Theo Washington Post, trong gần 75 năm qua, Daikokuyu tại Tokyo trở thành một cơ sở cộng đồng nơi dân địa phương có thể gột rửa bụi bẩn và nhớp nháp sau một ngày dài, sau cùng là ngâm mình thật lâu trong những bồn tắm lớn. Nhiều thế hệ người Nhật thường xuyên lui tới những nhà tắm như vậy trong khu phố, cùng ra thật nhiều mồ hôi như tinh thần của một truyền thống mang tên hadaka no tsukiai, hay “giao thiệp trần trụi”.
Sau khi xâm chiếm Triều Tiên vào đầu thế kỷ 20, Nhật Bản đã hồi sinh văn hóa nhà tắm có tính lịch sử trên bán đảo này, nơi mùa đông khắc nghiệt hơn Nhật Bản rất nhiều.
Cùng nhau tắm rửa và sưởi ấm cũng nhanh chóng trở thành một phần của cuộc sống Hàn Quốc thời kỳ hậu thuộc địa.
Giờ đây, sau khi các hệ thống ống nước hiện đại xuất hiện, giúp nhiều người có thể tự tắm tại nhà, các nhà tắm phải đối mặt với một khủng hoảng kép mới: Nhiều nhà tắm gặp khó khăn hoặc phải đóng cửa trong đại dịch Covid-19 giờ lại phải gánh chịu thêm những hóa đơn sưởi ấm khổng lồ, ảnh hưởng từ chiến sự tại Ukraine.
“Vài tháng qua thực sự không thể tin được”, Takuya Shinbo, cháu đời thứ ba của Daikokuyu, cho biết.
Với nhiệt độ thấp kỷ lục tràn vào Tokyo mùa đông vừa qua, Takuya phải bỏ ra gấp đôi chi phí năm ngoái để giữ ấm nước qua những đêm lạnh giá. Hóa đơn gas hàng tháng của Daikokuyu tăng hơn gấp đôi - từ hơn 5.000 USD vào tháng 1/2022 lên hơn 12.000 USD vào tháng 1 năm nay.
Nhà tắm Seyoung ở đông nam Seoul, nơi Lee Young-ho đã điều hành suốt 24 năm, cũng không phải ngoại lệ, khi hóa đơn sưởi ấm đã tăng 60% so với một năm trước, gần 4.000 USD chỉ trong tháng 1. Hóa đơn đó gần như là một “đòn chí mạng”, anh Lee chia sẻ.
So với các quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề bởi xung đột, giá nhiên liệu ở Nhật Bản và Hàn Quốc không dao động quá lớn, nhưng hóa đơn tiếp tục tăng sẽ là một trở ngại khó khăn đối với các hộ kinh doanh nhà tắm ở hai quốc gia này.
Tiết kiệm khí đốt, nhiên liệu thiết yếu vận hành nhà tắm, là nhiệm vụ bất khả thi đối với bất kỳ chủ sở hữu nào.
Một thế hệ không còn tắm chung
Nhà tắm công cộng - hay sento - là cốt lõi của truyền thống tắm rửa lâu đời mà người Nhật luôn tự hào. Trong khi các suối nước nóng tự nhiên “onsen” là điểm đến phổ biến trong các kỳ nghỉ, sento là những khu vực gần gũi hơn, phục vụ cho những ai không có nhà tắm trong nhà. Số lượng sento trong nước đã giảm xuống chỉ còn 1.865, so với mức cao nhất là 17.999 được ghi nhận vào năm 1968.
Những ống khói nhà tắm từng sừng sững ở các thành phố Nhật Bản nay bị thay thế bởi những căn nhà mới được trang bị phòng tắm riêng. Hầu hết người trẻ không có thói quen đến sento như thế hệ cũ. Nhiều thay đổi đang diễn ra, kết hợp với đại dịch và khủng hoảng năng lượng, làm dấy lên lo ngại rằng một ngày nào đó, sento có thể biến mất hoàn toàn.
Ở Hàn Quốc có nhiều dạng nhà tắm công cộng, từ bồn tắm địa phương như sento đến phòng xông hơi đa chức năng, bao gồm phòng tắm, phòng xông hơi, nhà hàng, thậm chí cả máy tính và khu vực trò chơi.
Số lượng nhà tắm đơn giản như của anh Lee đã giảm một nửa so với mức cao nhất xuống còn 4.350 trong năm nay, và nhiều trường hợp trong đó là do không thể duy trì kinh phí.
Đòn giáng đầu tiên là khi đại dịch làm dấy lên nỗi sợ hãi về “sự lây nhiễm hàng loạt” tại các không gian chung như nhà tắm. Ngày càng ít người muốn đi tắm công cộng hơn khi họ bị yêu cầu phải đeo khẩu trang và hạn chế chuyện trò - hai khái niệm rất không bình thường ở nơi coi việc lõa thể và tán gẫu là cốt lõi.
Những hạn chế như vậy là một bất lợi lớn đối với những khách quen lâu năm như Yoon Gwang-sook, khi bà coi việc gặp gỡ hàng xóm tại Seyoung là niềm vui mỗi ngày trong cuộc sống. Nhưng đó không là rào cản lớn để bà từ bỏ thói quen của mình.
“Tắm công cộng mang lại cho tôi cảm giác đặc biệt sảng khoái mà tôi không thể có được khi tắm ở nhà”, bà Yoon bộc bạch. “Ở đây chúng tôi ngâm mình trong bể nước nóng này, sau đó tắm tráng lại bằng nước lạnh và kỳ lưng cho nhau. Cứ lặp đi lặp lại như thế rồi cháu sẽ thấy mình như trẻ ra vài tuổi”, bà lão tuổi 81 thường xuyên lui tới Seyoung hai thập kỷ nay cho biết.
Trong khi những khách hàng trung thành như bà Yoon tiếp tục tìm đến, nhiều người khác từ chối tắm chung trong đại dịch. Vì lo ngại vấn đề sức khỏe, Lee vẫn để biển “cấm nói chuyện” phía trên các bồn tắm chung, ngay cả khi các quy định về giãn cách xã hội đã được gỡ bỏ trên toàn quốc vào năm ngoái.
Hiện tại, số lượng khách hàng vẫn dao động quanh mức 40 mỗi ngày, thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch là 180.
Nhưng chủ các nhà tắm không thể làm gì nhiều để giảm thiểu tác động của việc chi phí sưởi tăng cao.
Tại Tokyo, các hộ kinh doanh tư nhân không được phép tăng phí tắm, do chính quyền địa phương quy định ở mức 3,70 USD.
Vì phục vụ cộng đồng, Shinbo cũng loại trừ việc điều chỉnh giờ mở cửa. Anh mở phòng tắm suốt đêm theo yêu cầu của khách quen, nhiều người trong số đó làm ca đêm nên cần được thư giãn.
Shinbo bắt đầu tắt điện ngay sau khi đóng cửa lúc 10 giờ sáng, đồng thời hạ nhiệt độ ở khu vực thay đồ xuống một chút. Ông nói: “Chúng tôi thực sự không biết có thể làm gì hơn nữa”.
Ở Seoul, Lee cũng gặp những khó khăn tương tự.
Lee cho biết: “Các bồn tắm chung của chúng tôi, dù trống đến đâu, khi mở cửa đều phải duy trì nhiệt độ trên 40 độ C.
Ngay cả khi đã tăng giá lên 7,6 USD vào năm ngoái, anh ấy vẫn bị “chảy máu tiền của” để làm ấm các bể nước vào mùa đông, trong khi khách hàng vẫn khan hiếm.
Lượng khách mỗi ngày của Seyoung giảm cũng làm nhiều thợ tẩy tế bào chết nhàn rỗi hơn. Nhiệm vụ của họ là mạnh tay cọ rửa cho những khách hàng muốn tẩy tế bào chết, một hoạt động tắm người Hàn vốn rất yêu thích.
Nhà tắm bán bia và phát đĩa than
Kim Soo-cheol, đại diện của Hiệp hội Công nghiệp Nhà tắm Công cộng Hàn Quốc, cho biết: “Hậu quả của đại dịch và khủng hoảng năng lượng gây ra những khó khăn trước mắt, nhưng điều chúng tôi thực sự lo lắng là sự suy giảm lâu dài và có thể dẫn đến tuyệt chủng”. Đó là dự đoán cho các hộ kinh doanh nhà tắm trong thời gian sắp tới.
Ông nói, cùng sự bất lực, khi nhiều thanh niên trưởng thành không đến nhà tắm công cộng và đánh giá chúng như một nơi tạm bợ cho những người già cả.
Hiệp hội cùng các thành viên đang triển khai khởi động “ngày tắm miễn phí cho trẻ em” hàng năm, nhằm thu hút tệp khách hàng trẻ hứng thú với thói quen spa yêu thích của người lớn tuổi nhiều thập kỷ qua. Một số lượng nhất định những người kinh doanh hoan nghênh đề xuất này, nhưng cũng có những người phản đối, cho rằng việc này chỉ làm giảm sâu phần thu nhập ít ỏi của họ.
Thu hút khách hàng trẻ tuổi cũng là mục tiêu của Shinbo, chủ nhà tắm Daikokuyu ở Tokyo. Khi nhà tắm Koganeyu với 86 năm hoạt động trong khu phố của anh sắp ngừng kinh doanh, Shinbo đã mua lại và cải tạo không gian để “thử nghiệm một mô hình kinh doanh sento mới”.
Koganeyu, mở cửa trở lại vào năm 2020 sau khi nâng cấp, có bia thủ công và máy phát đĩa than. Âm nhạc nơi nhà tắm không chỉ đánh trúng tâm lý của những người hoài cổ mà còn là những bạn trẻ yêu thích âm nhạc.
Sau khi cùng tắm nước nóng, các khách hàng già trẻ lớn bé tụ tập lại, nhâm nhi cốc bia lạnh và tán gẫu về những ca khúc một thời. “Ngày trước sento là không gian giao tiếp, vì vậy thật tuyệt vời khi có thể thấy nhiều thế hệ khác nhau cùng trò chuyện như thế này”, Tomoko, vợ của Shinbo, người điều hành Koganeyu, cho biết.
Trong khi chủ nghĩa cá nhân đang phát triển mạnh mẽ tại Nhật Bản, các nhà tắm chung vẫn là nơi hiếm hoi mà “mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội cùng tắm và cảm nhận được tinh thần cộng đồng”, cô Tomoko nói. “Tôi nghĩ đối với nhiều người, đặc biệt là những người sống một mình, sento mang lại cho họ sự bình yên.”