Ăn uống healthy là việc sử dụng những món ăn từ nguyên liệu tự nhiên, đủ các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết, không sử dụng chất bảo quản, tối giản quá trình chế biến và hạn chế dùng gia vị.
Những người theo chế độ ăn này có thể giảm cân một cách an toàn cũng như duy trì cân nặng bạn muốn.
Để theo chế độ ăn này, bạn có thể lựa chọn đặt qua các nhà cung cấp trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử... hoặc tự nấu. Một thách thức khác của việc ăn uống healthy là duy trì chế độ này thời gian dài.
Suất ăn phù hợp với người thu nhập khá
Thị trường hiện có rất nhiều bếp ăn online và nhà hàng phục bữa ăn được thiết kế dành riêng cho người thích ăn uống healthy. Những địa điểm này thường cung cấp combo đa dạng theo tuần (5 đến 6 ngày) hoặc theo tháng (20 đến 24 ngày) dựa trên khẩu phần ăn và nhu cầu của khách hàng.
Tùy theo nguyên liệu và dịch vụ của bếp ăn, giá cả cũng khác nhau. Trung bình combo theo tuần dao động từ 400.000 đồng (khoảng 5 bữa/tuần) đến hơn 1 triệu đồng (khoảng 10 bữa/tuần). Thông thường, các bếp ăn ít cung cấp bữa lẻ. Nếu có, khách hàng chủ yếu trên các sàn thương mại điện tử, giá dao động từ 50.000 đồng đến hơn 100.000 đồng/suất.
Nguyễn Hồng Việt (33 tuổi, huấn luyện viên thể hình tại Hà Nội) cho biết trước đây, anh thường đặt cơm healthy để ăn cho tiện lợi. Mỗi suất cơm giá từ 75.000 - 95.000 đồng, chưa bao gồm phí ship.
"Tôi từng mua suất cơm healthy với giá hơn 50.000 đồng, khẩu phần có một bát cơm từ gạo lứt, rau hấp, 2 quả trứng luộc. Mức giá khá cao so với những món ăn này. Suất cơm phù hợp với người có thu nhập khá, ổn định hơn là sinh viên", anh Việt Nói.
Đồng quan điểm, Cao Vĩnh Khang (22 tuổi, huấn luyện viện thể hình tại TP.HCM) cho rằng những ai chọn theo chế độ ăn này thường có thu nhập ở mức khá vì giá thành không rẻ. Đến nay, anh đã theo chế độ ăn healthy được 4 năm. Tuy nhiên, Khang thường tự nấu tại nhà để giảm bớt chi phí cho việc ăn uống.
Mong muốn bữa ăn lành mạnh, ít dầu mỡ hơn nên chị Minh Nguyệt (29 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) cũng thường đặt cơm healthy qua các sàn thương mại điện tử cho bữa trưa tại nơi làm việc. Mỗi suất ăn của chị thường dao động 75.000-90.000 đồng.
Với chị Nguyệt đây là chi phí khá hợp lý vì thực phẩm cho các suất ăn dạng này khá đắt. Các suất ăn khác như bún, phở, cơm văn phòng giá hiện cũng 50.000-60.000 đồng. Tuy nhiên, nhiều món không đủ các thành phần dinh dưỡng, chủ yếu là tinh bột và đạm, ít chất xơ, vitamin từ rau củ.
Tự nấu cơm healthy để tiết kiệm tiền
Để tiết kiệm hơn, Hồng Việt quyết định tự nấu ăn tại nhà. Khi tự nấu, anh cho biết chi phí giảm xuống chỉ còn 1/2.
"Với thể trạng nam giới, vận động nhiều, tôi phải ăn 2 suất cơm mới đủ no nếu đặt mua ở ngoài. Như vậy, mỗi ngày, chi phí dành cho việc ăn uống khá cao, có những thời điểm công việc quá bận, không thể tự nấu, tôi phải đặt cơm ngoài hoàn toàn nên tiêu tốn hàng chục triệu đồng. Khi tự nấu, tôi có thể tiết kiệm 4-5 triệu đồng mỗi tháng", Hồng Việt cho hay.
Theo anh Việt, suất cơm healthy mua sẵn phù hợp với dân văn phòng hơn là những người thường xuyên phải vận động hay chơi thể thao nhiều.
Vĩnh Khang cũng chọn tự nấu tại nhà vì mua sẵn suất ăn bên ngoài không hợp khẩu vị và thường phải thay đổi nhà cung ứng.
Theo Vĩnh Khang, chi phí cho việc nấu ăn healthy của mình khoảng 2,5-3 triệu đồng/tháng. Nếu đặt mua sẵn giá khoảng 3-4 triệu đồng. Tuy nhiên, khách hàng chỉ nhận được 2 suất ăn mỗi ngày. Lượng thức ăn cũng không đủ no, đặc biệt với nam giới do đa số là rau củ, thịt ở mức vừa phải, không nhiều.
Hiền (22 tuổi, TP.HCM, chủ kênh Tuki Eatclean) cho rằng việc nấu ăn tại nhà rẻ hơn ăn ngoài vì có thể chủ động chọn nguồn thực phẩm, thay thế cho các thực phẩm healthy hay rau củ organic giá cao hơn. Cô cũng ưu tiên mua nguyên liệu có giá phải chăng tại các siêu thị bình thường và không phải 100% đồ organic.
Với Nguyễn Ánh Nguyệt, chủ một kênh YouTube về nấu ăn, chia sẻ video ghi lại quá trình tự nấu ăn theo chế độ này trong vòng một tuần.
Cô nhận lại kết quả khá bất ngờ. Ánh Nguyệt tốn khoảng 700.000 đồng/tuần, chia ra là 100.000 đồng/ngày cho việc ăn uống.
"Tôi thấy con số này khá hợp lý và xứng đáng vì được lựa chọn, tự tay nấu món ăn mình thích, đảm bảo được sức khỏe và có thể giảm cân", Ánh Nguyệt nói.
Khó duy trì được lâu vì "ngán"
Anh Nguyễn Hồng Việt cho hay sau hơn 2 tháng tự nấu ăn theo phong cách healthy đã dừng lại vì "ngán".
"Tôi thích nấu ăn nhưng không duy trì được chế độ ăn này lâu dài vì thực đơn khó phong phú, món ăn không hợp khẩu vị do gia vị bị hạn chế. Điều này khiến tôi khá stress dù chúng tốt cho sức khỏe. Tôi quay lại nấu các món ăn như thông thường. Tuy nhiên, thực đơn của tôi vẫn theo nguyên tắc cân bằng các thành phần dinh dưỡng, không quá nhiều dầu mỡ...", anh Việt chia sẻ.
Theo Cao Vĩnh Khang, những ngày đầu theo chế độ ăn này gặp khá nhiều khó khăn như không biết ăn bao nhiêu là đủ, rập khuôn trong cách chế biến.
"Tôi ăn đến hết tháng đầu là ngán. Lúc đó, tôi chỉ có cảm giác như đang 'nhai' thôi, chứ không phải ăn. Sau này tìm hiểu kỹ hơn cùng với sự kiên trì, tôi chọn lọc thực phẩm, cách chế biến để phù hợp với khẩu vị hơn", Vĩnh Khang nói.
Tương tự, chị Minh Nguyệt cho rằng nếu ăn nhiều ngày liên tục sẽ rất khó duy trì. Một tuần, nữ nhân viên văn phòng này chỉ dành khoảng 2 ngày ăn cơm heathy để "đổi gió".
Với kinh nghiệm làm huấn luyện viên thể hình 7 năm, Nguyễn Hồng Việt cho rằng ngoài chú trọng đến chế độ ăn uống, mọi người cũng cần kết hợp với tập thể dục để tăng sức khỏe và khả năng miễn dịch, chống chọi lại với các tác nhân gây bệnh.
Huấn luyện viên này cũng khuyên mọi người không nên chạy theo các trào lưu ăn kiêng không phù hợp. Đồng thời, bạn cần lắng nghe nhu cầu của cơ thể, thay đổi thói quen xấu, ăn uống lành mạnh hơn.