Theo tờ Quartz (QZ), tình hình kinh tế khủng hoảng hiện nay với đà lạm phát tăng cao khiến nguồn quyên góp cho các dự án từ thiện của những nước giàu bị suy giảm. Thế nhưng, tỷ phú Bill Gates lại cho rằng đây là minh chứng rõ nhất về việc các nền kinh tế phát triển không biết cách chống đói nghèo thực sự tại những khu vực kém phát triển.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ QZ, tỷ phú Bill Gates nhận định những khoản viện trợ nhân đạo có thể bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, thảm họa thiên nhiên hay khủng hoảng kinh tế, bởi vậy chúng ta cần đầu tư phát triển nông nghiệp cho những nước nghèo. Nói đơn giản là hãy phát cần câu cá chứ đừng cho cá.
Những kỹ thuật như phát triển cây giống chịu hạn phù hợp thời tiết khí hậu ở Châu Phi là những công nghệ hoàn toàn trong tầm tay và đem lại hiệu quả nhiều hơn cho công cuộc chống đói nghèo so với các khoản viện trợ nhân đạo.
Chi tiêu cho viện trợ nhân đạo lương thực so sánh với chi cho nghiên cứu nông nghiệp kể từ năm 2005 đến nay (tỷ USD)
Theo báo cáo của tổ chức Bill and Melinda Gates Foundation, thế giới có khả năng chỉ đạt được 1/17 mục tiêu phát triển bền vững mà Liên Hiệp Quốc đề ra năm 2015. Nghiên cứu của Viện IHME thuộc trường đại học Washington cho thấy mục tiêu hạ tỷ lệ trẻ em sơ sinh tử vong xuống còn 5-25 bé trên mỗi 1.000 trẻ có thể đạt được vào năm 2030.
Còn lại thì những mục tiêu liên quan đến an ninh lương thực, nguồn nước, giáo dục bền vững, chống bệnh HIV, bảo vệ môi trường... đều khó có khả năng hoàn thành.
Dưới đây là lược dịch bài phỏng vấn của Bill Gates với tờ QZ:
QZ: Tại sao thế giới chi nhiều tiền cho viện trợ lương thực lại là vấn đề thưa ông?
Bill Gates: Chắc chắn là viện trợ lương thực sẽ cứu được nhiều mạng người nhưng câu chuyện khá phức tạp. Đôi khi bạn nhận được nhiều viện trợ trong khi có lúc lại nhận được quá nhiều. Khi nhận được quá nhiều thì giá lương thực sẽ thấp hơn chi phí sản xuất nông nghiệp của địa phương, qua đó ảnh hưởng xấu đến thị trường nông sản trong nước.
Bởi vậy song song với những biện pháp cứu trợ thì chúng ta cần phát triển về công nghệ giống, đào tạo người nông dân kỹ thuật mới, xây dựng hệ thống tín dụng để người dân có tiền mua nguyên liệu. Hiện nay rõ ràng là hệ thống nông nghiệp đang được đầu tư dưới mức tiêu chuẩn.
Hãy nhìn vào Châu Phi, một ví dụ không thể rõ ràng hơn. Với chi phí nhân lực thấp cùng lượng lớn đất đai khả dụng, đáng lẽ ra khu vực này phải là nhà xuất khẩu thuần nông nghiệp. Thế nhưng vì năng suất thấp nên họ lại trở thành những nước nhập khẩu thuần các nhu yếu phẩm.
Việc phát triển công nghệ và hệ thống nông nghiệp không chỉ giúp tăng năng suất cho Châu Phi mà bởi càng gần xích đạo thì họ càng dễ tổn thương bởi thay đổi khí hậu.
Hãy nhớ rằng Châu Phi là có thể là nơi cuối cùng trên thế giới tiếp tục tăng trưởng mạnh về dân số tại thời điểm mà những khu vực khác hầu như đã chững lại do kinh tế, đời sống đã đi lên. Bởi vậy, thách thức cho công cuộc chống đói nghèo ở khu vực này là rất lớn.
QZ: Vậy ông thấy vấn đề tiếp cận đảm bảo an ninh lương thực cho Châu Phi nên được thay đổi như thế nào?
Bill Gates: Mục tiêu của chúng tôi là thu hút được khoảng 2 tỷ USD đầu tư vào năm 2030 cho các chương trình nghiên cứu hạt giống. Tôi cũng không biết liệu chúng tôi có đạt được mục tiêu này không nhưng có lẽ đó là con số khả thi.
Chúng ta cần các nhà khoa học tại Châu Phi nghiên cứu nhanh nhất cho câu hỏi làm thế nào để chế tạo giống mới phù hợp hoặc các kỹ thuật cấy giống khác cho môi trường tại đây...Chúng tôi đã đạt được một số tiến bộ khi có một số giống mới đang được thông qua, nhưng đó mới chỉ là một phần trong danh sách những việc cần làm mà thôi.
Nếu không có cải tiến về hạt giống thì chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn. Dù thế giới đã có nhiều đổi mới công nghệ giống cho ngô, gạo hay lúa mỳ nhưng chúng ta lại thiếu nghiên cứu về hạt giống cho cao lương, kê, sắn...những loại cây trồng thích hợp cho Châu Phi.
Rõ ràng, các cải tiến công nghệ nông nghiệp hiện nay không bao gồm cả hệ sinh thái Châu Phi.
QZ: Ông nhận định thế nào về tiến trình hoàn thành những mục tiêu mà Liên Hiệp Quốc đã đề ra trong bối cảnh nhiều mục tiêu khó có thể hoàn thành?
Bill Gates: Chúng ta đang bỏ lỡ rất nhiều mục tiêu. Nguyên nhân chính thì có 2 yếu tố.
Thứ nhất là nhiều mục tiêu được đặt ra ở tiêu chuẩn quá cao. Thậm chí ngay cả trong điều kiện tốt nhất thì chúng ta cũng chưa chắc đạt được nó.
Tiếp đó, ngay cả mục tiêu nhiều khả năng hoàn thành nhất là giảm tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong cũng chỉ là “nếu” bởi còn chịu nhiều yếu tố ảnh hưởng. Hiện nay chúng ta có vấn đề đại dịch Covid-19, xung đột Ukraine khiến giá phân bón đi lên, thế rồi tình hình tài chính nhiều nước gặp khó khăn do phải bơm tiền kích thích kinh tế để rồi đang gặp rắc rối với lạm phát. Tiếp đó là thay đổi khí hậu, chúng ta đều biết đây là vấn đề nhưng sự thực là chúng đang diễn ra nhanh hơn mọi người tưởng, từ các đợt nắng nóng, lũ lụt đến nhiều hiện tượng thiên tai khác.
Hiện tại, tôi kỳ vọng chúng ta sẽ có những bất ngờ về cải tiến công nghệ, ngay cả những việc nhỏ nhất như chế tạo được thuốc trị sốt rét tốt hơn cũng đáng quý. Tất cả những tiến bộ từ việc điều trị HIV, những nghiên cứu về dinh dưỡng, giảm tỷ lệ tử vong khi sinh sản...đều khiến tôi háo hức hơn.
Đảm bảo an ninh lương thực là tiến trình cần sự đầu tư dài hạn. Đảm bảo quyền cho phụ nữ cũng cần điều đó. Những mục tiêu này nên được thế giới quan tâm nhiều hơn bất kể những vấn đề đang gây xao nhãng hiện nay như ở Châu Âu.
QZ: Với những khó khăn như trên thì liệu chúng ta có cần đánh giá lại chiến lược tiếp cận để hoàn thành các mục tiêu hay không?
Bill Gates: Mọi chuyện vẫn đang tiến triển cho đến khi đại dịch bùng phát. Chúng ta đã đạt được những tiến bộ rõ rệt. Tỷ lệ tử vong vì HIV đang giảm, tỷ lệ tiêm vaccine tăng lên, thế giới giảm được tỷ lệ trẻ em tử vong xuống còn một nửa, hệ thống trị bệnh sốt rét đang tốt hơn bao giờ hết...
Tất nhiên thị trường phát triển công nghệ đang không ưu tiên cho người nghèo và đó là một phần lý do khiến chúng ta cần phải tuyên truyền cho các chương trình nhân đạo của chính phủ. Chúng ta cũng cần khuyến khích để các quốc gia sử dụng nguồn lực không chỉ cho đất nước mình mà còn cho cả thế giới.
Bất chấp những khó khăn hiện tại, tôi nghĩ rằng chúng ta cũng không cần có một sự thay đổi hoàn toàn về cách tiếp cận vấn đề. Ý tôi là mọi chuyện vẫn đang tiến triển và nếu chúng ta có tránh được đại dịch hay xung đột Ukraine thì vòng lặp khủng hoảng kinh tế cũng sẽ xuất hiện tại thời điểm nào đó mà thôi. Chẳng có gì sẽ là mãi mãi cả.
Xin cảm ơn ông đã chia sẻ
*Nguồn: QZ