Tại đại hội cổ đông thường niên của Berkshire Hathaway ở trung tâm thành phố Omaha (tiểu bang Nebraska) mới đây, tỷ phú Warren Buffett nhấn mạnh nếu Mỹ thực sự vỡ nợ, hệ thống tài chính toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Thực tế, tắc nghẽn dòng tiền là kịch bản tồi tệ nhất mà các nhà kinh tế đã cảnh báo suốt vài tháng qua.
Khó tưởng tượng cảnh Mỹ vỡ nợ
Được biết, khối nợ công thực tế tại Mỹ đã vượt quá giới hạn 31.400 tỷ USD kể từ tháng 1 năm nay, và Bộ Tài chính nước này trong 4 tháng qua đã phải áp dụng mọi biện pháp để kéo dài tình hình, tránh việc vỡ nợ.
Gần đây nhất, trong thư gửi Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nhấn mạnh rằng họ sẽ không thể tiếp tục đáp ứng các yêu cầu chi trả của chính phủ kể từ tháng tới nếu Quốc hội không nâng trần nợ. Theo bà, “chẳng có phương án hợp lý nào” để giải quyết bế tắc ngoài việc nâng giới hạn đi vay.
Cùng chung nỗi lo đó, Giám đốc Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) Phillip Swagel nêu rõ, do các khoản thu thuế đến hết tháng 4 vừa qua đang ít hơn so với dự kiến nên Bộ Tài chính nhiều khả năng sẽ cạn tiền vào đầu tháng 6.
Trong 63 năm qua, các nhà lập pháp Mỹ đã 78 lần nâng giới hạn đi vay, tuy nhiên, Quốc hội lần này lại rơi vào tình trạng bế tắc đáng lo ngại.
Hiện tại, đến cả cơ hội để các nghị sĩ thuộc hai đảng Dân chủ và Cộng hoà đàm phán cũng đã thu hẹp sau khi Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy yêu cầu chính quyền Tổng thống Joe Biden hạn chế chi tiêu. Trong khi đó, Thượng viện do Đảng Dân chủ kiểm soát lại muốn bác bỏ đề xuất này.
Nhận xét về tình hình này, tỷ phú Buffett cho biết tinh thần đảng phái chính trị ở Washington giờ đây đã biến thành một dạng “chủ nghĩa bộ lạc” (tribalism) - nơi mà nhiều người nói nhưng không có người nghe.
“Vấn đề bây giờ là tinh thần đảng phái đã trở nên hạn hẹp, mọi người chỉ trung thành với một tư tưởng cố định của phe mình mà chẳng có bên nào chịu lắng nghe bên nào", ông phát biểu.
Dù vậy, vị tỷ phú vẫn lần nữa nhấn mạnh niềm tin của ông vào nước Mỹ. Đối với ông, nước Mỹ là một “xã hội đáng kinh ngạc” và “mọi thứ rồi sẽ thuận lợi hơn”. Kể cả khi được được lựa chọn lại, ông vẫn muốn sinh ra ở Mỹ.
Hạ kỳ vọng kinh doanh trong bối cảnh khủng hoảng ngân hàng
Cũng tại sự kiện này, tỷ phú Buffett và cộng sự của mình - ông Charlie Munger - đã chỉ trích cách các chính trị gia, quan chức và giới truyền thông trong việc xử lý các vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank, Signature Bank và First Republic Bank.
Ông cho rằng cách truyền đạt thông điệp "rất nghèo nàn" đã khiến người gửi tiền hoảng sợ một cách không cần thiết.
"Sự sợ hãi sẽ lan rất nhanh. Bạn không thể điều hành nền kinh tế khi người dân lo lắng về sự an toàn trong ngành ngân hàng", ông nói. Theo vị tỷ phú, Berkshire hiện rất thận trọng về ngành này và đã bán gần hết cổ phiếu trong 6 tháng qua.
Do đó, khi dự báo về kết quả kinh doanh của Berkshire năm nay, ông Buffett cho rằng các công ty con sẽ gặp khó khăn hơn năm ngoái rất nhiều do hoạt động kinh tế đang chậm lại.
Dù vậy, Berkshire có thể bù đắp việc này bằng lợi nhuận từ đầu tư, trong đó có 7 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ mua tháng trước.
Chỉ trước buổi đại hội vài tiếng đồng hồ, Berkshire Hathaway đã công bố báo cáo lợi nhuận ròng quý I tăng tới 13%, đạt mức 8,065 tỷ USD nhờ sự hồi phục của mảng bảo hiểm.
Đặc biệt, riêng lợi nhuận từ mảng bảo lãnh phát hành bảo hiểm đã đạt 911 triệu USD - gấp 5 lần so với 167 triệu USD của cùng kỳ trước đó, đồng thời thu nhập từ đầu tư bảo hiểm cũng tăng 68% lên 1,969 tỷ USD.