Việc một tỷ phú thời trang vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng rơi vào đúng thời điểm xảy ra sự bốc hơi nhanh chóng của một lượng tài sản khổng lồ từ các tỷ phú công nghệ. Sau một năm đầy biến động đối với những người giàu nhất thế giới, Elon Musk trở thành người đầu tiên trong lịch sử mất đến hơn 200 tỷ đô la tài sản ròng, và vì thế mất đi vị trí số 1.
Sao đã đổi ngôi
Bernard Arnault là đồng sáng lập và là Giám đốc điều hành của LVMH, tập đoàn hàng xa xỉ nổi tiếng với hàng loạt các thương hiệu mang tính biểu tượng như Louis Vuitton, Tiffany và Christian Dior... Hiện tại, LVMH đang nắm giữ hơn 75 thương hiệu lớn nhỏ với xấp xỉ 5.500 cửa hàng trên toàn cầu. Trong năm qua, bộ phận kinh doanh chính của LVMH, Thời trang & Đồ da, đã chứng kiến mức tăng trưởng 20% lên 42 tỷ USD, một kỷ lục, vượt xa mức tăng trưởng chung của tập đoàn là 17%. Louis Vuitton, thương hiệu thời trang hàng đầu của công ty, lần đầu tiên chứng kiến doanh thu vượt mốc 20 tỷ euro (21,8 tỷ USD).
Trong bối cảnh thị trường toàn cầu hỗn loạn, tài sản của ông Arnault vẫn khá ổn định trong những tháng gần đây. Phần lớn tài sản này gắn liền với cổ phiếu của LVMH và kể từ năm 2020, giá cổ phiếu của công ty đã tăng gần 65%. Khi các biện pháp kích thích kinh tế trong đại dịch đẩy các cổ phiếu công nghệ và vốn hóa của nhiều startup tăng phi mã, Forbes cho rằng giờ đây, mọi thứ đã trở về mặt đất.
Theo Forbes, sau khi bỏ túi hàng nghìn tỷ USD vào năm 2020 và 2021, những tỷ phú giàu nhất thế giới đã có một năm không mấy suôn sẻ. Trong sự rung lắc của thị trường chứng khoán, 1.900 tỷ USD đã mất chủ yếu do giá cổ phiếu lao dốc, 300 tỷ phú công nghệ chịu ảnh hưởng lớn nhất.
Năm ngoái, vốn hóa Meta từng có thời điểm cán mốc 1.000 tỷ USD tuy nhiên hiện chỉ còn hơn 400 tỷ USD. Mark Zuckerberg cũng là một trong những tỷ phú có tài sản giảm mạnh nhất từ đầu năm 2022. Từng có mặt trong câu lạc bộ tài sản trên 100 tỷ USD nhưng CEO 38 tuổi hiện không còn nằm trong Top 10 người giàu nhất thế giới. Giống như nhiều tỷ phú công nghệ khác, Larry Page – đồng sáng lập Google cũng không tránh khỏi ảnh hưởng khi cổ phiếu ngành này lao dốc. Larry Page rời khỏi Top tỷ phú có tài sản 100 tỷ USD.
Trong khi đó, từ khi thành lập, giá thị trường của LVMH đã tăng lên ít nhất 15 lần, doanh thu và lợi nhuận tăng lên 500%. Nguyên lý kinh doanh của tỷ phú Bernard Arnault là các thương hiệu thuộc tập đoàn sau khi được thâu tóm vẫn hoạt động như doanh nghiệp độc lập, theo văn hoá và bản sắc lịch sử riêng. Vai trò của tập đoàn là hỗ trợ lợi ích chung cho các thương hiệu. Phương thức táo bạo và dứt khoát này giúp sức sống của các thương hiệu thuộc LVMH phát triển bền vững và giữ được truyền thống trong bối cảnh kinh tế đầy rẫy biến động.
Trong các năm qua, LVMH tiếp tục thâu tóm Zenith, Tag Heuer và Hublot. Tên của tỷ phú người Pháp đã rất quen thuộc với nhiều người. Ông là nhân vật cố định gần đầu bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới trong nhiều năm, thậm chí còn giành được vị trí hàng đầu từ Jeff Bezos của Amazon vào năm 2021 trước khi nhường chỗ cho Elon Musk.
Bernard Arnault được gọi với cái tên “ông trùm hàng hiệu” hay “sói già mặc cashmere”. Những thương vụ M&A đình đám trong ngành thời trang đã khiến tên tuổi Arnault được nhắc nhiều như "nỗi sợ hãi của các đối thủ kinh doanh”.
Kể từ khi thành lập đến nay, đế chế thời trang này đã nổi tiếng với việc mua lại, sáp nhập các thương hiệu lớn rồi biến chúng thành một hãng kinh doanh lợi nhuận. Arnault được biết đến là một CEO quyết liệt, sẵn sàng sa thải các nhân sự cao cấp. Con gái cả 44 tuổi Delphine Arnault nói về cha mình: “Ông ấy làm việc 24 giờ/ngày. Kể cả khi ngủ, cha tôi vẫn mơ về những ý tưởng mới”.
"Sói già vẫn chưa dừng lại"
Không chỉ gói gọn trong địa hạt thời trang, đế chế của Bernard còn đầu tư vào dịch vụ công nghệ và mỹ phẩm. Năm 2017, LVMH đã cộng tác cùng ngôi sao nhạc pop Rihanna và tung ra thị trường dòng mỹ phẩm Fenty Beauty. Năm 2019, LVMH đầu tư gần 3,2 tỷ USD cho tập đoàn khách sạn sang trọng, Belmond. Tập đoàn này sở hữu 46 khách sạn, xe lửa và nhiều du thuyền trên sông. Arnault thích đi kiểm tra các địa điểm bán lẻ của các thương hiệu LVMH và các đối thủ cạnh tranh của họ, theo báo cáo, có ngày ông đã ghé thăm tới 25 địa điểm. Ông cũng công khai tự hào về việc duy trì và phát triển một số thương hiệu và thiết kế mang tính biểu tượng nhất của Pháp.
Tờ Financial Times mới đây đã có bài bình luận về sự khác biệt giữa ông Arnault với Elon Musk. Theo đó, ngay sau khi hoàn thành thương vụ mua lại Tiffany&Co. vào tháng 1/2021, ông chủ mới Arnault đã cho sa thải toàn bộ giám đốc cấp cao của Tiffany, sau đó đưa người của mình vào ban lãnh đạo, bao gồm người con trai Alexandre lên làm phó chủ tịch. Tuy nhiên Arnault lại không đuổi việc lao động hàng loạt như Elon Musk đã làm sau này với Twitter mà vẫn giữ 14.000 nhân viên như cũ. Vị tỷ phú ngành thời trang này thừa hiểu tầm quan trọng của sự ổn định và cái gì thì nên thay đổi bởi chính bản thân ông cũng dựng nghiệp trong mảng hàng xa xỉ.
Thương vụ Tiffany đã chứng tỏ là một bước đi đúng đắn của ông Arnault khi thị trường hàng xa xỉ bùng nổ bất chấp hậu dịch cũng như lo lắng suy thoái kinh tế. Với kinh nghiệm điều hành của Arnault trong ngành xa xỉ cũng như nguồn lực của LVMH, hoạt động kinh doanh của Tiffany đã phục hồi nhanh chóng sau giai đoạn khó khăn. Trong buổi họp thường niên 2022 của LVMH, chính ông chủ Arnault đã phải thừa nhận việc mua lại Tiffany là “điểm sáng nhất của năm” nhờ lợi nhuận và kết quả kinh doanh cực tốt. Thậm chí tỷ phú Arnault còn nói đùa rằng nếu Tiffany vẫn còn là một công ty đại chúng thì giá cổ phiếu của hãng đã gấp đôi so với thời điểm LVMH mua lại.
Theo tờ Fortune, người giàu nhất thế giới hiện nay thậm chí đã quyết định đối đầu trực tiếp với người giàu thứ 2 là Elon Musk trong mảng xe điện.Cụ thể, ông Arnault sẽ giúp startup Lotus, một hãng xe của Anh hiện đang bị nắm giữ bởi Trung Quốc, lên sàn chứng khoán thông qua hoạt động mua lại với mục đích đặc biệt (SPAC Deal) vào nửa cuối năm nay.
Trong thông cáo báo chí được phát ra ngày 31/1/2023, quỹ đầu tư của Arnault là L Catterton Asia Acquisition Corp (LCAA) cho biết họ đã đồng ý sát nhập với bộ phận xe thể thao của Lotus Technology dưới dạng SPAC Deal. Công ty hợp nhất sẽ có tổng giá trị vào khoảng 5,4 tỷ USD. Cổ đông chiến lược của Lotus, hãng Zhejiang Geely Holding cùng những doanh nghiệp khác như Nio Capital, Etika Automotive của Malaysia sẽ nắm 89,7% cổ phần của công ty hợp nhất.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo trong năm nay triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn u ám trong khi rủi ro suy thoái không ngừng tăng lên, kinh tế thế giới có thể mất 4.000 tỷ USD từ nay tới năm 2026. Nhưng với ngành hàng xa xỉ thì ngược lại, doanh số vẫn trên đà tăng trưởng. Bernard Arnault đã đứng trên đỉnh cao danh vọng và tiền tài nhưng bản năng chinh phục của “sói già” vẫn chưa dừng lại ở đó. Vị tỷ phú 74 tuổi được dự đoán vẫn sẽ tiếp tục những “nước cờ” táo bạo nhằm giữ vững ngôi vị số 1 vừa giành được của mình.