Thị trường AI lớn thứ 2 thế giới
Báo cáo của Deloitte chỉ ra từ năm 2015 đến năm 2020, định giá thị trường của lĩnh vực AI đã tăng với tốc độ 44,5% ở Trung Quốc, so với 22,6% trên toàn cầu. Một báo cáo khác của Accenture cho biết Trung Quốc đã trở thành thị trường AI lớn thứ hai thế giới, chiếm 12% nền kinh tế AI toàn cầu trong năm 2019.
Năm 2019, Trung Quốc lần đầu tiên vượt qua Mỹ về số đăng ký bằng sáng chế liên quan đến AI với khoảng 110.000 đơn. Nước này cũng đang vươn lên dẫn đầu về số nghiên cứu khoa học liên quan đến lĩnh vực này, trong khi các ứng dụng thương mại cũng đang bùng nổ tại quốc gia tỷ dân, kết hợp cả phần cứng, phần mềm và robot tự động hóa.
Kể từ năm 2017, AI ở Trung Quốc đã được tích hợp sâu rộng vào các hoạt động sản xuất, tài chính, thương mại và các lĩnh vực khác để giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trong bản phác thảo của kế hoạch 5 năm lần thứ 14, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã đề cập đến các công nghệ liên quan đến AI là “lĩnh vực cốt lõi cơ bản”.
Cũng trong năm này, Trung Quốc công bố "Kế hoạch phát triển trí tuệ nhân tạo thế hệ tiếp theo", một "bản thiết kế" vạch lộ trình đưa nước này lên vị thế dẫn đầu với một ngành công nghiệp AI trị giá 150 tỷ USD.
Bước đi quan trọng của kế hoạch này chính là vốn đầu tư. Vào thời điểm tung ra kế hoạch, Trung Quốc đã chiếm tới 48% tổng vốn đầu tư vào các start-up thuộc lĩnh vực này trên toàn cầu, so với 38% của Mỹ.
Năm 2016, hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc - Baidu đã cho ra mắt PaddlePaddle, nền tảng deep learning mã nguồn mở đầu tiên ở Trung Quốc. Với nền tảng này, các nhà phát triển AI ở mọi cấp độ có thể tìm các công cụ, dịch vụ và tài nguyên cần thiết để phục vụ nghiên cứu và phát triển sản phẩm.
Ra mắt vào năm 2016, đã có hơn 4 triệu nhà phát triển đã tạo ra 476.000 mô hình sử dụng nền tảng PaddlePaddle và phục vụ hơn 157.000 doanh nghiệp và hàng chục ngành công nghiệp.
Từ dịch vụ taxi không người lái
Ông Robin Li, Giám đốc Điều hành Baidu Trung Quốc cho biết, ông hình dung AI sẽ trở thành yếu tố thiết yếu đối với mọi ngành trong tương lai như giao thông thông minh ứng dụng AI để tối ưu hóa các luồng giao thông. Ông Li tin rằng những hệ thống tương tự sẽ trở thành một trong những đổi mới có ảnh hưởng nhất trong vòng 10 - 40 năm tới.
Bên trong xe taxi không người lái của Apollo Go. Ảnh: AutoJosh
Trong hệ thống giao thông thông minh của Baidu, AI được tích hợp với các công nghệ tiên tiến khác như 5G và điện toán đám mây. Theo SCMP, chỉ trong quý 3/2021, nền tảng dịch vụ taxi không người lái Apollo Go của Baidu đã cung cấp 115.000 chuyến đi và trở thành nhà cung cấp dịch vụ xe tự lái lớn nhất thế giới. Baidu có kế hoạch mở rộng dịch vụ này ở 65 thành phố vào năm 2025 và 100 thành phố vào năm 2030.
Cho đến công tố viên AI, ứng dụng bạn ảo, robot…
Theo báo Bưu điện Hoa Nam, cuối tháng 12/2021, sau được Viện Kiểm sát Nhân dân Phố Đông Thượng Hải chế tạo và thử nghiệm, “công tố viên” AI có thể đưa ra các cáo buộc với độ chính xác hơn 97% dựa trên những mô tả bằng lời về vụ việc.
Giáo sư Shi Yong, Giám đốc phòng thí nghiệm quản lý tri thức và dữ liệu của Học viện Khoa học Trung Quốc, cho biết công nghệ này có thể giúp giảm khối lượng công việc hàng ngày của các công tố viên, cho phép họ tập trung vào những nhiệm vụ khó khăn hơn.
Công tố viên AI có thể đưa ra cáo buộc có độ chính xác hơn 97%. Ảnh: Mashable SEA
Giáo sư Shi chia sẻ trên tạp chí Management Review: “Cỗ máy này có thể thay thế các công tố viên đưa ra quyết định ở một mức độ nhất định”.
Năm 2014, ứng dụng bạn ảo XiaoIce được ra mắt, phát triển dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Trên thế giới, có tới 660 triệu người sử dụng XiaoIce, riêng tại Trung Quốc là 150 triệu người. XiaoIce thu hút người dùng bằng các cuộc trò chuyện đáp ứng nhu cầu cảm xúc mà họ cảm thấy thiếu trong cuộc sống.
Nhân vật AI trên ứng dụng kết bạn ảo XiaoIce. Ảnh: XiaoIce
Ông Li Di, Giám đốc điều hành ứng dụng XiaoIce cho biết: "Người dùng cảm thấy rất thật với những trải nghiệm tương tác với trợ lý ảo. AI có thể không thông minh và nhạy cảm bằng con người, tuy nhiên, máy móc có thể tập trung lắng nghe và trả lời người dùng trong một khoảng thời gian rất dài so với con người".
Không chỉ có ứng dụng phát triển dựa trên AI, Trung Quốc cũng phát triển nhiều robot với công nghệ này để phục vụ đời sống hàng ngày. Điển hình như AlphaDog, chú chó robot được tích hợp các cảm biến và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Theo công ty công nghệ Weilan, AlphaDog có thể lắng nghe, quan sát môi trường xung quanh, thậm chí còn có thể đi dạo cùng chủ nhờ vào ứng dụng AI.
AlphaDog có thẻ cảm biến và điều chỉnh độ cao của cơ thể phù hợp với môi trường. Ảnh: Dailysabah
Chia sẻ về AlphaDog, ông Mã Kiệt, giám đốc công ty Weilan khẳng định rằng: “Nó thực sự giống như một chú chó thật.” Là một chuyên gia nghiên cứu phương pháp học tăng cường tại Đại học Oxford, một công nghệ AI củng cố hành động thông qua phần thưởng và hình phạt, ông Mã Kiệt đã sử dụng công nghệ này nhằm tạo cho AlphaDog có thói quen huấn luyện tương tự như những chú chó thật.
Chuyên gia Kai-Fu Lee cho biết: "Sẽ phải mất nhiều năm để các tầm nhìn tương lai về robot và AI được hiện thực hóa. Nhưng Trung Quốc đang đặt nền móng để trở thành người dẫn đầu, không chỉ nhờ vào số lượng mà cả mức độ thông minh của các AI này".