Hôm nay (8/4), Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm cặp đồng tiền VND/USD được áp dụng trong ngày ở mức 24.038 VND/USD, đi ngang so với mức niêm yết ngày 5/4. Với biên độ +/-5% theo quy định, tỷ giá sàn là 22.836 VND/USD, tỷ giá trần là 25.240 VND/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá diễn biến ngược chiều: Vietcombank, Agribank, BIDV, tỷ giá tăng từ 5 đến 10 VND mỗi chiều. Một số ngân hàng khác như ACB, HSBC, SCB, SHB… tỷ giá đi ngang so với cuối tuần trước (5/4). Ở một số ngân hàng khác, tỷ giá giảm từ 10 đến 40 VND mỗi chiều.
Ngày 8/4, tỷ giá USD trên thị trường tự do giảm 5 đồng chiều mua, tăng 35 đồng chiều bán so với niêm yết trước, đồng USD giao dịch mua – bán tại 25.400 – 25.520 VND/USD. Với biên độ mua bán lên tới 40 đồng với mỗi USD, cho thấy thị trường hàm chứa mức độ rủi ro khá lớn.
Trước đó, trong tuần từ 1 đến 5/4, tỷ giá USD/VND đóng cửa ở 24.960 - 24.970 VND/USD (mua – bán); tương ứng với mức tăng khoảng 145 đồng trong tuần qua. Tỷ giá trên thị trường tự do giao dịch ổn định ở mức cao 25.450 - 25.500 VND/USD( mua – bán) trong tuần trước.
Tỷ giá tăng 2,9% trong quý 1
Tính từ ngày 11/3 đến 5/4, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành khoảng 173 ngàn tỷ đồng tín phiếu để hút bớt thanh khoản tiền đồng trên liên ngân hàng. Kỳ hạn của tín phiếu đều là 28 ngày, lãi suất từ 1,3%-2,7%. Động thái này của Ngân hàng Nhà nước diễn ra trong bối cảnh tỷ giá USD/VND tăng mạnh, thanh khoản thị trường khá dư thừa khi cầu tín dụng yếu.
Như vậy, lượng tiền VND từ phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước bắt đầu trở lại thị trường trong ngày hôm nay.
Nhóm nghiên cứu thị trường ngoại hối của ACB đánh giá điều này ít nhiều sẽ gây áp lực lên thị trường. Các chuyên gia dự báo tỷ giá USD/VND đang thiết lập mặt bằng giá mới quanh mức 25.000 VND/USD với xu hướng tăng tiếp tục được hỗ trợ trong tuần này.
Theo cập nhật của VnEconomy, kết thúc quý 1, tỷ giá liên ngân hàng đã tăng 2,9% kể từ đầu năm, giao dịch ở mức 25.003 VND/USD ngày 29/3.
Ngày 29/3, tỷ giá trên thị trường tự do đã vượt qua mức đỉnh của năm ngoái và giao dịch tại 25.400 VND/USD trong khi tỷ giá trung tâm duy trì ổn định quanh ngưỡng 24.038 VND/USD. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 2,6% và tỷ giá trung tâm tăng 0,8% kể từ đầu năm.
Theo báo cáo cập nhật vĩ mô tháng 3 vừa công bố, MBS dự báo tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 24.500 – 24.800 VND/USD trong quý 2/2024 và có 3 yếu tố tích cực giúp kìm hãm đà tăng của tỷ giá.
Thứ nhất, Chính phủ đã có những chỉ đạo kiểm soát để bình ổn thị trường vàng.
Thứ hai, giới đầu tư đang kỳ vọng FED sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào kỳ họp vào tháng 6 và điều này sẽ thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa USD và VND, góp phần hạn chế hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất và giảm áp lực mất giá đối với VND.
Thứ ba, những yếu tố vĩ mô tích cực sẽ hỗ trợ như thặng dư thương mại tích cực khi lũy kế 3 tháng 2024 đạt 8 tỷ USD (gấp 2 lần so với cùng kỳ); dự trữ ngoại hối vẫn đang ở mức tốt và dự kiến đạt 110 tỷ USD trong năm 2024; dòng vốn FDI thực hiện 3 tháng ước đạt 4,6 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ. Du lịch phục hồi mạnh mẽ khi quý 1/2024 tăng 72% so với cùng kỳ 2023 và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2024.
Lãi suất tiết kiệm sẽ tạo đáy trong quý 2?
Lãi suất tiết kiệm của ngân hàng tiếp đà giảm kể từ đầu tháng 3 tại 25 ngân hàng thương mại. Đáng chú ý, vào ngày 19/3, BIDV đã điều chỉnh lãi suất tại các kỳ hạn, đặc biệt kỳ hạn 12 tháng giảm 0,1 điểm %, từ 4,8%/năm còn 4,7%/năm. Hiện tại, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước đều có mức lãi suất 4,7% cho tiền gửi kỳ hạn 12 tháng.
Ở chiều ngược lại, trong tháng 3 đã có 5 ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất chỉ xảy ra tại một vài kỳ hạn với mức tăng tương đối nhỏ (<0,2%).
Theo giới phân tích, lãi suất huy động có khả năng tạo đáy trong quý 2 và tăng nhẹ trong bối cảnh kinh tế hồi phục và tín dụng dần cải thiện.
MBS dự kiến lãi suất huy động sẽ tăng khoảng 0,3%-0,5% trong quý 2 và sẽ tiến dần về mức lãi suất tại thời điểm đầu năm 2024 khi một số ngân hàng đã cho thấy có sự điều chỉnh huy động trái chiều trong tháng 3.
Tính đến 25/3, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 0,26% cho thấy nhu cầu vốn trong nền kinh tế đang dần phục hồi, đây sẽ là một yếu tố tác động đến các kế hoạch kinh doanh vốn và ngoại hối tại các ngân hàng thương mại trong ngắn hạn.
Dữ liệu kinh tế vĩ mô 3 tháng đầu năm tương đối tích cực và được kỳ vọng sẽ duy trì trong các tháng tiếp theo, hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 14-15% trong năm 2024.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024 ước tính tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm 2020-2023.
Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng có sự phục hồi khá tốt trong quý 1 với mức tăng 6,2% cao nhất trong ba khu vực, đóng góp 41,6%. Đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng là hoạt động sản xuất và phân phối điện tăng gần 11,9% và xây dựng tăng 6,9%.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp 6% vào tăng trưởng quý 1 của toàn nền kinh tế. Mức tăng này có sự đóng góp từ sản lượng thu hoạch một số cây lâu năm, sản phẩm chăn nuôi chủ yếu, nuôi trồng thủy sản tăng trưởng tích cực.
Khu vực dịch vụ tăng 6,1%, đóng góp 52,2%. Trong đó các lĩnh vực chủ chốt có sự tăng trưởng ổn định như vận tải, kho bãi (+10,5% so với cùng kỳ), dịch vụ lưu trú và ăn uống (+8,3% so với cùng kỳ) và nghệ thuật, vui chơi và giải trí (+7,2% so với cùng kỳ).
Nhiều định chế tài chính dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam đạt mức 5,9%-6,1% dựa trên đà phục hồi của sản xuất, hoạt động du lịch tăng trưởng mạnh mẽ, tiêu dùng trong nước tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều chương trình kích cầu, lãi suất cho vay giảm.
Đặc biệt, môi trường lãi suất thấp được duy trì và thủ tục pháp lý được khơi thông có thể giúp thị trường bất động sản ấm trở lại, là động lực quan trọng giúp tăng trưởng tín dụng cải thiện trong 6 tháng tới.