình cần đặt ra những mục tiêu tài chính cụ thể để trở thành một doanh nhân.
4. Không đầu tư cho con cái
Trong quá trình đầu tư, Diop nhanh chóng biết rằng thời gian trên thị trường quan trọng hơn thời điểm trên thị trường. Bạn để tiền của mình trên thị trường chứng khoán càng lâu thì nó càng có nhiều thời gian để tích lũy và xây dựng sự giàu có.
Nhận ra điều này, cô bắt đầu mong muốn đầu tư cho những đứa con của mình từ khi chúng còn nhỏ. Cô cho chúng học về cách quản lý tiền bạc và tiếp xúc với kiến thức về đầu tư. Diop cũng trả cho những đứa trẻ một khoản tiền 250-500 USD/tháng để chúng làm những công việc văn phòng, sau đó Diop dùng số tiền đó để đầu tư.
"Số tiền hiện có thể không phải của các con, nhưng trong tương lai nó sẽ giúp chúng rất nhiều. Đến những năm 30 tuổi, các con tôi sẽ trở thành triệu phú".