Khi Elon Musk mua lại Twitter và sa thải hàng nghìn nhân viên, nhiều người dùng đã tỏ ra lo lắng và cho rằng đây chính là báo hiệu cho sự lụi tàn của một mạng xã hội.
Hashtag #RIPTwitter (tạm dịch: An nghỉ nhé Twitter), #GoodbyeTwitter (tạm dịch: Tạm biệt Twitter) lọt top xu hướng. Mặc dù nền tảng mạng xã hội vẫn còn hoạt động đến tận bây giờ, điều đáng lo là tình trạng quá tải truy cập, lỗi hệ thống liên tục xuất hiện.
Twitter “liên hoàn sập”
Chỉ trong tháng 2 vừa qua, Twitter đã sập ít nhất 4 lần, so với trong cả năm 2022, số lần nền tảng bị quá tải chỉ có 9. Điều này cho thấy hệ thống của Twitter đang dần trở nên yếu ớt và mật độ sự cố diễn ra ngày càng tăng, tổ chức giám sát giám sát an ninh mạng và quản trị Internet NetBlocks nhận định. Những lỗi vặt trong hệ thống cũng khiến Twitter dần trở nên nhàm chán và vô dụng.
Theo nguồn tin nội bộ nói với New York Times, từ tháng 11/2022 đến nay, hạ tầng công nghệ của Twitter luôn ở trong tình trạng thiếu ổn định. Tỷ phú Elon Musk đã ngừng hoạt động 3 trung tâm dữ liệu, sa thải những đội ngũ back-end, bảo trì máy chủ hay bộ lưu trữ đám mây.
Những thay đổi trong tổ chức nhân sự của ông đã dấy lên lo ngại rằng Twitter sẽ không đủ nhân sự và tiềm lực để giải quyết các vấn đề phát sinh đột ngột. Trước đây, Twitter thường ngăn chặn nguy cơ sập nguồn diện rộng bằng cách tăng số lượng nhân viên phân tích và giải quyết các lỗi nhỏ ngay tức thì.
Nhưng với số nhân sự hạn chế hiện tại, nền tảng sẽ phải đối mặt với nhiều sự cố hơn trước. “Lúc trước, Twitter sẽ phát hiện mọi sự cố dù là nhỏ nhất. Nhưng hiện nay, Twitter thậm chí còn sập ở hàng loạt khu vực trên toàn cầu. Khi có vấn đề xảy ra, những người hiểu rõ về hệ thống này cũng không còn đó”, Saagar Jha, cựu kỹ sư Twitter, chia sẻ.
Giai đoạn những năm 2010, Twitter nổi tiếng vì liên tục gặp sự cố. Khi đó, công ty mạng xã hội đã tuyển dụng thêm hàng trăm nhân viên cho đội bảo trì hạ tầng để nâng cấp máy chủ, giảm số lượng sự cố.
Nhưng đến thời Elon Musk, ông đã sa thải những nhân viên nòng cốt của bộ phận này. Tháng 12/2022, Twitter còn ngừng hoạt động trung tâm dữ liệu xử lý phần lớn lưu lượng truy cập của người dùng ở Sacramento. Điều này đồng nghĩa với việc mạng xã hội chỉ còn lại 2 trung tâm, một ở Atlanta và một ở Portland.
Kết quả là chỉ 4 ngày sau, Twitter đã bị sập trên diện rộng. Nhiều người dùng không thể đăng nhập hoặc đăng bài viết trên nền tảng. Vào lúc đó, các kỹ sư Twitter đã mất hàng tiếng đồng hồ chỉ để ghi nhận vấn đề và lưu trữ lại toàn bộ dữ liệu người dùng trên nền tảng.
Một tuần sau, trong lúc chỉnh sửa phần hiển thị trang cá nhân người dùng, một kỹ sư đã vô tình khiến hệ thống Twitter sập. Nguyên nhân là kỹ sư này đã xem thường quy định chỉ thử nghiệm thay đổi mới trên số ít người dùng của Twitter.
Cô đã phát hành tính năng mới đến toàn bộ người dùng, gây lỗi hệ thống. “Ôi, tôi đã vô tình làm Twitter sập mất rồi. Mọi người cứ đổ lỗi cho Elon Musk nếu thích”, cô chia sẻ trên Twitter cá nhân.
Những nhân viên ít ỏi còn ở lại đang phải chật vật với Twitter
Theo kỹ sư phần mềm tự do Jane Manchun Wong, Musk đã thay đổi và bổ sung hàng loạt tính năng mới cho Twitter, khiến mạng xã hội càng thêm bất ổn. Wong cho biết số lượt like trên một bài đăng của cô đã bị sụt giảm bất thường, thu hút sự chú ý của Elon Musk. Vị CEO nói rằng nền tảng đang bị gặp lỗi đồng bộ dữ liệu, khiến thông tin hiển thị trên Twitter không đồng nhất với trung tâm lưu trữ.
Nhiều người dùng cũng phàn nàn khi số lượt theo dõi trên Twitter cá nhân của họ bị tụt một cách khó hiểu. Những người khác cũng nhận thấy một số bài đăng từ những người mà họ đã chặn đột nhiên xuất hiện trên trang chủ. “Khi đội ngũ back-end thay đổi, mọi thứ bắt đầu sụp đổ”, chuyên gia Wong nói.
Tình trạng chảy máu nhân sự của Twitter càng khiến sự thiếu ổn định lộ rõ trong nội bộ Twitter, nguồn tin từ cựu nhân viên nói. Một vài nhân sự mới đang phải lần đầu tiên quản lý mảng sản phẩm và dịch vụ và cảm thấy hoang mang vì thiếu lãnh đạo.
Từ khi Elon Musk sa thải Nelson Abramson, công ty mạng xã hội không hề có giám đốc phụ trách cơ sở hạ tầng. Vị CEO đành đưa kỹ sư Sheen Austin từ Tesla đến để tạm thời đảm nhiệm chức vụ này.
Tuần trước, nhân viên Twitter còn không thể truy cập vào kênh Slack nội bộ. Sự cố này khiến họ không thể trao đổi công việc với đồng nghiệp hay xem báo cáo ghi lại những lỗi, sự cố đã được sửa trên Twitter. Hôm 27/2, kênh Slack đã được khôi phục hoạt động nhưng hàng nghìn kênh Slack cũ của nhân viên trước đây đã bị lưu trữ và không thể hiển thị.