Đi dọc trên Canal Street, bất kỳ ai cũng dễ dàng nhìn thấy các tiểu thương đang bày hàng chục chiếc túi giả, không rõ nguồn gốc ở vỉa hè.
Ngoài túi xách được in tên, gắn mác của các thương hiệu nổi tiếng như Fendi, Prada, Hermes, Chanel, nơi này còn tràn ngập thắt lưng, mũ, trang sức và tất, New York Post đưa tin.
“Họ không biết xấu hổ và chỉ chiếm lấy chỗ công cộng”, một du khách chia sẻ.
Cảnh tượng người bán rong chào mời, lôi kéo khách du lịch mua hàng tạo nên không khí kinh doanh sôi nổi ở khu phố người Hoa lớn nhất nước Mỹ.
“Cái này có các loại A, B và C. Đồ của tiệm tôi thuộc hạng A”, một tiểu thương nói với New York Post về chất lượng của hàng giả.
Dù biết đây là đồ nhái, không có xuất xứ rõ ràng, nhiều người mua vẫn ngầm chấp nhận và ra sức mặc cả.
Một chiếc túi tote fugazi Dior được bán với giá 45 USD, thấp hơn đồ thật tận 3.400 USD.
Hơn 700 người đã ký tên ủng hộ việc bổ sung thêm lực lượng chức năng tuần tra dọc các dãy phố xung quanh Canal Street, Church, Mercer Street, Lispenard Street và Broadway.
“Chúng tôi muốn được thoải mái đi bộ, sinh hoạt và kinh doanh mà không bị quấy rối hoặc gọi mời quá khích. Đặc biệt là bởi những người bán đồ giả bất hợp pháp và không có giấy phép”, Raphael A, người tổ chức kiến nghị, bày tỏ.
Patrick Valentino, một cư dân khác, cho hay tình trạng tạp nham trên đã gây ảnh hưởng đến các doanh nhân làm ăn chân chính và luôn tuân thủ luật pháp. Ngoài ra, việc lôi kéo có thể rất nguy hiểm cho người qua đường.
“Tôi sẽ không than phiền việc ai đó mưu sinh, trừ khi họ tác động xấu đến người khác”, Valentino viết trong bản kiến nghị trực tuyến.
Richard Kurtz (sống tại New York) cho rằng việc hàng giả tràn lan tạo nên hình ảnh phản cảm, trái ngược với sự xa hoa, diễm lệ của “quả táo lớn”, đồng thời gây ô nhiễm và khiến việc đi dạo trở nên đáng sợ, khó chịu.
“Cảnh sát đã không giải quyết triệt để vấn đề này trong suốt nhiều năm”, Kurtz bức xúc.
Vào tháng 8 năm ngoái, chính phủ Mỹ đã thu giữ lô hàng trị giá 450 triệu USD sau cuộc điều tra kéo dài 6 năm. 33 nghi phạm đã bị bắt với tội danh âm mưu, buôn bán đồ lậu và giả mạo thương hiệu.
Phần lớn hàng hóa được nhập khẩu vào xứ cờ hoa thông qua cảng New York, New Jersey và Los Angeles.
Benjamin Gurley, Phó Giám đốc NYPD, cho biết số tiền kiếm được từ việc buôn bán đồ lậu được tiểu thương sử dụng cho các mục đích phạm tội khác trên toàn thành phố. Gurley và các đồng nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện các chiến dịch nhằm ngăn chặn sự gia tăng của nạn kinh doanh hàng giả.
Khu phố Tàu, nằm ở phía đông nam New York, là nơi tập trung đông người Trung Quốc sinh sống. Nơi này trở thành điểm du lịch nổi tiếng với hàng trăm cửa hiệu, nhà hàng, quán ăn, kiến trúc mang đậm phong cách của đất nước tỷ dân.