CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC, mã CK VDS) đã công bố báo cáo KQKD quý 3/2022 với doanh thu hoạt động đạt 186 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do doanh thu hoạt động tự doanh sụt giảm.
Cụ thể, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt hơn 20 tỷ đồng; giảm 63% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguồn: BCTC riêng quý 3/2022 VDSC
Trong cơ cấu doanh thu, thu từ môi giới chứng khoán giảm 21% còn 62 tỷ đồng. Ngược lại, hoạt động cho vay (margin và ứng trước) ghi nhận doanh thu tăng 8% lên mức 84 tỷ đồng.
Trái ngược với đà giảm doanh thu, chi phí hoạt động lại gia tăng gần 20% đạt mức 133 tỷ đồng so với cùng kỳ. Lỗ tài sản FVTPL ghi nhận tăng mạnh 145% lên hơn 27 tỷ đồng chủ yếu do cắt lỗ bán các tài sản tài chính FVTPL tới gần 21 tỷ đồng.
Thêm vào đó, chi phí tài chính VDSC trong quý 3 gấp 10 lần cùng kỳ đạt 3 tỷ đồng; chi phí quản lý công ty chứng khoán tăng mạnh hơn 37% lên mức 33 tỷ đồng.
Kết quả, VDSC báo lãi trước thuế đạt hơn 25 tỷ đồng, giảm gần 73%; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 24 tỷ đồng; giảm tới 67% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo giải trình, công ty cho biết LNST quý 3 giảm mạnh so với cùng kỳ do những diễn biến không thuận lợi của thị trường chứng khoán đã ảnh hưởng không tốt đến kết quả kinh doanh của Rồng Việt trong kỳ. VN-Index kết thúc quý 3 giảm 24,51% so với cuối 2021, thanh khoản cũng sụt giảm mạnh giảm gần 40% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư tự doanh và hoạt động kinh doanh môi giới của công ty.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, VDSC thu về gần 625 tỷ đồng tổng doanh thu hoạt động, giảm 15% cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận trước và sau thuế ghi nhận con số âm lần lượt là 111 tỷ đồng và 105 tỷ đồng; trong khi cùng kỳ năm trước lãi lớn. Sự sụt giảm này chủ yếu do khoản lỗ kỷ lục gần 280 tỷ đồng trước thuế trong quý 2/2022.
Dư nợ cho vay margin của VDSC tại thời điểm 30/9/2022 đạt 2.765 tỷ đồng xét theo giá trị hợp lý, tăng 26% so với thời điểm đầu năm.
Tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản của VDSC đã tăng 24% so với đầu năm lên gần 4.990 tỷ đồng. Trong đó, các khoản FVTPL có giá trị hợp lý gần 955 tỷ đồng tăng 64% so với đầu năm chủ yếu do sở hữu mới 104 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi. Đồng thời, khoản đầu tư trái phiếu cũng tăng nhẹ 13% lên hơn 278 tỷ đồng, trong đó trái phiếu chưa niêm yết chiếm tỷ trọng 97%.
Đáng chú ý, danh mục cổ phiếu của VDSC có giá trị ghi sổ khoảng 800 tỷ đồng với những cổ phiếu niêm yết có tỷ trọng lớn nhất trong danh mục bao gồm: DBC, TCB, CTG, HPG, ACB, HSG,…Công ty đang tạm ghi lỗ đầu tư cổ phiếu hơn 227 tỷ đồng tại thời điểm 30/9 với 224 tỷ đồng tạm lỗ từ các cổ phiếu niêm yết. Cụ thể, VDSC tạm ghi lỗ DBC khoảng 52 tỷ đồng, TCB và CTG tạm lỗ lần lượt khoảng 41 tỷ đồng và 35 tỷ đồng.
Năm 2022, VDSC lên kế hoạch tổng doanh thu 1.194 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế khoảng 504 tỷ đồng. Với kết quả đạt được sau 9 tháng, công ty thực hiện hơn 52% mục tiêu doanh thu và chưa có lãi.