Nội dung chính:
- Thái Lan vẫn giữ vững ngôi đầu về thị trường sản xuất ô tô tại khu vực Đông Nam Á, bất chấp sự bám đuổi sát sao từ Indonesia.
- Chính phủ Thái Lan công bố nhiều biện pháp nhằm đạt mục tiêu xe điện chiếm 30% tổng số phương tiện vào năm 2023, đưa Thái Lan trở thành trung tâm sản xuất xe điện mới.
- Các nhà sản xuất xe điện lớn bắt đầu phát triển dây chuyền sản xuất tại Thái Lan.
Thái Lan là quốc gia thứ hai tại Đông Nam Á (sau Singapore) được hãng xe điện Tesla lựa chọn để mở showroom. Các nhà sản xuất ô tô hàng đầu Nhật Bản như Toyota và Mitsubishi đã hoạt động tại đây hơn 60 năm. Nhiều tên tuổi lớn như Ford, Mercedes, BMW,... cũng chọn xứ sở Chùa Vàng như một thị trường tiềm năng.
Ngành công nghiệp ô tô trở thành một trong những trụ cột của nền kinh tế Thái Lan, chiếm hơn 10% GDP năm 2021. Nhờ vị trí địa lý thuận lợi và sự hỗ trợ của Chính phủ, Thái Lan đã trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất Đông Nam Á, trung tâm xuất khẩu và lắp ráp ô tô lớn thứ tư châu Á cho các công ty như Toyota, Honda…
Không giống Indonesia và các thị trường cạnh tranh khác, Thái Lan sản xuất hầu hết phụ tùng xe ở trong nước.
Trong tháng 11/2022, các doanh nghiệp kinh doanh ô tô tại Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng 10.770 xe từ Thái Lan, chiếm gần 50% tổng lượng xe nhập khẩu cùng tháng - Số liệu từ Tổng cục Hải quan.
Nhờ chính sách ưu đãi thuế cho người mua xe lần đầu, số lượng ô tô sản xuất và tiêu thụ tại Thái Lan tăng trưởng bùng nổ trong giai đoạn 2012-2013. Từ năm 2014, sản lượng ô tô dao động quanh mức 1,5 triệu - 2 triệu xe mỗi năm, trong đó khoảng một nửa phục vụ xuất khẩu.
Trong bối cảnh phương tiện năng lượng sạch đang trở thành xu hướng trên toàn cầu, Chính phủ Thái Lan bắt đầu vạch ra lộ trình giảm thuế và các chính sách ưu đãi khác nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch từ trung tâm sản xuất ô tô trở thành trung tâm sản xuất xe điện và các bộ phận chính của xe điện.
Tham vọng trở thành trung tâm xe điện lớn nhất thế giới
Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã bày tỏ hy vọng Thái Lan sẽ trở thành trung tâm sản xuất xe điện lớn nhất thế giới tại Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 27 hồi tháng 5 năm nay.
Quốc gia này đặt mục tiêu 30% tổng số phương tiện sản xuất trong nước vào năm 2030 là xe điện, đến năm 2035, 100% doanh số bán hàng trong nước là các loại xe điện chạy bằng pin (BEV) - còn gọi là xe thuần điện.
Ủy ban Đầu tư Thái Lan (BOI) đưa ra các ưu đãi thuế kéo dài từ 3 đến 11 năm đối với các nhà sản xuất xe điện. Theo đó, các công ty sản xuất xe thuần điện có tổng vốn đầu tư trên 5 tỷ baht (gần 3.400 tỷ đồng) sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 8 năm.
BOI cũng ưu đãi đầu tư cho cơ sở hạ tầng liên quan đến xe điện, đặc biệt là các trạm sạc, để thúc đẩy sự phát triển của thị trường xe điện trong nước.
Bên cạnh giá xe rẻ hơn, cơ sở hạ tầng sạc điện là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy thị trường xe điện. Tôi tin rằng từ năm 2025, số lượng trạm sạc xe điện sẽ tăng đáng kể và sẽ có 100.000-200.000 bộ sạc được lắp đặt trên toàn quốc vào năm 2030.
Peerapatr Sirichantaropart, Giám đốc điều hành Sharge Management - nhà cung cấp hệ thống sạc xe điện tại Thái Lan
Tháng 2/2022, Nội các Thái Lan thông qua dự thảo quy định miễn/giảm thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe điện. Nhờ đó, các cam kết đầu tư vào lĩnh vực xe điện và phụ tùng trong quý I/2022 tăng hơn bốn lần so với một năm trước đó, đạt 1,2 tỷ USD.
Cuối tháng 7/2022, Thái Lan tiếp tục công bố các biện pháp khuyến khích bổ sung bao gồm:
Cả hai biện pháp này đều là một phần trong các sáng kiến của Chính phủ nhằm đưa Thái Lan trở thành một trong những cơ sở sản xuất xe điện lớn của thế giới.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha
- Cắt giảm 80% thuế đường bộ hàng năm đối với các phương tiện không phát thải thuộc sở hữu tư nhân, từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2025.
- Miễn thuế nhập khẩu áp dụng cho sản xuất trong nước đối với ô tô chở khách, xe buýt nhỏ và xe bán tải chạy bằng pin đến cuối tháng 5/2025.
Ngoài ra, Thái Lan đang xây dựng Trung tâm Nghiên cứu, Thử nghiệm & Đổi mới Ô tô và Lốp xe (ATTRIC) tại Hành lang Kinh tế phía Đông. Dự án này giúp cải thiện chất lượng sản xuất của động cơ, các bộ phận và lốp xe ô tô, đồng thời đóng vai trò là trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Dự án ATTRIC sẽ giúp Thái Lan trở thành một trong những cơ sở sản xuất xe điện quan trọng trên thế giới, đồng thời tạo cơ hội chuyển giao kiến thức và tạo việc làm.
Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri
Những khoản trợ cấp đầu tư cơ sở hạ tầng, trạm sạc, chính sách miễn thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm thuế nhập khẩu đã đưa Thái Lan đi đúng hướng trong tiến trình chuyển dịch sang xe điện.
Thị trường xe điện của Thái Lan chứng kiến sự phát triển vượt bậc trong năm nay, trở thành thị trường lớn nhất Đông Nam Á, chiếm gần 60% doanh số bán xe điện tại khu vực trong quý III/2022, vượt xa quốc gia đứng thứ hai là Indonesia (thị phần 25%) - theo Counterpoint.
Theo Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan, 10 tháng đầu năm 2022, có hơn 12.500 chiếc xe điện được đăng ký, tăng 230% so với cùng kỳ. Trong đó, phần lớn là xe máy và ô tô chở khách.
Thực tế, chiến lược tập trung vào xe điện sẽ là một canh bạc tốn kém, nhất là ở khu vực đang phát triển - nơi rất ít người tiêu dùng có thể mua được công nghệ này ngay từ đầu, theo East Asia Forum.
Chính sách ưu đãi thu hút các hãng ô tô hàng đầu
Mercedes - nhà sản xuất ô tô hạng sang của Đức đã chọn Thái Lan là nhà máy sản xuất xe điện Mercedes-EQS đầu tiên ở Đông Nam Á và là 1 trong 7 địa điểm sản xuất pin lithium-ion hiệu suất cao trên toàn cầu.
Điều này cho thấy Thái Lan quan trọng như thế nào đối với chúng tôi. EQS hoàn toàn là một dòng xe điện nổi bật - công nghệ đang được quan tâm hàng đầu. Tại Thái Lan, chúng tôi biết những đối tác có thể giúp chúng tôi vận hành.
Chủ tịch & Giám đốc điều hành Mercedes-Benz Thái Lan Roland Folger
Tháng 2 năm nay, Foxconn - nhà sản xuất điện tử đa quốc gia của Đài Loan và Tập đoàn dầu khí lớn nhất Thái Lan PTT cùng hợp tác thành lập công ty liên doanh với vốn đầu tư từ 1 - 2 tỷ USD để chế tạo ô tô thành phẩm, sử dụng nền tảng mô-đun và phần mềm do Foxconn phát triển.
Đầu tháng 9 vừa qua, hãng xe điện lớn nhất thế giới BYD đã ký thỏa thuận mua đất tại Hành lang kinh tế phía Đông Thái Lan để xây dựng nhà máy sản xuất ô tô điện đầu tiên ở Đông Nam Á. BOI đã phê duyệt kế hoạch trị giá 18 tỷ baht (gần 12.230 tỷ đồng) của BYD để sản xuất xe điện trong nước với công suất khoảng 150.000 xe/năm từ 2024.
Với sự xuất hiện của nhiều hãng xe điện hàng đầu, Thái Lan đang cho thấy hiệu quả từ các chính sách ưu đãi dành cho nhà đầu tư và người tiêu dùng, hiện thực hóa tham vọng trở thành trung tâm xe điện tại khu vực.