Tỷ giá USD niêm yết tại các ngân hàng đồng loạt tăng mạnh, vượt mốc 24.500 đồng trong phiên giao dịch đầu tuần mới.
Theo khảo sát lúc 14h30 ngày 18/9, Vietcombank tăng 75 đồng ở cả hai chiều giao dịch so với cuối tuần trước, lên mua - bán ở mức 24.130 – 24.500 VND/USD. Tính từ đầu năm đến nay, giá USD tại Vietcombank – Ngân hàng có quy mô giao dịch ngoại tệ lớn nhất hệ thống – đã tăng khoảng 770 đồng, tương ứng 3,2%.
Tương tự, VietinBank và BIDV cũng tăng mạnh giá USD lên 24.100 -24.200 đồng ở chiều mua vào và 24.500 – 24.520 đồng ở chiều bán ra .
Bên các ngân hàng tư nhân, Techcombank, ACB, Eximbank và Sacombank đồng loạt tăng 70 – 100 đồng/USD ở cả hai chiều giao dịch, đưa giá bán USD lên mức 24.510 – 24.530 đồng.
Hiện giá mua USD tại các ngân hàng trong khoảng từ 24.100 – 24.200 VND/USD, còn giá bán ra nằm trong phạm vi 24.500 - 24.530 VND/USD. Trong đó, BIDV có giá mua USD cao nhất cũng như có giá bán thấp nhất.
Chung xu hướng với thị trường chính thức, giá USD tự do đang được mua - bán ở mức 24.250 – 24.350 đồng, tăng 70 đồng ở chiều mua và 90 đồng ở chiều bán so với mức khảo sát cuối tuần trước.
Như vậy, hiện giá bán USD tại các ngân hàng vẫn đang cao hơn thị trường chợ đen 50 – 150 đồng, trong khi giá mua thấp hơn khoảng 150 – 180 đồng. Nói dễ hiểu, các ngân hàng đang mua USD với giá rẻ hơn nhiều so với chợ đen, trong khi bán ra đắt hơn. Đồng thời chênh lệch giữa giá mua và giá bán tại các ngân hàng hiện cũng duy trì ở mức 300 – 400 đồng/USD.
Mặt khác, tỷ giá trung tâm hôm nay (18/9) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 24.046 VND/USD, tăng 10 đồng so với cuối tuần trước. Với biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại (NHTM) được phép giao dịch là từ 22.844 - 25.248 VND/USD.
Dù bật tăng mạnh, giá USD tại các ngân hàng vẫn thấp hơn 700 - 750 đồng so với mức trần cho phép. Bên cạnh đó, giá bán USD can thiệp của Nhà điều hành vẫn được duy trì thấp hơn 50 đồng so với mức giá trần mà các ngân hàng được phép giao dịch. Điều này cho thấy NHNN luôn sẵn sàng cung ứng ngoại tệ cho thị trường trong trường hợp tỷ giá tăng nóng.
Sự trái ngược trong chính sách tiền tệ giữa Mỹ và Việt Nam được coi là nguyên nhân chính tạo áp lực lên tỷ giá những tháng gần đây. Theo đó, kể từ đầu năm đến nay, NHNN Việt Nam hạ lãi suất 4 lần, tổng cộng từ 1,25 điểm % đến 1,5 điểm %; cùng thời gian đó, Fed cũng đã thắt chặt thêm 4 lần, nâng lãi suất thêm 1 điểm %.
Tỷ giá USD/VND càng chịu thêm sức ép khi cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 9 của Fed đang đến gần và NHTW Mỹ vẫn có khả năng tăng thêm lãi suất - điều này sẽ nới rộng chênh lệch lãi suất USD-VND trên thị trường liên ngân hàng vốn đang ở mức cao kỷ lục.
“Năm 2022, Việt Nam xuất siêu hơn 12 tỷ USD, nhưng của doanh nghiệp FDI xuất siêu lên đến 36 tỷ USD. Doanh nghiệp trong nước bị thâm hụt do chi phí sản xuất của ta phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu nước ngoài. Nếu tỷ giá tăng lên sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu. Chưa kể, khi tỷ giá tăng thì doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng không yên tâm vì khi hoạt động ở đây có lãi nhưng khi họ chuyển về nước lại thấy không có lãi. Do vậy, vấn đề ổn định tỷ giá phải cân nhắc trên cục diện của toàn nền kinh tế chứ không vì doanh nghiệp nào cả”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.